Mặc dù chỉ số VN-Index giảm sâu nhưng thanh khoản thị trường thấp. Theo đó, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 624 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch 13.507 tỷ đồng.
Tốp 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất khiến thị trường mất hơn 15 điểm phải kể đến GAS, VIC, VHM, MSN, HPG, MWG, FPT, GVR, BCM, DGC… So với các phiên trước, phiên giao dịch ngày hôm nay có sự thay đổi giảm điểm ở các nhóm ngành. Theo đó, nhóm ngành giảm mạnh nhất là sản phẩm cao su, tiện ích, nông – lâm – ngư… Đáng chú ý, ngành chứng khoán năm nay lội ngược dòng tăng điểm.
Nhìn chung, từ đầu tháng 9/2022, VN-Index đã sụt đến hơn 10%, trở thành tháng giảm giá mạnh nhất năm cho đến nay, cao hơn cả tháng 4 trước đó. Vậy là sau gần 3 tháng trồi sụt, VN-Index suy yếu và chỉ còn cách mức thấp nhất lập ngày 7/7/2022 chưa đầy 10 điểm.
Theo báo cáo quan điểm đầu tư của CTCK Everest (EVS), CTCK này khuyến nghị nhà đầu tư nên cẩn trọng trong giai đoạn tuần cuối tháng 9 và tuần đầu tháng 10 do đây là giai đoạn thị trường có thể sẽ có nhiều biến động bất thường.
Theo EVS, thanh khoản thị trường vẫn chưa thể bứt phá và sẽ tiếp tục duy trì trong vùng 13.000 - 15.000 tỷ đồng do tình hình vĩ mô quốc tế tiếp tục phức tạp khiến tâm lý thị trường vẫn duy trì trạng thái thận trọng; đồng thời áp lực tỷ giá khi USD tăng giá khiến Ngân hàng Nhà nước phải nâng mặt bằng lãi suất điều hành.
Xét về cơ cấu dòng tiền, trong tháng 9 nhà đầu tư trong nước đã quay lại mua ròng lần đầu sau 5 tháng liền bán ròng, đạt hơn 2,6 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đều đã bán ròng, lần lượt ghi nhận giá trị bán ròng 1,1 ngàn tỷ đồng và 1,4 ngàn tỷ đồng. Tính từ đầu năm tới ngày 19/9, khối ngoại đã bán ròng gần 1,6 ngàn tỷ đồng.
Ở góc nhìn phân tích kỹ thuật, EVS cho rằng thị trường đang tìm kiếm điểm cân bằng và sẽ sideways quanh vùng 1.190 – 1.257. Theo đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân quanh vùng 1.190 – 1.200 để tối ưu nhất vị thế của mình.
Về nhóm ngành, EVS đánh giá lương thực và dầu khí là hai nhóm triển vọng trong tháng tới. Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo 40% lượng gạo toàn cầu - đã công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp 20% thuế lên gạo thô và gạo nửa xay nhằm đảm bảo nguồn cung. Do đó, gạo Việt Nam được dự báo sẽ hưởng lợi lớn.
Theo các chuyên gia, thị trường trong ngắn hạn hiện vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực để chỉ số có thể phục hồi. Nhà đầu tư được khuyến nghị nên chờ đợi thêm các thông tin mới về vĩ mô trong nước và thế giới cùng kết quả kinh doanh quý 3.
Cụ thể, CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định trong ngắn hạn, VN-Index vẫn đang trong xu hướng giảm và có khả năng sẽ kiểm định lại các vùng hỗ trợ 1.156 – 1.162 điểm, tiếp theo là 1.142 – 1.145 điểm khi áp lực bán vẫn đang gia tăng ở nhiều mã, nhóm mã. Xét về trung hạn, VN-Index vẫn giao dịch dưới kênh giảm giá hình thành từ vùng đỉnh 1.520 – 1.528 điểm tháng 4/2022 và đỉnh 1.295 điểm tháng 8/2022.
CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS) đề xuất nhà đầu tư ngắn hạn, chờ đợi dấu hiệu phục hồi để giao dịch trên các nhóm cổ phiếu có độ nhạy cao với trạng thái thị trường như thép, bất động sản, chứng khoán, xây dựng. Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn, có thể chọn lọc mua tích lũy các nhóm cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh các quý cuối năm hưởng lợi nhờ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ như nhóm xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, khu công nghiệp…