Nhận định xu hướng dòng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng

Dòng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đang phản ánh phần nào tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước khi thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng... biến động liên tục và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Song, giới chuyên gia dự báo xu hướng này có thể dịch chuyển khi các kênh đầu tư khác có dấu hiệu hồi phục.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TechcomBank. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Ngân hàng hút mạnh tiền gửi

Ngay trong tháng đầu năm 2025, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi. Mức lãi suất trên 6%/năm áp dụng nhiều hơn đối với các kỳ hạn dài từ 12 tháng như tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)... Tuy nhiên, sang đến tháng 2, xu hướng lãi suất đang có dấu hiệu đảo chiều. Lãi suất huy động nhiều kỳ hạn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank)... lại điều chỉnh giảm.

Theo số liệu công bố mới nhất, tiền gửi tại các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024 với tổng huy động vốn vượt 12,8 triệu tỷ đồng, tăng gần 12,9% so với cuối năm 2023. Sự gia tăng mạnh mẽ này xuất phát từ xu hướng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm bắt đầu từ quý II/2024. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết lãi suất huy động trong năm qua đã tăng thêm 0,71%, góp phần thu hút dòng tiền đáng kể từ người dân vào hệ thống ngân hàng.

Xét về tốc độ tăng trưởng, một số ngân hàng thương mại ghi nhận kết quả đáng chú ý như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với mức tăng mạnh đến 25,4% so với năm 2023, đạt 714.066 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng 17,3% với 536.746 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng 11,6% ghi nhận 496.106 tỷ đồng...

Nhưng nếu xét về quy mô huy động vốn, nhóm "Big 4" vẫn dẫn đầu hệ thống dù lãi suất tiền gửi ít có sự thay đổi, thậm chí một số kỳ hạn còn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước giữa bối cảnh nhóm các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ có xu hướng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm nhằm hút vốn đầu vào.

Theo đó, các ngân hàng thuộc nhóm "Big 4" gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) ghi nhận tổng huy động vốn trong năm 2024 vượt 7 triệu tỷ đồng, chiếm 56% thị phần toàn ngành.

Cụ thể, Agribank là ngân hàng có lượng huy động lớn nhất, lần đầu tiên cán mốc 2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2023. BIDV ghi nhận 1,929 triệu tỷ đồng, tăng 14,5%; VietinBank đạt hơn 1,603 triệu tỷ đồng, tăng 13,8%; trong khi Vietcombank huy động hơn 1,515 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm trước. Ngoài nhóm này, chưa có ngân hàng nào đạt mốc 1 triệu tỷ đồng về huy động vốn.

Theo các chuyên gia, xu hướng gia tăng tiền gửi vào ngân hàng có liên quan đến tâm lý thận trọng của người dân trước những biến động của kinh tế toàn cầu. Lạm phát gia tăng, bất ổn địa chính trị và sự suy giảm tại nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đã khiến dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư an toàn hơn. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước và sự ổn định của hệ thống tài chính cũng góp phần củng cố niềm tin của người gửi tiền.

"Trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động thất thường, bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản và giá cả biến động, trong khi vàng và ngoại tệ không ổn định, làm gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư thì tiền gửi ngân hàng vẫn là một lựa chọn hấp dẫn", Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá.

Dòng tiền có dịch chuyển?

Sự gia tăng mạnh mẽ của tiền gửi ngân hàng không chỉ phản ánh tâm lý thận trọng của người dân mà còn tác động đáng kể đến nền kinh tế. Khi lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng lên, các tổ chức tín dụng có thêm nguồn vốn để mở rộng hoạt động cho vay, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, với thanh khoản dồi dào, các ngân hàng có cơ hội giảm lãi suất cho vay, góp phần kích thích sản xuất và tiêu dùng.

Nhiều ý kiến nhận định xu hướng gửi tiền vào ngân hàng nhiều khả năng vẫn tiếp tục nếu tình hình kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu ổn định. Tuy nhiên, nếu thị trường chứng khoán và bất động sản có sự khởi sắc, dòng vốn có thể dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư này.

Chưa dừng ở đó, lãi suất huy động trong năm 2025 được dự báo nhiều khả năng sẽ giữ ổn định hoặc tăng nhẹ, với sự phân hóa giữa các ngân hàng. Các ngân hàng quy mô nhỏ có thể đưa ra mức lãi suất cao hơn để thu hút nguồn vốn. 

Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán MB (MBS), lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại lớn được dự báo sẽ dao động quanh mức 5-5,2% trong năm 2025. MBS cho rằng với sự phục hồi của hoạt động sản xuất và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh trong năm tới, nhu cầu tín dụng có thể gia tăng, từ đó tạo áp lực lên lãi suất huy động.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng diễn biến lãi suất trong thời gian tới sẽ chịu tác động từ nhiều yếu tố khác nhau. Một trong số đó là tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Nếu ngay từ đầu năm 2025, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hoạt động cho vay theo mục tiêu 16% mà Ngân hàng Nhà nước đề ra, nhu cầu huy động vốn có thể gia tăng đáng kể. Khi đó, để đảm bảo nguồn vốn phục vụ tín dụng, các ngân hàng có thể điều chỉnh lãi suất huy động, từ đó tác động đến lãi suất cho vay.

Có cùng quan điểm, song chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng rằng trong năm 2025, lãi suất sẽ duy trì ổn định, nếu có điều chỉnh tăng thì biên độ sẽ không quá lớn.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn là đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền; hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cụ thể, bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, cho các ngân hàng thương mại, qua đó đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ điều hành trong việc cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc các hình thức phù hợp thông qua các nghiệp vụ điều hành thị trường tiền tệ.

Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lãi suất ổn định để đảm bảo phù hợp với lãi suất chung của nền kinh tế cũng như phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác; chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay bằng cách tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.

Lê Phương (TTXVN)
Ngân hàng Nhà nước: Yêu cầu các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất tiền gửi
Ngân hàng Nhà nước: Yêu cầu các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất tiền gửi

Ngày 27/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành công văn số 9774/NHNN-CSTT về việc ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN