Theo đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Thương mại TNHH Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày hôm nay với mức tăng phổ biến từ 0,2 - 0,3%/năm tùy kỳ hạn.
Cụ thể, VPBank đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 1 - 5 tháng đối với khoản tiền gửi dưới 10 tỷ đồng, đưa lãi suất huy động tại kỳ hạn 1 tháng lên niêm yết ở mức 2,7%/năm, trong khi ở kỳ hạn 2 - 5 tháng là 3%/năm; tăng từ 0,2 - 0,3%/năm so với trước đó.
Lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn còn lại được VPBank giữ nguyên ở mức 4,2%/năm cho kỳ hạn từ 6 - 11 tháng; 4,8%/năm cho kỳ hạn từ 12 - 18 tháng và 5,2%/năm cho kỳ hạn từ 24 - 36 tháng.
Ngoài ra, VPBank còn cộng thêm 0,1%/năm lãi suất cho khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và cộng thêm 0,2%/năm lãi suất đối với tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên.
Trong khi đó, GPBank thực hiện việc tăng lãi suất huy động đồng loạt 0,2%/năm tại tất cả các kỳ hạn, đưa mức huy động cao nhất lên thành 4,95%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 13 - 36 tháng. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-3 tháng tại GPBank hiện từ 2,5 - 3,02%/năm; từ 6-9 tháng dao động từ 4,15 - 4,4%/năm; 12 tháng là 4,85%/năm.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở mọi kỳ hạn, với mức tăng từ 0,15 - 0,4%/năm. Theo biểu lãi suất huy động mới nhất của Bac A Bank, lãi suất huy động cao nhất hiện lên đến 5,5%/năm cho kỳ hạn 24 - 36 tháng khi khách hàng gửi tiết kiệm dưới 1 tỷ đồng.
Lãi suất huy động kỳ hạn 1-3 tháng tại Bac A Bank được niêm yết ở mức 2,95 - 3,15%/năm; kỳ hạn từ 6 - 9 tháng là 4,35 - 4,45%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên áp dụng lãi suất từ 4,85%/năm. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Bac A Bank tăng lãi suất huy động trong vòng 1 năm qua.
Xu hướng tăng lãi suất thậm chí còn diễn ra ở cả ngân hàng lớn thuộc nhóm Big 4. Theo đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm cho khách hàng cá nhân có khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên, với mức tăng từ 0,2 - 0,4%/năm.
Theo đó, nếu gửi tiền từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng ở các kỳ hạn 1-12 tháng và từ 24 tháng trở lên, khách hàng cá nhân sẽ nhận được mức lãi suất tăng thêm 0,2%/năm. Đối với khách hàng gửi tiền từ 1 tỷ đồng trở lên, mức lãi suất tiết kiệm tăng thêm là 0,4%/năm. Lãi suất cao nhất khách hàng được hưởng là 5%/năm.
Đối với khách hàng gửi tiền với số dư dưới 300 triệu đồng, mức lãi suất tiết kiệm giữ nguyên so với biểu lãi suất trước đó, cao nhất chỉ 4,7%/năm.
Sau điều chỉnh này, VietinBank đang niêm yết lãi suất huy động nhỉnh hơn so với 3 ngân hàng lớn còn lại gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Kể từ đầu tháng 4 tới nay, đã có nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động như Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)...
Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng lại có động thái giảm lãi suất huy động như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)...
Liên quan đến những biến động lãi suất, Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định việc tăng lãi suất tiết kiệm sẽ giúp kênh đầu tư này trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… đang có tín hiệu phục hồi và thu hút dòng tiền trở lại, việc tăng lãi suất để tăng khả năng cạnh tranh về vốn cũng được các ngân hàng lưu tâm.
Tuy nhiên, mặt bằng chung của lãi suất huy động có thể không tăng quá nhiều trong vài tháng tới. Bởi lẽ, chủ trương lãi suất cho vay ở mức thấp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn được duy trì để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Điều này đòi hỏi các ngân hàng sẽ cần tính toán lãi suất ở mức hợp lý.