Trong bối cảnh lạm phát 9 tháng thấp hơn kỳ vọng, quyết định giảm lãi suất điều hành của của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý bởi các biện pháp trên nhằm mục đích tạo điều kiện cung cấp nguồn vốn rẻ cho ngân hàng thương mại, từ đó giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là xu hướng của các ngân hàng thương mại trên thế giới, bên cạnh các gói hỗ trợ tài khóa để đối phó với tác động của dịch COVID-19
Chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, động thái cắt giảm lãi suất lần này của Ngân hàng Nhà nước góp phần khuyến khích các tổ chức tín dụng rót thêm vốn vào nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi dịch COVID-19. Đồng thời cho thấy khả năng kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn và trung hạn là khá tốt.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng, quan điểm nhất quán của Ngân hàng Nhà nước về điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với động thái điều hành chung của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu về các tỷ lệ an toàn, lành mạnh hóa hệ thống. Bên cạnh đó là sự nhất quán trong chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước không thể bơm tiền hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp mà phải thông qua hạ lãi suất điều hành, từ đó có nguồn vốn hấp dẫn cho ngân hàng thương mại hỗ trợ lại doanh nghiệp. Đương nhiên, việc cấp vốn vẫn phải đảm bảo các điều kiện tín dụng theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất được điều chỉnh trên cơ sở đánh giá diễn biến thị trường quốc tế, nhiều Ngân hàng trung ương thực thi các biện pháp nới lỏng định lượng, cắt giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua suy thoái; nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục tạo dư địa điều hành chính sách tiền tệ cho Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, lạm phát có khả năng được kiểm soát theo mục tiêu, tăng trưởng kinh tế bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, ảnh hưởng của lần giảm lãi suất tới doanh nghiệp và cá nhân là không nhiều.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì tác động thực tế tới nền kinh tế của các lần cắt giảm lãi suất điều hành càng về sau càng hạn chế.
Lý do là thanh khoản hệ thống ngân hàng kể từ tháng 5 đến nay luôn ở trạng thái tích cực, khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức thấp kỷ lục nên các ngân hàng không có nhiều nhu cầu vay vốn qua kênh OMO (nghiệp vụ thị trường mở) hay tái chiết khẩu từ Ngân hàng Nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc giảm lãi suất cho vay qua các kênh vay mượn trên sẽ không có quá nhiều tác dụng trong việc giảm thêm lãi suất
“Quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% của Ngân hàng Nhà nước không có quá nhiều tác động đối với mặt bằng lãi suất hiện nay trên thị trường. Động thái này phần nhiều phản ánh nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm”, BVSC nhận định
BVSC cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ nới lỏng có tác động tương đối hạn chế tới tổng cầu do đó chính sách tài khóa nên đóng vai trò chính trong việc kích thích nền kinh tế.
Tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước 3 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô cắt giảm tương đối mạnh, tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành, giảm 0,6 - 1%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện về mức 4,5%/năm).