Ngân hàng dồn dập báo lãi vượt kế hoạch nửa đầu năm

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm 2022 đã dần hé lộ với những con số tăng trưởng ấn tượng, vượt kế hoạch đề ra.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại VPBank Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Theo đó, dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế trong số các ngân hàng đã công bố tính đến thời điểm hiện tại đang là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) với 15.300 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh đến 70% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương hoàn thành 52% kế hoạch năm.

VPBank cho biết kết quả này có được từ sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, trong khi đó, chi phí hoạt động lại tiếp tục được tối ưu hóa, kiểm soát ở mức thấp.

Cụ thể, thu nhập hoạt động hợp nhất của VPBank tính đến ngày 30/6/2022 đạt 31.600 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập từ lãi tăng ổn định, nhờ tín dụng tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2021. Bên cạnh đó, thu nhập từ nợ đã xử lý đạt kết quả khả quan, tăng 26% so với cùng kỳ với trên 1.700 tỷ đồng. 

Chỉ số chi phí trên thu nhập của ngân hàng tính đến cuối tháng 6 là 20,6%. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản lần lượt là 23,4% và 3,5%.

Tiếp sau là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) với lợi nhuận trước thuế đạt 14.100 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 của Techcombank tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 21.100 tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ. 

Tuy nhiên, chi phí hoạt động lại tăng 24,3% so với cùng kỳ với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,3%. Techcombank lý giải nguyên nhân chi phí hoạt động tăng là để đầu tư vào 3 lĩnh vực: số hóa, dữ liệu và nhân tài theo kế hoạch chiến lược của ngân hàng.

Trong khi đó, chi phí dự phòng giảm đáng kể 56,1% so với cùng kỳ năm trước, do tình hình tài chính của nhiều khách hàng tiếp tục phục hồi, dẫn đến một số khoản trích lập dự phòng trước đây được hoàn nhập. 

Cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng, Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank, mã chứng khoán: LPB) vừa công bố lợi nhuận 6 tháng đạt 3.588 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ việc hoạt động kinh doanh cốt lõi có lãi tăng mạnh và ngân hàng lãi đột biến từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư. Riêng quý II/2022, LienVietPostBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.793 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB, mã chứng khoán: VIB) cho biết trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%, tiếp tục trong nhóm dẫn đầu thị trường.

Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 8.700 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Nguồn thu nhập ngoài lãi đạt hơn 1.500 tỷ đồng, đóng góp hơn 18% vào tổng thu nhập hoạt động. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm về mức 34%.

Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm của VIB đạt 9,7%; trong đó 90% danh mục tín dụng là cho vay bán lẻ và 93% khoản vay bán lẻ đều có tài sản đảm bảo. Nguồn vốn huy động cũng tăng nhanh đạt 11,8% so với cuối năm ngoái. 

Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB, mã chứng khoán: SHB), lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt gần 5.900 tỷ đồng, tăng tới 84% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh dự kiến đạt hơn 9.400 tỷ đồng, tăng gần 113% so với cùng kỳ. Các chỉ số đều tăng trưởng khả quan.

Dự kiến trong quý III/2022, SHB sẽ được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để hoàn thành giao dịch bán công ty tài chính SHBFC thu về nguồn thặng dư vốn đáng kể trong năm nay và 3 năm tiếp theo.

Tăng trưởng ấn tượng đến 180% so với cùng kỳ năm 2021, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán: SSB) công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 2.806 tỷ đồng, hoàn thành 115% kế hoạch nửa đầu năm.

Là một trong những ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã chứng khoán: TPB) đạt lợi nhuận trước thuế gần 3.800 tỷ đồng, tăng gần 26% cùng kỳ. Tính riêng quý II, lợi nhuận TPBank tăng trưởng mạnh tới 73% so với cùng kỳ, đạt gần 2.200 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với kết quả của quý I.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) cũng ước tính sẽ đạt khoảng 1.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm nay, tăng 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính riêng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022, Eximbank dự báo tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2021.

Tuy chưa công bố con số cụ thể nhưng Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank, mã chứng khoán: HDB) cũng cho biết tổng thu nhập hoạt động, lợi nhuận cùng các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động đạt mức cao và vượt kế hoạch 6 tháng đầu năm. Kết quả này đến từ sự tăng trưởng mạnh của mảng dịch vụ với thu nhập thuần ước đạt gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) cũng dự báo lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ.

Không khó để thấy, tín dụng tăng trưởng mạnh ngay từ đầu năm cùng với sự tăng trưởng ấn tượng các nguồn thu từ phí khác đã giúp các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận bứt phá trong quý II nói riêng và trong 6 tháng đầu năm nói chung.

Trung tâm phân tích của Công ty Cổ phần chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo, nhiều ngân hàng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý II cao trên 50% so với cùng kỳ như: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán: CTG), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán: ACB), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB)...

Dự báo về lợi nhuận nửa cuối năm 2022, SSI Research cho rằng mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng có thể sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn rất hấp dẫn do mức lợi nhuận nửa cuối năm 2021 tương đối thấp.

Lê Phương (TTXVN)
Dự kiến mở rộng tài khoản thanh toán của kho bạc tại các ngân hàng thương mại
Dự kiến mở rộng tài khoản thanh toán của kho bạc tại các ngân hàng thương mại

Kho bạc Nhà nước vừa trình Bộ Tài chính việc mở rộng tài khoản thanh toán của kho bạc tại các ngân hàng thương mại cổ phần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN