Tôi bị lạc rồi! Với một người lính mới tò te như tôi quả là một điều kinh hoàng. Cái sự lạc đơn vị của tôi bắt đầu từ một trận bom. Tôi còn nhớ đó là đầu tháng 4/1968, đại đội chúng tôi hành quân vào chiến trường. Tờ mờ sáng, đại đội đang cố vượt qua một trọng điểm máy bay địch hay đánh phá, phía ngoài thị trấn Kỳ Anh, Hà Tĩnh, thì “dính” bom tọa độ. Đội hình bị xé toang. Mọi người chạy tản ra, tan tác. Là lính mới chưa vào trận bao giờ, hoảng quá, tôi cứ nhằm hướng những hình núi mờ mờ trong màn đêm sắp tàn mà chạy. Sau lưng tiếng máy bay quần đảo rú rít ầm ĩ, tiếng bom chát chúa. Khi những cuộn khói đen đặc lùi xa về phía sau, để nguyên ba lô trên lưng, tôi nằm xoài ra thở dốc. Ai đã từng lạc đơn vị mới hiểu hết cái cảm giác bơ vơ, không nơi nương tựa của tôi lúc này. Bây giờ đại đội đang ở đâu? Tôi đang ở đâu? Anh em ai còn, ai mất? Điều lo lắng nhất là liệu tôi có tìm về kịp để cùng đơn vị ra chiến trường.Trấn tĩnh lại, tôi nhớ, lúc chạy, mình chạy về phía núi, tức là về hướng tây. Sắp sáng rồi, giờ cứ hướng mặt trời mà đi trở lại, khắc tìm được đơn vị. Phải rồi! Tôi đứng dậy, xốc ba lô, mang súng nhằm hướng đông tiến bước. Một giờ, hay hai giờ qua, tôi không còn cảm giác thời gian. Chỉ biết rằng khi người đã mệt rã rời, rẽ lá rừng nhìn ra, tôi không tin vào mắt mình nữa. Một cánh đồng lúa chín vàng, mênh mông trải ra trước mặt. Mừng quá, tôi thở hắt ra, ngồi phịch xuống phiến đá ven đường.
Đang vươn vai, duỗi chân cho đỡ mỏi, từ khúc đường trước mặt hiện ra một người con gái đang đi tới. Quần áo màu cỏ úa đã bạc phếch, chiếc mũ đội trên đầu căng lưới, lơ thơ vài mẩu dù hoa ngụy trang, vai vác xẻng. Nhìn thoáng qua tôi đã chắc chắn đây là một nữ thanh niên xung phong. Bản năng của một thằng con trai thức dậy, tôi sửa sang quân phục, đứng lên:
- Chào cô! Xin lỗi, cô là…?
- Chào anh! - Cô gái cất tiếng trong veo chào lại tôi. Trông cô còn trẻ quá, gương mặt hơi tai tái vì sốt rét, chợt ửng lên trong ánh sáng chớm bình minh
- Anh là bộ đội của đơn vị lúc gần sáng vừa vô đây, bị bom ở Cầu Trí?
- Vâng! - Thấy cô nói trúng phóc, tôi đâm ra lúng túng - Mà… mà sao cô biết?
- Chung quanh đây không có đơn vị bộ đội mô cả. Chỉ có đơn vị các anh mới tới rạng sáng ni nên em đoán chừng rứa.
Tôi lập cập kể chuyện tôi chạy tránh bom cho cô gái nghe. Cô cười ngặt nghẽo:
- Ôi trời ôi! Anh chạy chi mà nhanh rứa! Ba lô súng ống đầy người, nặng nề rứa mà chạy xa những hơn 7 cây số rồi! Anh là lính mới phỏng?
- Phải! Tôi là lính mới. Nhưng… chẳng lẽ mới chạy một chút mà xa những hơn 7 cây số kia à? Cô có điêu không đấy? - Tôi sửng sốt kêu lên.
- Điêu đấy! - Cô lại phì cười - Nơi đơn vị anh bị bom là Cầu Trí gần thị trấn Kỳ Anh mà đây là rừng Kỳ Tây rồi, chẳng hơn 7 cây số thì cũng 8 kilômét.
Mà anh ạ, em nghe nói, trận bom rạng sáng ni, chúng ném tọa độ tù mù nên đơn vị anh không ai bị chi cả. Hình như chỉ có mấy anh lính mới cuống lên chạy lạc…!
Nghe cô nói, tôi ngượng chín mặt. Còn cô lại mỉm cười, lộ hai lúm đồng tiền tròn xoe trên má, trông xinh tệ:
- May cho anh đó, nên mới gặp được em. Mọi bữa chừng ni bọn em đã về ngủ khì rồi. Bữa ni, sau trận bom tọa độ đánh đơn vị anh, pháo từ tàu giặc ngoài biển tiếp tục kích vô, một quả đạn trúng tim đường. Trời sắp sáng, hố đạn không to lắm, để nhiều người ở lại trên đường nguy hiểm, em cho tiểu đội về hết chỉ mình em ở lại san lấp cho xong. Vùng ni, chẳng ai dám hành quân ban ngày cả, hẳn đơn vị của anh cũng tập kết ở cánh rừng đâu đó quanh nơi đóng quân của đại đội em thôi. Nhìn anh phờ phạc rứa, chắc mệt lắm rồi. Đưa ba lô đây em mang cho. Ta đi đường tắt mà về, thế nào anh cũng gặp đơn vị thôi!
Trong ánh bình minh vừa rạng, tôi ngượng ngùng trao ba lô cho cô gái, vác súng, bước theo cô. Chúng tôi vừa đi vừa rúc rích trò chuyện. Thì ra cô tên là Hoài, quê ở xã Xuân Hải, cùng huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh với tôi. Hoài ít hơn tôi một tuổi. Mới gặp mà không hiểu sao tôi và Hoài đã thấy thân thiết như đã từng thân nhau từ kiếp trước vậy. Lúc chia tay, tôi bồn chồn nhìn Hoài:
- Đơn vị tôi kia rồi, cám ơn Hoài nhiều lắm. - Rồi chẳng hiểu sao, ai móc miếng cho mà tôi đổi cách xưng hô ngon trớn - Nếu Hoài tin anh, có thể cho anh địa chỉ. Biết đâu sau này… còn sống… để ta còn biết mà… tìm… nhau?
Khác với sự hồn nhiên từ nãy đến giờ, cô trở nên bẽn lẽn. Di di bàn chân trên mặt đất, gương mặt Hoài ửng một nét cười:
- Quê em thì anh biết rồi. Em ở đại đội 553 đóng quân ngay cánh rừng bạch đàn trước mặt. Đơn vị em phụ trách cung đường từ Cầu Trí vào Voi. Nếu anh đến thăm em thì đến ban ngày. Ban đêm bọn em phải ra mặt đường thông xe, anh ạ.
Cứ tưởng hẹn hò thế rồi tôi và em không gặp được nhau nữa. Nhưng trong cái rủi có cái may. Do một số chiến sĩ thất lạc nên đại đội tôi được lệnh ở lại nơi tập kết, gần ngay bên đại đội 553 của em, thêm một ngày để thu dung và chỉnh đốn đội hình. Trưa ấy, tôi bịa ra có cô em họ bên TNXP, xin phép tiểu đội trưởng chạy đến với Hoài. Suốt chiều ấy, tôi và em dắt tay nhau ríu rít đi mãi trong rừng, tung tăng như hai đứa trẻ. Hoàng hôn xuống, hai đứa vun lá khô lại, ngồi sát bên nhau. Hương tóc, hương thơm da thịt của em gần quá, nồng nàn quá, lạ lẫm quá, làm tôi say ngây ngất. Như đọc được khao khát trong ánh mắt tôi, tiếng em xốn xang:
- Anh Sơn ơi! Nếu không còn chiến tranh, giặc giã, em sẽ dâng hiến cho anh tất cả. Nhưng đất nước còn giặc, anh và em còn phải đi đánh giặc cứu nước. Hẹn anh ngày toàn thắng, anh nhé - Rồi em dụi đầu vào ngực tôi, thì thầm - Tình yêu đến bất ngờ quá, nhanh quá, làm em ngộp thở, anh ạ. Em sẽ đợi anh về! Dù phải xa cách bao năm nhất định em cũng sẽ đợi anh về!
Tôi ghì xiết em vào lòng, gắn chặt đôi môi khô rát của mình vào làn môi rừng rực như lửa cháy của em nụ hôn đầu đời. Lâu lắm, có lẽ lâu lắm, tôi mới bồi hồi: