Trả cổ tức bằng cổ phiếu, nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường

Nhằm tăng vốn điều lệ cũng như nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh của mình, hàng loạt ngân hàng đã chia cổ tức trong tháng 8/2024 bằng cổ phiếu.

Chú thích ảnh
OCB thông báo, ngày 30/8 là hạn đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức. Ảnh: OCB

Trả cổ tức bằng cổ phiếu

OCB vừa thông báo, ngày 30/8 là hạn đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới).

Theo đó, OCB sẽ phát hành gần 411 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn phát hành là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2023. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của OCB dự kiến sẽ tăng lên gần 24.658 tỷ đồng.

Trong khi đó, SeABank cũng đã có nghị quyết thông qua ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu và nhận cổ phiếu phát hành để tăng vốn, từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2024 là ngày 26/8/2024. Cụ thể, SeABank sẽ phát hành 329 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ phát hành là 13,18%.

Đồng thời, ngân hàng phát hành thêm 10,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ 0,4127%. Theo đó, tổng tỷ lệ phát hành của hai phương án trên là 13,6%.

Chú thích ảnh
HDBank trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Ảnh: HDB

MSB cũng đã chốt ngày 29/8 là hạn đăng ký cuối cùng để hưởng quyền nhận cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Cụ thể, MSB sẽ tăng vốn theo hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận để lại, tính theo báo cáo tài chính kiểm toán tại thời điểm 31/12/2023 sau khi trích các quỹ theo luật định.

Theo đó, tỷ lệ phát hành của MSB là 30% trên tổng số cổ phần đang lưu hành (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 30 cổ phiếu), tương đương phát hành thêm 600 triệu cổ phiếu. Với tỷ lệ này, MSB trở thành ngân hàng có mức trả cổ tức cao nhất trong năm nay. Sau khi tăng vốn, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành sẽ là 2,6 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ mới đạt 26.000 tỷ đồng.

Tương tự, VIB cũng đã thông báo hạn đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng là ngày 23/8/2024. Theo đó, VIB sẽ phát hành thêm gần 431,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ 17% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 17 cổ phiếu mới).

Tổng giá trị phát hành của VIB theo mệnh giá là 4.312,6 tỷ đồng, nguồn phát hành là quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại tính đến cuối năm 2023. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của VIB dự kiến sẽ tăng thêm gần 4.313 tỷ đồng.

Trước đó, trong tháng 7, Nam A Bank cũng đã chốt danh sách cổ đông thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, Nam A Bank sẽ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 25%, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 2.654 tỷ đồng. Nguồn phát hành là lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 (sau khi đã trích các quỹ) và lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước.

Còn HDBank trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, ngân hàng này đang triển khai kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu theo nghị quyết được Đại hội đồng cổ đông thông qua với tỷ lệ 20%. Theo đó, cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ phân phối 100:20 (sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 20 cổ phiếu mới).

Sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ HDBank sẽ tăng thêm tối đa 5.825 tỷ đồng lên hơn 35.900 tỷ đồng, giúp HDBank tiếp tục nằm trong nhóm các ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, các chỉ tiêu an toàn được đảm bảo và hiệu quả hoạt động cao.

SHB cũng đang triển khai kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11%, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng đang hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan quản lý, thực hiện các thủ tục chuẩn bị triển khai phát hành trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu tỷ lệ 11% trong quý III/2024.

Trước đó, SHB đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 19/7 để trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Với gần 3,7 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, SHB đã chi hơn 1.800 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Tín dụng cải thiện

Với hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng sắp được tung ra, nhà đầu tư chứng khoán đang mong chờ đón nhận một làn sóng mới. Các chuyên gia cũng dự báo, cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn dắt thị trường không chỉ từ nay đến cuối năm và cả qua năm sau.

Trong báo cáo chiến lược kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ là một trong hai nhóm dẫn dắt thị trường trong giai đoạn cuối năm, khi mà hoạt động kinh tế được kỳ vọng hồi phục tích cực hơn trong nửa cuối năm 2024 (đặc biệt là nhóm ngành phi tài chính) giúp tăng trưởng tín dụng khởi sắc và giảm căng thẳng về nợ xấu.

Chú thích ảnh
Nhóm tài chính - ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh đó, hệ số NIM kỳ vọng cải thiện nhờ chi phí huy động giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Trong năm 2025, Chứng khoán Tiên Phong dự báo, lợi nhuận ngành ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng 20% tạo ra những cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn dắt thị trường, nhất là trong những tháng cuối năm 2024, bởi nhu cầu mở rộng của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt mức mục tiêu 14%-15%.

Đồng thời, quy mô nợ xấu sẽ giảm nhẹ vào cuối năm khi các ngân hàng có dự phòng tốt hơn so với năm 2023, có thể tiếp tục hấp thụ và làm sạch bảng cân đối. Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế phục hồi cũng giúp giảm áp lực nợ xấu hình thành, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.

Theo số liệu thống kê từ NHNN, tín dụng của ngành ngân hàng đã có sự cải thiện tích cực trong quý II/2024, đặc biệt là vào tháng 6, kéo tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế lên mức 6% vào cuối quý so với cuối năm ngoái, đạt mục tiêu Chính phủ, NHNN đặt ra trong nửa đầu năm.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu Chứng khoán VNDirect cho biết, tăng trưởng tín dụng bất ngờ tăng tốc trong những tuần cuối tháng 6 là do nỗ lực của các ngân hàng để đạt chỉ tiêu tín dụng. Tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy bởi cho vay khách hàng doanh nghiệp và chủ yếu chảy vào các lĩnh vực thương mại, công nghiệp và bất động sản.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đưa ra lưu ý, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục phân hóa và điều chỉnh dựa trên hiệu suất kinh doanh của nhà băng. Theo đó, cần có sự đánh giá và lựa chọn kỹ với từng cổ phiếu, chỉ những cổ phiếu có triển vọng cao hơn so với kỳ vọng của thị trường thì mới có thể bứt phá.

Một số ngân hàng như VPBank (VPB), HDBank và MB được dự báo có mức tăng trưởng tín dụng vượt trội nhờ tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém và có danh mục cho vay cân bằng giữa khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Còn Techcombank (TCB) và LPBank (LPB) sẽ được hưởng lợi từ tỷ trọng cao trong cơ cấu cho vay lĩnh vực bất động sản và vay mua nhà.

Hải Yên/Báo Tin tức
HDBANK đặt mục tiêu lợi nhuận 16.000  tỷ đồng, chia cổ tức tới 30%  
HDBANK đặt mục tiêu lợi nhuận 16.000  tỷ đồng, chia cổ tức tới 30%  

Ngày 26/4/2024, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank, mã chứng khoán: HDB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 và thông qua chỉ tiêu lợi nhuận 16.000 tỷ đồng, chia cổ tức 30%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN