Kết thúc phiên chiều, VN-Index tăng hơn 27 điểm và đạt gần mốc 1.086,7 điểm; HNX-Index tăng gần 6 điểm và dừng ở 215,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt trên 814 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị hơn 13.600 tỷ đồng.
Đứng đầu tốp 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất là ngành bất động sản – VHM, tiếp đến là ngành ngân hàng BID, TPB; sau nữa là HPG, MSN, CTG, VCB, MBB, ACB, GAS.
Trước đó, kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 15,02 điểm, lên mức 1.074,33 điểm; HNX-Index tăng 3,87 điểm, tạm dừng chân ở mức 213,82 điểm. Khối lượng giao dịch của VN-Index ghi nhận trong phiên sáng đạt gần 320 triệu cổ phiếu, với giá trị hơn 5 ngàn tỷ đồng; còn HNX-Index ghi nhận giao dịch đạt gần 43 triệu cổ phiếu, với giá trị giao dịch đạt hơn 643 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu bất động sản – xây dựng ghi nhận sự hưng phấn cao độ. Các mã NVL, IDJ, PDG, DRH, HPX, PDR, DIG, DXG, HTN... đều “bốc đầu” tăng hết biên độ tính tới giữa phiên chiều.
Nhiều ý kiến cho rằng, Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” vừa qua, với hàng loạt thông điệp từ hội nghị đã đem theo nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư, khi thấy sự ghi nhận và nỗ lực từ phía cơ quan chức năng trong việc đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đưa thị trường bất động sản phát triển theo hướng bền vững hơn.
Bên cạnh đó, Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế, đã có nhiều quy định mới được đề xuất. Cụ thể, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác theo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan; phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; doanh nghiệp phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Để hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được đàm phán để thay đổi kỳ hạn của trái phiếu, thời gian tối đa là 2 năm; bổ sung quy định trường hợp đàm phán thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu (trong đó có cả kỳ hạn trái phiếu) mà có nhà đầu tư không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư này.
Với quy định mới này, nhiều nhà đầu kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực tài chính trong ngắn hạn đối với các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt khi cao điểm đáo hạn trái phiếu sẽ rơi vào giai đoạn 2023 - 2024. Nếu được thông qua, các doanh nghiệp bất động sản sẽ có thêm thời gian cải thiện tình hình kinh doanh, tái cơ cấu, xoay sở dòng tiền để trả nợ.
Tuy nhiên, nhận định về thị trường chứng khoán trong tuần này, nhiều chuyên gia chứng khoán – tài chính cho rằng, việc tăng điểm của thị trường trong ngày 20/2 vẫn chỉ là phục hồi ngắn hạn và xu hướng của chỉ số vẫn đang là giảm điểm. Hiện VN-Index đang kiểm tra lại vùng kháng cự quanh khu vực 1.060 – 1.075 điểm.
Theo CTCK MB (MBS), nguyên nhân thị trường vẫn không có nhiều thông tin hỗ trợ để hồi phục mạnh, dòng tiền chủ yếu vận động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Còn CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) dự báo, theo góc nhìn ngắn hạn, nếu VN-Index không rơi xuống dưới 1.050 điểm trong ngắn hạn thì khả năng cao sẽ tạo được một kênh sóng hồi và vẫn có kỳ vọng VN-Index có thể hướng tới mục tiêu 1.150 điểm.
Với góc nhìn trung - dài hạn của SHS, ngay cả khi VN-Index thủng ngưỡng 1.050 một cách dứt khoát để trở lại xu hướng downtrend trung hạn thì vẫn còn 2 mốc hỗ trợ quan trọng là 1.000 và 950 điểm (đáy cũ), do đó vẫn có thể kỳ vọng VN-Index hình thành đáy trung - dài hạn 950 điểm.