Vậy nhưng, mùi thơm của nước hoa toả ra từ người bà chủ làm tôi tỉnh dần. Từ mùi nước hoa là đoán được đấy là một người giàu có sang trọng, “khả năng là đáng kính”.
Nằm ngay ngắn sẵn trong xe đẩy là rượu vang Pháp, bánh phô mai Nga, kẹo sô cô la Thuỵ Sĩ, trái cây Nhật Bản... toàn loại đẳng cấp hảo hạng khiến tôi vô cùng hãnh diện nên mau chóng quên đi cú đau.
Nhưng niềm hãnh diện vụt tiêu tan khi vừa ra khỏi siêu thị, tôi lại bị ném tiếp một cú vào cốp xe, xây xẩm mặt mày, trong khi các bạn thì tíu tít, vui ra mặt vì được nâng niu chiều chuộng, khiến tôi cảm thấy đau hơn. Đúng là sướng một mình thì khoái trá hơn, khổ một mình thì khổ hơn!
Đang mải nghĩ mông lung, bỗng xe dừng lại trước cửa một ngôi nhà có sân rộng lớn, xung quanh là bức tường bao cao gần bằng đầu người; nhìn thấp thoáng qua cánh cổng có thể thấy khoảnh vườn rộng đủ các loài hoa khoe sắc, nhiều nhất là hoa hồng. Tôi thích hoa hồng lắm, nó là biểu tượng của tình yêu và sự nồng nàn. “Những ngày sắp tới sẽ là những ngày vui của mình rồi!”, tôi tự nhủ.
Các bạn tôi được xếp ngăn nắp vào tủ, còn tôi cũng là quà Tết song không hiểu sao lại nằm chỏng trơ trên mặt bàn cùng anh chè tầu cũ kỹ đã có mặt từ trước.
- Chào anh.
Anh chẳng buồn trả lời mà chỉ ngước cặp mắt đỏ hoe lên nhìn. Phải mất một lúc sau, anh bỗng cất giọng trầm đượm buồn:
- Cô biết không, cả một đời làm quà biếu, chưa bao giờ tôi lại thất vọng ê chề như làm quà Tết thế này. Mới chỉ từ sáng đến giờ, tôi đã bị lưu lạc qua mấy nơi. Đầu tiên là một cô giáo nghèo mang tôi đi biếu anh hiệu trưởng của cô, anh sếp mang cho người bảo vệ, anh này mở ra hít hà, nếm và thích thú lắm nhưng nghe đâu vì rất trọng anh chủ ngôi nhà này nên đã dâng tôi vào đây. Tôi thì đâu cũng được, song chỉ cần người ta chân tình nói “trà thơm ngon” khi thưởng thức, chứ đừng thốt lên khi nhận, xong rồi để tôi nằm co ro như này. Mùa xuân trời nồm lắm, tôi lại sợ nhất bị ẩm mốc, hôi hám kinh khủng!
- Vậy mà em cứ tưởng, đã là quà biếu thì món nào cũng được gói ghém tình cảm bên trong?
- Không phải tất cả đều thế đâu, nếu cô tin như vậy thì quả là ngây thơ! Mà mặt khác, không phải cứ gói tình cảm bên trong là được âu yếm đón nhận, bởi vì nhiều khi người ta cho rằng món quà to thì mới chở được tình lớn. Càng ngày, Tết đến là người ta sắm sửa đầy nhà, nhưng niềm vui thì ngược lại, cứ vơi dần đi. Tôi biết một chuyện như này, xưa có 2 anh em nghèo xơ xác, chiều 30 tết, người em bắt được một con cá mè ranh bằng nửa bàn tay, hai anh em làm món ăn tất niên, nhưng rượu trắng còn không có chứ lấy đâu ra rượu tây, họ đành mang nước lã ra làm chất men, thế mà vẫn say như thường.
Nói xong, anh khép mắt lại, thành thử chỉ có thể đoán chứ không chắc chắn được rằng một người từng trải như thế nhưng lại có tâm hồn đa cảm mà người ta hay chê trách là uỷ mị yếu đuối...
Đang xúc động về câu chuyện anh chè tầu kể, thì một người phụ nữ người thấp đậm, ăn mặc xuề xoà nhưng nụ cười đon đả ấm áp, nhanh nhẹn bước xuống cầu thang. Bà chủ đang ẵm và lướt những ngón tay búp măng ấm áp trên những dải lông trắng muốt, mềm như nhung của chú cún, lên tiếng căn dặn chị giúp việc trong khi mắt vẫn không ngừng âu yếm dõi theo từng cử động, từng phản ứng nũng nịu của chó cưng:
- Em về ăn tết khoẻ nhé, nhớ là muộn nhất tối mùng 5 là phải lên rồi đấy vì mùng 6 bọn trẻ đi học! Đây là gói bánh cho bọn trẻ con nhà em, lạng chè này thì của ông xã!
- Vâng, em cảm ơn chị, bọn trẻ nhà em được gói bánh bích quy là thích lắm, ông chồng thì nghiện trà!
Chị nâng tôi lên, hồ hởi, trân quý; chị dùng gấu áo lau cho sạch lớp bụi, bóng loáng; ánh nhìn chân thành và đơn sơ của chị như gieo niềm vui và hy vọng vào lòng người.
Anh chè tầu và tôi theo chị về nhà. Bọn trẻ ríu rít, ùa ra ngõ đón mẹ. Anh chồng đang lúi húi chất củi vào bếp luộc bánh trưng, cũng nhướn người lên, gọi vọng ra: "Mẹ nó về rồi đấy à".
Đúng là chỉ có thể tìm thấy niềm vui nơi mà nó có thể đến. Anh chè tầu thì tiếng là từng trải đấy nhưng mau nước mắt, khói bếp thôi mà mắt anh cũng đỏ hoe!