‘Duy trì mặt bằng lãi suất hiện nay là cố gắng lớn’

Theo TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, vì Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn đưa ra tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất năm 2023, nên tại Việt Nam, lãi suất sẽ không thể giảm nhanh được. “Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức hiện nay đã là một thành công, một cố gắng rất lớn của hệ thống ngân hàng”, TS Nguyễn Hữu Huân cho biết.

Chú thích ảnh
Vốn tín dụng đang được các ngân hàng tích cực đẩy ra thị trường sẽ góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. 

2022 là năm đặc biệt khi toàn bộ dự báo đánh giá về kinh tế vĩ mô trong nước, quốc tế gần như đảo lộn trong bối cảnh có nhiều cú sốc như: Cuộc chiến Nga - Ukraina, nhiều Ngân hàng Trung ương thay đổi chính sách từ nới lỏng sang thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng; Fed tăng lãi suất 7 lần liên tục lên gần 5%, đánh dấu mức tăng cao nhất trong 40 năm qua; chỉ số USD Index cũng tăng chạm đỉnh 20 năm. Các biến động vĩ mô toàn cầu đã gây ảnh hưởng lớn đến bức tranh chung của kinh tế Việt Nam.

“Xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất thời gian tới là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường… Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của ngành ngân hàng”, TS Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết.

Theo TS Phạm Chí Quang, trong 8 tháng năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh. Trên thế giới, từ đầu năm 2022 đến nay, có tổng cộng 340 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu; áp lực lạm phát trong nước gia tăng. Từ tháng 9/2022, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Fed đã liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất điều hành và dự báo còn tiếp tục tăng, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

NHNN đã điều chỉnh tăng 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2%/năm và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại tổ chức tín dụng với tổng mức tăng 0,8 - 2%/năm (vào các ngày 23/9 và 25/10/2022), tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên (vào ngày 25/10/2022). NHNN chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Sang năm 2023, dự báo kinh tế toàn cầu có khả năng đi vào suy thoái lớn. Dự báo Fed còn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất trong năm 2023 và khả năng duy trì lãi suất ở mức cao cho đến cuối 2024. Như vậy, mặt bằng lạm phát cao còn tiếp tục duy trì, lãi suất cao còn tiếp tục duy trì, xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên toàn cầu còn cao. Tuy nhiên một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Mức độ và tác động dữ dội, nhanh, mạnh sẽ không như năm 2022 nhưng mức độ tác động đến nền kinh tế còn dai dẳng trong năm 2023.

“NHNN luôn cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát. Định hướng điều hành năm 2023, khả năng điều hành tín dụng, tỷ giá, lãi suất còn nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế Việt Nam mở lớn; kim ngạch xuất nhập lên 195% GDP. Với nền kinh tế có độ mở lớn, áp lực lạm phát nhập khẩu rất lớn lên mặt bằng 2023 lớn. Từ đó, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ được NHNN xem xét thận trọng”, TS Phạm Chí Quang nhấn mạnh.

Theo TS Phạm Chí Quang, việc giảm lãi suất thời gian tới là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường… NHNN sẽ tiếp tục kiên định duy trì ổn định thị trường ngoại tệ và có thể quay lại mua được ngoại tệ khi thị trường thuận lợi.

Trong những gần đây, nhiều ngân hàng thông báo giảm lãi suất. Đây tiếp tiếp tục là những tín hiệu tích cực hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong những ngày đầu năm 2023 và giai đoạn tiếp theo. Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng dự báo, mặt bằng lãi suất sẽ hạ nhiệt vào đầu năm 2023.

Hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất cho vay của NHNN nhằm hỗ trợ khách hàng đẩy mạnh kinh doanh, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa công bố Chương trình ưu đãi giảm lãi suất với hạn mức giải ngân lên đến 2.000 tỷ đồng.

Đối tượng được hưởng ưu đãi là khách hàng cá nhân kinh doanh hoặc làm việc trong các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên như: Hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo lần đầu đăng ký vay vốn tại MSB. Theo đó, từ tháng 12/2022, mức lãi suất ưu đãi được giảm từ 2,5% đến 3%/năm so với lãi suất thông thường đối với khoản vay trung và dài hạn.  Bên cạnh giảm lãi suất, MSB còn ưu đãi các phí dịch vụ, linh hoạt về thủ tục, hồ sơ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất và mua sắm, tiêu dùng dịp cận Tết.
 
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phó Tổng Giám đốc MSB cho biết: MSB sẽ hỗ trợ, tư vấn thủ tục cho khách hàng theo hướng đơn giản và thuận tiện nhất để tạo điều kiện cho khách hàng sớm tiếp cận được gói vay ưu đãi này. Ngân hàng hy vọng chương trình này sẽ kịp thời “tiếp sức” cho khách hàng thực hiện kế hoạch tài chính cuối năm cũng như hoàn thành các mục tiêu kinh doanh.

Đây là hành động thể hiện cam kết mạnh mẽ của MSB trong việc tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, nỗ lực vì sự phát triển kinh tế của đất nước. Trước đó, từ năm 2020 đến nay, MSB đều đặn triển khai chương trình ưu đãi lãi suất, đặc biệt năm 2021 triển khai gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng cho khách hàng vay trung và dài hạn (vay tiêu dùng, mua nhà…), vay sản xuất kinh doanh.

Còn ACB giảm 1%/năm lãi vay cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp đang có khoản vay và có giao dịch chính đến 31/1/2023; VIB áp dụng chương trình giảm lãi suất đến 1,5% cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ vay kinh doanh tại VIB đến hết tháng 6/2023… Một số ngân hàng khác cũng có những chương trình riêng cho việc giảm lãi suất cho khách hàng. Chẳng hạn như Eximbank giảm lãi suất 1%/năm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, vay ngắn hạn bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, Techcombank giảm lãi suất 0,25% - 1,92%/năm cho khách hàng cá nhân sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ; có khoản vay lớn giảm 0,25 - 1,5%. Ngân hàng này cũng giảm 0,64 - 1,84% lãi suất cho hộ kinh doanh và giảm 0,82% lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp lớn.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng lớn cũng đã bày tỏ quan điểm sẵn sàng hậu thuẫn các ngân hàng nhỏ hơn thông qua kênh thị trường liên ngân hàng. Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: Agribank đang thực hiện đợt phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. Đây là một trong những yếu tố giúp ngân hàng gia tăng mạnh nguồn lực vốn, qua đó đảm bảo ổn định nguồn vốn cho Agribank nói riêng và khả năng hỗ trợ các ngân hàng khác qua thị trường liên ngân hàng nếu có nhu cầu.

“Trong quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp, các doanh nghiệp luôn có nhu cầu tiếp cận tín dụng nhưng vẫn khá khó khăn vì 'sức khoẻ' của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chi phí hoạt động tăng nhưng đầu ra khó khăn hơn trong khi nhiều doanh nghiệp chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch. Điều này cũng khó cho ngân hàng vì họ không thể hạ chuẩn điều kiện vay. Để cung - cầu tín dụng gặp nhau, chất lượng khoản vay phải đảm bảo, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng hoạt động.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; khai thông gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%. NHNN đã nới room tín dụng, Bộ Tài chính cũng cần ban hành các chính sách mới liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu kép trong phát triển kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô”, TS Nguyễn Hữu Huân cho biết.
PV/Báo Tin tức
Hiệu ứng kép từ việc giảm lãi vay, ổn định lãi suất huy động của các ngân hàng
Hiệu ứng kép từ việc giảm lãi vay, ổn định lãi suất huy động của các ngân hàng

Trong bối cảnh lãi suất tăng, yêu cầu về giảm lãi vay, ổn định lãi suất huy động để hỗ trợ doanh nghiệp càng trở nền cần thiết. Nếu thực hiện tốt, hiệu quả, giải pháp này không chỉ hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn mà còn mang lại những cơ sở nền tảng tốt cho nền kinh tế trong trung dài hạn trên nhiều phương diện khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN