Thanh lọc sai phạm là tích cực cho thị trường chứng khoán 

Thị trường chứng khoán đã chịu tác động từ việc cơ quan chức năng liên tiếp khởi tố, điều tra một số vụ án hình sự liên quan đến vi phạm về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản (xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh...). Tuy nhiên, những tin đồn thiếu căn cứ cũng tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư.

Chú thích ảnh
Bên cạnh yếu tố tâm lý thận trọng, thì nhiều nhà đầu tư đang bị tác động không nhỏ từ các tin giả, tin đồn trên các diễn đàn và mạng xã hội.  Ảnh: TTXVN.

Đơn cử phiên ngày 18/4, thị trường chứng khoán (TTCK) đã chìm trong sắc đỏ và nhanh chóng lao dốc với áp lực bán tháo ở nhiều nhóm ngành. Các chỉ số đại diện thị trường lao dốc trước áp lực bán dồn dập, khiến hàng loạt cổ phiếu rơi sâu và giảm sàn. Kết thúc phiên ngày 18/4, chỉ số VN-index đóng cửa tại 1.432 điểm, giảm 26 điểm, tương ứng giảm 1,8% so với phiên giao dịch trước. Còn chỉ số HNX-Index giảm 13,6 điểm, xuống mức 403,12 điểm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, những sự vụ như FLC, Tân Hoàng Minh sẽ không tác động lâu dài tới thị trường. Việc cơ quan chức năng mạnh tay "thanh lọc" các hành vi không lành mạnh, sai phạm trên các thị trường chứng khoán (TTCK), bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp…được đánh giá là tích cực, giúp thị trường minh bạch hơn, góp phần giúp dòng vốn trong và ngoài nước sớm quay trở lại thị trường mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên trong những ngày qua, TTCK vẫn bị chịu tác động về mặt tâm lý trước các thông tin sự vụ và tin đồn.

“Những động thái chấn chỉnh thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng là rất cần thiết để lành mạnh hoá thị trường trong dài hạn, hướng tới thông lệ chung của những nước phát triển. Với các yếu tố nền tảng tốt, về lâu dài TTCK vẫn là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam”, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết. 

Theo ông Chu Tuấn Linh - Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS), quý I/2022, các chỉ số chứng khoán thế giới đều diễn biến kém khả quan trước căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine, khiến giá cả hàng hóa leo thang và nỗi lo lạm phát bao trùm toàn cầu. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất USD tháng 3/2022. Nằm trong “quỹ đạo” chung của thế giới, TTCK trong 3 tháng đầu năm dao động trong biên độ hẹp. Chỉ số VN-Index giảm 0,41% so với thời điểm cuối năm 2021. 

Tính chung quý I/2022, trên sàn HoSE, khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt hơn 801,18 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 25.908 tỷ đồng/phiên, tăng lần lượt 23% về khối lượng và 67% về giá trị bình quân so với cùng kỳ năm 2021. "Triển vọng kinh tế Việt Nam và tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp năm 2022 dự báo vẫn tích cực, sẽ là ‘bệ đỡ’ cho TTCK dài hạn”, ông Chu Tuấn Linh cho biết.

Mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự tin tưởng, lạc quan về TTCK trước những động thái quyết liệt từ cơ quan quản lý nhưng ông Chu Tuấn Linh cũng thừa nhận: Hiện, cá nhân trong nước chiếm 88% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong khi nhà đầu tư tổ chức trong nước và khối ngoại chỉ chiếm lần lượt 5,4% và 6,5% tổng giá trị giao dịch. Trong số nhà đầu tư cá nhân, có rất nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0) còn hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư nên tâm lý còn chưa vững vàng và theo tâm lý đám đông.

Trong bối cảnh này, đại diện phía ABS kỳ vọng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn kể từ quý II/2022 khi các chuyến bay quốc tế được khôi phục; các hoạt động kinh tế đang trở lại bình thường khi mức độ bao phủ vaccine cao; mặt bằng lãi suất dự kiến tiếp tục duy trì ở mức thấp khi Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân phục hồi kinh tế sau đại dịch. Cùng với đó, Chính phủ bắt đầu đẩy mạnh triển khai các gói đầu tư công từ tháng 4/2022 giúp tăng trưởng kinh tế cũng sẽ được hỗ trợ tốt hơn.

Về yếu tố nội tại, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên thị trường vẫn khả quan. Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng 95% số công ty niêm yết báo cáo có lãi trong năm 2021. Đây là con số khá khả quan và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Điều này sẽ giúp cho TTCK khởi sắc trong năm nay.

Bên cạnh đó, thanh khoản trên thị trường vẫn là điểm sáng khi nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng 12.421 tỷ đồng trên sàn HoSE trong quý đầu tiên năm 2022, lũy kế các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng trong cả 5 quý kể từ đầu năm 2021 đến nay với tổng giá trị gần 102.000 tỷ đồng.

Trao đổi với báo giới mới đây, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước khẳng định: Nền tảng TTCK vẫn tốt, dư địa tăng trưởng vẫn tích cực. Vì vậy, nhà đầu tư cần thực sự bình tĩnh, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình vĩ mô thế giới, trong nước, cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, COVID-19 đến thời điểm hiện tại đã được kiểm soát tốt hơn, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy triển vọng phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế. 

"Nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế, tránh đầu tư theo trào lưu, đầu cơ rủi ro cao. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều tin giả, tin đồn như thời gian gần đây, nhà đầu tư cần theo dõi thông tin chặt chẽ tại các nguồn thông tin chính thống, tránh bị tác động tâm lý không mong muốn dẫn đến sai lầm trong đầu tư", bà Tạ Thanh Bình cho biết.

Trong Báo cáo triển vọng 2022 mới nhất của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCBS), trong quý 2/2022, nhóm cổ phiếu đầu cơ nhiều khả năng sẽ “lặng sóng” trong một thời gian dài và dòng tiền sẽ có xu hướng quay trở lại các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Các yếu tố kinh tế chính sẽ chi phối thị trường chứng khoán trong quý 2/2022 cũng như năm 2022, đó là nền kinh tế Việt Nam dần lấy lại đà tăng trưởng kinh tế nhưng đi cùng với mức lạm phát cao; lãi suất nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ nhưng mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn được giữ ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng.

VCBS dự báo mức cao nhất trong năm 2022 của chỉ số VN Index có thể tiến lên đến vùng điểm số 1.580 – 1.600, tương đương với mức tăng khoảng 6 - 8% so với mức đỉnh của năm 2021. Khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2022 được dự báo tăng nhẹ so với năm 2021 và đạt bình quân hơn 1 tỷ cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương ứng với mức tăng khoảng 8 - 10% yoy. Giá trị giao dịch trung bình năm 2022 được kỳ vọng tăng trưởng 17 - 20% so với năm 2021, tương ứng với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt khoảng 28.000 - 30.000 tỷ đồng một phiên trên cả ba sàn.

“Các nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố vĩ mô, cũng như nội tại doanh nghiệp để tránh bị tác động về mặt tâm lý, dẫn tới những sai lầm trong đầu tư. Các nhà đầu tư cũng cần tránh chạy theo trào lưu đầu cơ tiềm ẩn rủi ro cao. Để tránh bị dẫn dắt bởi các thông tin sai lệch từ đó đưa ra các quyết định sai lầm trong đầu tư, nhà đầu tư cần theo dõi thông tin tại các nguồn thông tin chính thống có uy tín và có sự kiểm nghiệm chéo qua nhiều kênh”, ông Chu Tuấn Linh cho biết.

Có thể bị xử lý hình sự khi tung tin giả

Giới luật sư cho rằng: Những tin đồn thất thiệt về chứng khoán trên mạng xã hội gây thiệt hại cho nhiều tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính, có thể bị bồi thường về dân sự hoặc thậm chí bị xử lý hình sự.

Đề cập về Facebooker Đặng Như Quỳnh vừa bị khởi tố do đăng tải thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, theo điều 331 Bộ Luật Hình sự, người nào vi phạm tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" có thể đối mặt với mức phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Đối với người phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

"Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về tinh thần, vật chất vẫn có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường", luật sư Đặng Văn Cường cho biết. 
Minh Phương/Báo Tin tức
Nhận định chứng khoán từ 18 - 22/4: Nhiều khả năng thị trường sẽ hồi phục
Nhận định chứng khoán từ 18 - 22/4: Nhiều khả năng thị trường sẽ hồi phục

Dù vẫn còn những thận trọng khi nhận định về diễn biến thị trường tuần giao dịch tới (từ 18-22/4), nhưng hầu hết các công ty chứng khoán vẫn cho rằng thị trường nhiều khả năng sẽ hồi phục trở lại khi lùi về gần các vùng hỗ trợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN