Như thói quen đọc sách, tôi lật giở cuốn tản văn “Miền sau cánh cửa” (Nhà xuất bản Văn học) từ trang bìa cuối. Nhà báo Trần Nhật Minh hiện ra trong chân dung tự họa vuông vức, vừa có đôi chút trào lộng, vừa ngẫm ngợi xa xăm. Dưới bức tự họa là trích đoạn của “miền nhớ” có lẽ là lớn nhất trong anh: “Căn nhà thơ ấu mà tôi là thế hệ cuối cùng, như dập dờn trong mịt mù nước, chỉ còn lại mối liên kết với những ngôi nhà kề cạnh. Cha tôi không xây ngôi nhà cao vống, kiểu cách. Cha cho tôi một ngôi nhà thật bền, thật vững trong tâm khảm của một người luôn trọng chữ nghĩa và những điều giản dị. Ở đó có cái nhìn về thế giới rộng lớn, bao la nhưng cũng rất gần gũi Nếu mình luôn trải lòng và thực sự yêu thương” (Mùa đông thương nhớ).
“Miền sau cánh cửa” gồm 38 tản văn - những vùng ký ức sâu thẳm. Chữ nghĩa được tác giả chắt lọc, đong đầy cảm xúc, không thừa, chẳng thiếu. Lối viết chặt chẽ, dụng hình đến từng từ hẳn khiến những người viết văn vốn rườm rà trong câu chữ hẳn phải thấy hổ thẹn. Ai biết đến anh, học cùng anh ở Khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội), làm việc cùng anh ở Ban Văn học Nghệ thuật (Đài Tiếng nói Việt Nam) hay tình cờ biết đến chữ nghĩa anh bày trên trang mạng xã hội đều hiểu, những áng văn ấy là ruột gan, tâm huyết kết mà thành.
Tập sách không dày hơn, có lẽ cũng bởi lẽ đó. Sự chắt lọc đến tận cùng là có giới hạn. Giống như tản văn của Nhật Minh về sách (Sách… mọt) , có lẽ có ngôn ngữ ẩn kín đâu đó, được tác giả viết ra, để tự chiêm nghiệm trên hành trình đi tìm ký ức với sự khiêm cung.
Bao trùm tập tản văn "Miền sau cánh cửa" là nỗi nhớ. Nhà báo Trần Nhật Minh nhớ nhiều đến những người thân của mình. Anh nhớ đến cha khi hồi tưởng về Hà Nội. Sinh ra và lớn lên ở "khu phố Hàng" của mảnh đất ngàn năm văn hiến, Nhật Minh tha thiết nhớ về chốn cũ. Từng góc phố, đường quen đều có bóng dáng của một văn nhân, khúc thi họa. Từ cuốn thơ dịch của cụ họ (Miền sau cánh cửa), dáng viết của cha, phố nhỏ đi về của chủ nhân “Phố Phái” đến “vị khách tóc xoăn như sóng, giọng miền Trung nằng nặng, đọc thơ hay vô cùng. Cha kéo tôi ra giới thiệu: “Đây là bác Xuân Diệu” (Mùa đông thương nhớ).
Anh kể chuyện Hà Nội bằng nhiều trường liên tưởng, trong bức ảnh của nghệ sĩ Quang Phùng, trong câu ca của nhạc sĩ Trần Tiến, trong trang tuyệt bút của các cụ Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng. Và đương nhiên có cả ẩm thực Hà Nội là cà phê, phở và bia. Những thứ người Hà Nội mặc định khác với những nơi khác, nhất là khi thưởng những thức đó lúc Hà Nội vào thu.
Anh nhớ đến mẹ khi trở về làng. “Quê mà thiếu khói thì gọi gì là quê nữa… Ở phố ngày trước cũng nhiều khói. Chiều chiều ngồi ngẩn ngơ trên sân nhớ mẹ. Ngồi đó cho đến lúc thấy ngọn khói rỉ ra từ cái ống khói là biết mẹ đã về. Nhóm bếp để xua tan nhanh cơn đói…” (Mang mang mùi khói).
Nghề báo cho nhà báo Trần Nhật Minh đi nhiều, khắp Bắc, Trung, Nam tới cả phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc ngoài khơi là Trường Sa. Những rẻo đất, bản làng, địa danh như Hang Kia, Pà Cò, Bản Lác, Bản Văn, Mường Cang, Púng Bánh, Mường Lèo, Mường Toong… đã được nhắc nhớ với những dòng cảm xúc đong đầy. Tiếp tục hành trình với những địa danh ở miền Tây Nam bộ, là đất mũi Cà Mau, là Cần Thơ với “Con đường Ba khía” - có nơi anh gắn bó nhiều tháng ngày rong ruổi… Mỗi nơi đều là bóng dáng những con người mang số phận có thể dành viết cả phóng sự dài kỳ. Trần Nhật Minh chọn viết tản văn, hoài niệm và đầy thương mến để cảm nhận thật sâu nỗi nhớ, về những năm tháng buồn vui và thương yêu…
Chưa dừng lại ở đó, nhà báo Trần Nhật Minh còn kể lại những chuyến đặt chân đến nhiều thành phố lớn trên thế giới như Yangon (Myanmar), Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản). Anh nhìn những thành phố ấy bằng góc nhìn văn hóa, có lẽ như ngầm so sánh với những gì mất - còn, những điều cần giữ mãi với phố, với làng của anh.
Bởi “… Có những điều đọc mãi không hết, nghe mãi không hết, cảm mãi không hết. Đành cứ phải thong dong tháng ngày. Chầm chậm vòng quay, kệ ngoài kia, con phố ngùn ngụt dòng xe. Kệ để sống bình thản với mọi tốc độ. Và mỉm cười với chính lòng mình… Một âm thanh. Một hình ảnh. Một ngày cũ. Một… thao thiết bên mình” (Thao thiết tháng năm).
Và bởi “Giờ nhiều lúc đi nhanh quá, muốn quay chậm lại những nhịp xe chập chững để tự nhủ đừng trôi xa quá những ngày tháng cũ.” (Mùa đông thương nhớ).
Liền ngay “Miền sau cánh cửa”, Trần Nhật Minh chuẩn bị phát hành cuốn sách mới với cái tên “Chí Phèo cô đơn”. Tôi đồ rằng đó cũng sẽ là cuốn sách của những hoài niệm thật “chậm”.