Xét riêng tại nhóm 3 ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), trích lập dự phòng rủi ro đã giảm lần lượt 9%, 30% và gần 13% so với cùng kỳ.
Theo đại diện Vietcombank, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn hơn, nhưng do trích lập dự phòng rủi ro tại ngân hàng này được đẩy mạnh từ các năm trước cùng việc kiểm soát chặt chất lượng tín dụng nên áp lực trích lập dự phòng trong năm nay giảm bớt. Lũy kế 6 tháng năm 2023, Vietcombank giảm trích lập dự phòng rủi ro 9%, chỉ còn 4.558 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đạt hơn 385%.
Trong khi đó tại BIDV, trích lập dự phòng rủi ro 6 tháng đã giảm 4.118 tỷ đồng, tức giảm tới 30% so với cùng kỳ; tỷ lệ bao phủ nợ xấu của BIDV đạt 153%. Tương tự, MB giảm dự phòng rủi ro tới 12,8% trong nửa đầu năm, tương đương giảm 448 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh những kết quả lạc quan đến từ các mảng kinh doanh chính, việc cắt giảm chi phí dự phòng cũng hỗ trợ đáng kể cho lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng này.
Theo BIDV, 6 tháng đầu năm nay ngân hàng chuyển dịch cơ cấu hoạt động theo hướng bền vững, kiểm soát chất lượng tín dụng theo mục tiêu, giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tăng.
Kết thúc 6 tháng, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận 20.499 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2022, BIDV đạt 13.862 tỷ đồng, tăng 26% và MB đạt 12.735 tỷ, tăng 7%.
Không chỉ các ngân hàng lớn, một số ngân hàng nhỏ cũng giảm mạnh chi phí dự phòng trong 6 tháng đầu năm, giúp kìm lại đà suy giảm lợi nhuận.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) giảm hơn 55% chi phí dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm giúp lợi nhuận trước thuế tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm mạnh xuống còn 158% thay vì mức hơn 204% tại thời điểm cuối năm 2022.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng giảm hơn một nửa chi phí dự phòng rủi ro từ 181 tỷ đồng hồi cuối năm 2022 xuống còn 85 tỷ đồng khi kết thúc tháng 6/2023, giúp lợi nhuận ngân hàng tăng 4,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại Saigonbank giảm từ 47% xuống còn 44%.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại đã có không ít ngân hàng làm dày thêm bộ đệm dự phòng. Như tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), chỉ trong nửa đầu năm, MSB đã trích gần 903 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro trong khi cùng kỳ chỉ trích 56 tỷ đồng. Điều này không khó lý giải khi nhìn vào con số nợ xấu của ngân hàng. Tổng nợ xấu tính đến ngày 30/6/2023 của MSB tăng 69% so đầu năm, lên mức 3.496 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ mức 1,71% lên 2,56%.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) trong nửa năm vừa qua cũng trích gần 1.342 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, gấp đôi cùng kỳ năm nước, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên thành 115,8%.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) lũy kế 6 tháng đầu năm đã dành ra hơn 13.202 tỷ đồng, tăng trích lập dự phòng rủi ro đến 28% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy, việc điều chỉnh giảm chi phí dự phòng đã phần nào đóng góp tích cực lên tăng trưởng lợi nhuận tại một số ngân hàng. Nhưng trái lại điều này cũng gây ra sự lo lắng về khả năng chống chịu trước những rủi ro sau này. Bởi dự phòng rủi ro vốn được coi là bộ đệm, là "của để dành" của các ngân hàng. Trong trường hợp nợ xấu không thể thu hồi, ngân hàng sẽ có chi phí đó để xử lý nợ, tránh "ăn" vào lợi nhuận. Còn nếu nợ có thể thu hồi được, chi phí dự phòng được hoàn nhập, lợi nhuận nhờ đó cũng tăng. Do vậy, các ngân hàng có chi phí bao phủ nợ xấu cao sẽ có khả năng ứng phó tốt hơn với rủi ro. Ngược lại, bộ đệm dự phòng càng thấp, số dư trích lập tăng chậm hơn tốc độ tăng của tổng nợ xấu, ngân hàng càng khó vượt qua khó khăn khi rủi ro tới.
Theo đánh giá mới nhất của Công ty CP Chứng khoán SSI, các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vẫn chịu áp lực về suy giảm chất lượng tài sản.
Trong khi đó, nợ xấu và nợ quá hạn hình thành mới tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và một số ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã chậm đáng kể so với quý IV/2022 và quý I/2023.
Còn số liệu cập nhật từ Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho thấy, đến cuối quý II/2023, nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng mạnh so với trước, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3% và một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.
Áp lực nợ xấu được giới chuyên gia nhận định vẫn còn tiếp tục gia tăng trong nửa cuối năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới nhiều khó khăn. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu vẫn nằm trong tầm kiểm soát, trung bình dưới 3%. Với bộ đệm dự phòng rủi ro được chuẩn bị trong thời gian qua, các chuyên gia nhận định ngành ngân hàng sẽ đủ khả năng để chống chịu với những rủi ro trong tương lai.