Xây dựng hệ sinh thái hợp tác chuẩn có ý nghĩa lớn với doanh nghiệp SME 

Theo ông Vũ Hồng Phú - thành viên Ban điều hành của ngân hàng MB kiêm Tổng Giám đốc MB Ageas Life, không dừng lại ở các giao dịch ngân hàng thông thường, doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái số của ngân hàng có thể gặp gỡ các doanh nghiệp khác, chia sẻ sản phẩm với khách hàng trong hệ sinh thái đó và tối ưu hoá chi phí cho chuyển đổi số. 

Chú thích ảnh
Hệ sinh thái số ngân hàng: Cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sau COVID-19. “Hơn 50% doanh nghiệp SME tại châu Á chưa được tiếp cận nguồn vốn chính thức; đồng nghĩa với khoảng 1,1 nghìn tỷ USD vốn vay ngân hàng cho SME chưa được triển khai. Đây là tiềm năng rất lớn đối với nền kinh tế số của Việt Nam”, ông Vũ Hồng Phú cho biết. 

Tuy nhiên theo lãnh đạo MB, vẫn tồn tại những thách thức cũ với doanh nghiệp SME, ví dụ, 45% SME gặp khó khăn với thời gian xử lý hồ sơ vay dài dù các ngân hàng đẩy mạnh đổi mới về sản phẩm và trải nghiệm khách hàng. 

Theo số liệu khảo sát 2260 doanh nghiệp của McKinsey tại Đông Nam Á và Ấn Độ (năm 2022), trong 3 năm tới, khoảng 70% doanh nghiệp sẽ chuyển đổi sang nền tảng kinh doanh số (digital sales). Với chuyển dịch đó, dự kiến đến năm 2025, doanh thu đến từ nền tảng số sẽ chiếm khoảng 69%, trong khi doanh thu từ kênh truyền thống sẽ giảm xuống còn 31%. 

Điều này đặt ra thách thức mới đối với doanh nghiệp SME, song cũng cho thấy tiềm năng về hợp tác số giữa ngân hàng và các merchant thúc đẩy bán chéo các dịch vụ tích hợp ngân hàng và ngoài ngân hàng (Beyond Banking). 

Lãnh đạo MB chỉ ra 4 trụ cột của một hệ sinh thái hợp tác thành công cho ngân hàng và các doanh nghiệp SME bao gồm: Xây dựng hệ sinh thái hợp tác chuẩn - đây là yếu tố quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp SME khi chuyển đổi số; luôn lấy khách hàng làm trọng tâm; duy trì bằng quá trình hợp tác mạnh mẽ - giải quyết các yếu tố về tính độc quyền, chia sẻ dữ liệu, chia sẻ doanh thu…; và thúc đẩy thông qua sức mạnh phân tích dữ liệu. 

Phân tích case study (phương pháp hay hoạt động nghiên cứu sâu trong một tình huống hay một sự việc thực tế) về hệ sinh thái số của MB, ông Vũ Hồng Phú cho biết: Hiện MBBank có 2 nền tảng số chủ lực là App MBBank (dành cho khách hàng cá nhân) và BIZ MBBank (dành cho khách hàng doanh nghiệp). “Trên nền tảng này không đơn thuần chỉ là dịch vụ ngân hàng mà chúng tôi cung cấp rất nhiều các dịch vụ khác cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân”. Hiện có hơn 200 doanh nghiệp đang liên kết cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên hai nền tảng ứng dụng này của MB, ông cho hay. 

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số cho biết: Việt Nam là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á trong thị trường tăng trưởng dài hạn của những quỹ đầu tư mạo hiểm với 83% quỹ đầu tư mạo hiểm kỳ vọng hoạt động thương vụ tại Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn. Nhiều ngành thu hút vốn lớn là công nghệ tài chính (Fintech), game, y tế, thương mại điện tử…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo vốn đầu tư vào startup Việt Nam năm 2022 có thể đạt 2 tỷ USD, tăng 33% so với năm ngoái. Việt Nam đang có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế số với cơ cấu dân số trẻ, GenZ (nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012) và Gen Alpha (nhóm người được sinh ra từ sau năm 2010) chiếm trên 42%.

Với 2 trong số các trụ cột chính giúp nắm bắt tiềm năng chuyển đổi số là phát triển hệ sinh thái công nghệ và đào tạo kỹ năng số cho người lao động, sinh viên...Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng mục tiêu đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số và linh hoạt được xác định là hai từ khóa giúp doanh nghiệp nhanh chóng ứng biến trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Tuy nhiên, chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao cũng như khó khăn trong thay đổi thói quen là hai rào cản hàng đầu trong chuyển đổi số. Kết quả khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (Vinasa), tỷ lệ doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số chiếm khoảng 15%; trong đó có 99% SMEs gặp khó khăn về vốn nên thường coi chuyển đổi số là “sân chơi” dành riêng cho các "ông lớn".

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Ngành ngân hàng số hóa để tiến lên phía trước đón đầu tương lai
Ngành ngân hàng số hóa để tiến lên phía trước đón đầu tương lai

Hai năm đại dịch đã làm thay đổi mạnh mẽ hành vi tiêu dùng của khách hàng, các ngân hàng buộc phải thay đổi và thích nghi. Số hóa từ một sự lựa chọn giờ đây đã thành điều tất yếu. Các nhà băng giờ đây cũng đã không ngừng tăng tốc và có thêm nhiều công nghệ mới được đưa vào thực tiễn trong cuộc đua số hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN