Giấc mơ đêm giao thừa

Ông Chất ngồi trầm ngâm chờ vợ nấu nước sôi. Năm nào cũng vậy, cứ đến đêm Giao thừa ông lại làm một việc mà người không hiểu thường cho là kỳ dị. Bà Chất cũng thật chiều chồng. Bà làm theo ý ông chính xác đến từng chi tiết và ngoan ngoãn như một cô học trò nhỏ nghe lời thầy giáo. Hai giờ chiều, bà đã lụi cụi mở tủ lấy chiếc bình pha lê cổ, bỏ nó vào trong cái giỏ xách đặc biệt. Cái giỏ ấy được ông Chất thửa riêng ở Buôn Ma Thuột. Năm ấy, kiểm lâm Buôn Hồ tuần tra rừng phát hiện xác con voi đầu đàn có cặp ngà dài hơn 2 mét ngay bờ suối. Ngà thì đã bị cưa trộm, chỉ còn xác con voi kềnh càng nửa trên bờ, nửa dưới nước. Phần da vòi con voi được những người thợ lành nghề chế tác thành cái giỏ xách mà ông Chất đã đặt mua. Người đồn tiền triệu, người đồn tiền tỷ. Chỉ có bà Chất biết rõ, cái giỏ xách đặc biệt ấy ông Chất quý hơn vàng. Mỗi năm nhà bà chỉ dùng nó một lần duy nhất và chỉ cho một việc duy nhất là bảo vệ chiếc bình pha lê cổ. Chiếc bình ấy, mỗi năm cũng chỉ sử dụng một lần duy nhất và cũng chỉ dùng vào một việc duy nhất: vận chuyển 2 lít nước từ Biên Hòa về TP.HCM…

*
* *

Chuyến tàu cuối năm vắng khách hơn ngày thường. Người nào cũng có vẻ vội vã trở về nhà chuẩn bị cho bữa cơm chiều 30 Tết. Cặp nam nữ ngồi ở hàng ghế đối diện quấn lấy nhau như không muốn rời xa trước thềm năm mới. Cô gái có vẻ như không phải người Việt. Người ta bảo kinh tế phát triển luôn gắn liền với cách mạng tình dục. Thanh niên bây giờ khác ngày trước nhiều quá. Chúng quá bạo dạn và không còn câu nệ vấn đề trinh tiết. Bà nhớ, hồi còn nhỏ, nhiều cô gái Việt đi làm dâu xứ người thì bây giờ chuyện đàn ông Việt lấy vợ nước ngoài lại là phổ biến. Các cô dâu “ngoại” nhiều nhất là từ Đông Âu và Nam Mỹ.

Minh họa: Trần Thắng

Bà Chất ôm chặt chiếc giỏ trong lòng như sợ đánh rơi chiếc bình quý. Bốn năm trước, ông Chất bị đột quỵ nhưng rất may đã qua khỏi. Tuy ông vẫn đi lại nhẹ nhàng được nhưng kể từ năm đó, bà Chất đã thay chồng làm cái việc mà ai nghe nói lần đầu cũng phải ngạc nhiên: Từ TP.HCM đi 10 phút tàu điện ngầm lên Biên Hòa chỉ để lấy 2 lít nước. Đi và về chỉ vẻn vẹn khoảng 20 phút, nhưng để lấy được 2 lít nước mới thật sự công phu và phiền hà. Bà đã phải hẹn trước với anh Lượng cán bộ của Vinacafé từ hai hôm trước. Năm nay, chỗ đó thay bảo vệ mới. Bà và anh Lượng đang phải vất vả để giải thích cho mấy anh bảo vệ thì may sao, ông giám đốc khu vui chơi giải trí Hoành Tráng vừa kịp tới để kiểm tra công tác chuẩn bị phục vụ Tết. Nhận ra bà, ông nói mấy câu với bảo vệ rồi mời hai người lên xe cùng đi vào. Khu giải trí Hoành Tráng rộng hơn 2.000 hécta đã hoạt động đã hơn 10 năm nay. Nó được xây mới hoàn toàn trên khuôn viên rộng lớn của chuỗi siêu thị - nhà hàng – khách sạn Tân Hòa trước đây. Tân Hòa là một địa chỉ ai cũng biết, vì nó từng xóa sổ một khu công nghiệp nổi tiếng Việt Nam, có từ thời trước 1975 – Khu công nghiệp Biên Hòa.

Chỗ bà vào lấy nước được mệnh danh là di tích duy nhất còn sót lại của Khu công nghiệp ngày nào. Mọi thứ đã thay đổi, chỉ còn duy nhất cái giếng khoan ngót 100 tuổi là được giữ lại như xưa. Giếng đã được xây bao xung quanh cẩn thận, chỉ mở một lối vào với cánh cửa sắt lớn thường xuyên được khóa hai lớp. Lâu lâu, khi có đoàn chuyên gia Pháp đến, bảo vệ của Hoành Tráng và người của Vinacafé mới đến mở cửa để họ vào tham quan. Còn lấy nước từ giếng ấy, hàng năm, ngoại trừ những đợt nghiên cứu của Vinacafé, duy nhất chỉ có một ngày tất niên, và duy nhất chỉ có gia đình ông Chất mà thôi. Ở khu vui chơi giải trí Hoành Tráng, nước tinh khiết có ở mọi nơi, theo các đường ống rải khắp để du khách có thể uống trực tiếp từ các vòi nước công cộng. Sở dĩ giếng nước còn đó là vì người ta quả quyết rằng, nhờ có nguồn nước đặc biệt này mà Vinacafé làm được loại cà phê hòa tan nổi tiếng khắp thế giới. Nghe nói, mẫu nước từ giếng khoan này được mang đi phân tích ở rất nhiều phòng thí nghiệm uy tín trên thế giới và kết quả luôn được giữ bí mật tuyệt đối. Nước sử dụng cho các dây chuyền sản xuất của Vinacafé ở khắp nơi đều được xử lý trước khi đưa vào sản xuất để có công thức gần giống nước ở giếng cũ.

Cà phê hòa tan bây giờ đã trở thành một thứ xa xỉ mà chỉ có những khi thật rảnh rỗi và đón tiếp khách quý người ta mới sử dụng. Thời buổi kỹ thuật số này, mọi thứ đều phải chóng vánh. 50 năm trước, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành một cuộc cách mạng làm sạch cà phê. Khi cà phê pha tạp không còn nữa, người dân có hứng thú và yêu thích cà phê nhiều hơn. Cà phê đã trở thành thức uống phổ biến đến mức khái niệm nước tinh khiết đóng chai không còn nữa, chỉ là thứ để thanh vị mà mọi người được miễn phí từ các vòi nước công cộng. Có rất nhiều sản phẩm từ cà phê từ kẹo cho con nít đến rượu cho đàn ông, viên ngậm cà phê rỉ rả cả ngày cho phụ nữ. Tất cả đều tiện dụng hơn. Mở bao bì ra là có thể sử dụng ngay. Cánh tài xế còn có cả bình xịt cà phê cô đặc. Bây giờ, hầu hết các nhà hàng lớn đều miễn phí cà phê cho thực khách. Nghe nói còn có loại kem đánh răng Good-night làm từ cà phê đã tách cafein cho răng miệng thơm tho khi đi ngủ.

*
* *

Nước đã sôi. Bà Chất giúp chồng xếp ngay ngắn 3 chiếc ly sứ trắng muốt vào trong một chiếc tô lớn. Bà rót đều nước sôi vẫn đang sủi tăm trong chiếc ấm thủy tinh vào từng chiếc ly cho đến khi ngập tràn gần tới miệng tô. Phần nước còn lại được dùng để pha cà phê lại được đặt lên trên bếp. Nước tiếp tục sôi như hát khẽ trong ấm. Ông Chất run rẩy gắp từng chiếc ly từ trong tô ra khay. Ly vẫn còn nóng bỏng. Ông thường bảo: “Ly phải nóng thế pha cà phê nó mới thơm”. Ông với tay lấy 3 gói cà phê hòa tan loại đặc biệt, bao bì màu nâu đen ghi toàn tiếng Pháp. Không gian căn bếp chi có ông và bà như đặc hơn khi bà xé từng gói nhỏ. Cà phê gặp ly sứ nóng đã thơm ngào ngạt. Nước sôi được rót vào cả ba chiếc ly. Ông bà chìm đắm trong hương cà phê. Không đường, không sữa, cả ba ly cà phê cùng đồng loạt tỏa hương trong đêm 30 tĩnh mịch. Trong khi bà chờ cho cà phê nguội bớt thì ông Chất đã nhấp một ngụm cà phê nóng bỏng đầu tiên. Im lặng chịu nóng trong thực quản, ông Chất như muốn kìm nén hương vị cà phê trong lồng ngực và tâm can mình. Ông ngả người ra chiếc ghế mátxa để từng tế bào mình ngấm cà phê. Giao thừa nào ông cũng pha 3 ly cà phê. Cho mình, cho vợ. Và cho cậu con trai duy nhất. Đã 10 năm nay, con trai ông không thường xuyên về nhà ăn Tết, nhưng năm nào ông cũng pha thêm 1 ly, như có ý đón chờ nó về đột xuất. Nó đang ở Mỹ. Con dâu ông người Mỹ. Hai đứa cháu nội ông nói tiếng Mỹ rành hơn tiếng Việt. Buồn nhưng mà vui. Ngày ông về hưu, Vinacafé có nhà máy thứ 30 ở nước ngoài. Con trai duy nhất nối nghiệp ông, trở thành một tay rang cà phê có hạng. Đi Mỹ làm cà phê và chộp được một cô gái Mỹ gốc latinh, xinh như hoa hậu. Thế là ở lại luôn…

Người ta uống cà phê để tỉnh táo. Ông Chất uống cà phê đêm giao thừa để mơ. Nhưng ông bảo, muốn có được giấc mơ đặc quánh hương vị cà phê, nước pha phải lấy từ cái giếng khoan cũ. Người không hiểu điều ấy mới nói ông kỳ dị. Ông Chất nhấp ngụm cà phê thứ hai. Thời gian và không gian như đang tan biến. Mặc tiếng pháo hoa mừng giao thừa năm Nhâm Thìn 2072 đã nổ rền vang chào năm mới, mặc bầu trời TP.HCM rực ráng trong pháo hoa, ông Chất thả hồn mình vào giấc mơ đêm giao thừa. Ông mơ ngược về thời trai trẻ, về ngày đầu ông đến với Vinacafé, nơi trời cho ông gặp một cô gái có tình yêu say mê, nhiệt thành. Người ấy đang ngoài kia, lầm rầm khấn vái cầu chúc cho mọi người một năm mới bình an.

Mùng 1 Tết Nhâm Thìn 2012

Nguyễn Thanh Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN