Chiếc nhẫn đánh rơi trên chuyến tàu tốc hành

Tôi gọi đó là chuyến tàu định mệnh. Bởi vì từ khi sinh ra cho đến lúc bước chân lên chuyến tàu đó - ngồi cạnh anh trong suốt cuộc hành trình từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, tôi vẫn không thể hình dung ra rằng anh sinh ra là để dành cho tôi…



Cứ vào những ngày cuối năm là các chuyến tàu ra Bắc lại nhộn nhịp và đông người hẳn lên. Hôm đó tôi đã đứng đợi mỏi cả chân trước dòng người dài dằng dặc để mua vé. Tôi cần đi Đà Nẵng gấp. Tôi có chuyến công tác đột xuất tại Đà Nẵng, nhưng không hình dung là mình phải đối phó với một dòng người đang chen chúc trong phòng vé như thế. Giữa lúc tôi muốn bỏ cuộc vì nhích mãi chưa tới quầy bán vé thì anh tới gần tôi: “Cô có đi Đà Nẵng không?”.




Tấm vé anh nhường lại cho tôi có số ghế cạnh anh. Trí tưởng tượng của tôi rất phong phú. Cho nên khi lên tàu, ngồi cạnh anh, tôi đoán là anh có cuộc hẹn hò đi Đà Nẵng cùng với cô bạn gái của mình. Nhưng không hiểu vì lý do nào đó cô ta không đi được. Anh chẳng thích bán tấm vé đó cho một người đàn ông, nên đưa nó cho tôi. Nhưng dự đoán của tôi không đúng tí nào, bởi anh là dân Đà Nẵng vào Sài Gòn dự cuộc họp gì đó rồi quay ra Đà Nẵng. Vé là của một người bạn cùng đi với anh, nhưng đến phút cuối anh ta quyết định ở lại Sài Gòn thêm vài ngày. Tôi đã vô tình điền vào chỗ trống đó một cách hợp lý.


Anh là người đàn ông có năng khiếu tiếp cận người lạ. Bởi tôi vẫn thường im lặng trong suốt cuộc hành trình nếu người ngồi bên cạnh là đàn ông. Có rất nhiều người đàn ông vụng về, thậm chí làm cho tôi khó chịu khi phải ngồi gần họ. Tỉ dụ như có lần tôi ngồi gần một anh chàng trẻ măng. Đêm xuống, anh ta làm như vô tình dựa đầu vào vai tôi mà ngủ. Hoặc gặp phải anh chàng đi nhậu nhẹt ở đâu đó trước khi lên tàu. Có nghĩa là tôi phải chịu đựng mùi rượu toát ra từ hơi thở của anh ta suốt cả chuyến đi.


Hôm đó anh đã làm cho tôi vui rất nhiều khi anh nói chuyện. Anh kể cho tôi nghe chuyện biển khơi. Thì ra anh là thuyền trưởng của một con tàu. Tôi trố mắt nhìn anh: “Thuyền trưởng à? Nghe nói lấy chồng thuyền trưởng thì quanh năm suốt tháng cứ phải ngồi ở nhà đợi chồng”. Anh cười với tôi: “Cho nên suốt đời chẳng ai dám yêu anh. Đến tuổi này anh vẫn ở một mình”. Rồi anh lấy trong túi áo ra một chiếc nhẫn làm bằng loại vỏ ốc nào đó tôi không biết, chiếc nhẫn lấp lánh hào quang giống như chiếc nhẫn kim cương. Anh giải thích: “Đây là chiếc nhẫn cầu hôn của anh. Anh chỉ tặng nó cho cô gái nào anh yêu và yêu anh thật lòng. Anh dùng một loại vỏ ốc đặc biệt làm ra nó. Em có biết anh phải tốn bao nhiêu thời gian không? Phải đúng 10 ngày đó”. Tôi mỉm cười: “Và anh định tặng một cô gái nào chưa?”. Anh không trả lời câu hỏi của tôi.


Chiếc nhẫn đó anh đã đánh rơi hay là cố tình để lại tôi cũng không biết. Nhưng sau khi anh và tôi chia tay nhau, tôi cũng không hề biết rằng chiếc nhẫn đã nằm trong góc nhỏ của chiếc xách tay của tôi. Chuyện đó do Thảo, cô em họ của tôi ở Đà Nẵng phát hiện ra: “Chị Thi ơi, chị Thi, chiếc nhẫn ở đâu đẹp vậy? Anh chàng nào tặng chị phải không?”. Tôi đã nghịch ngợm đeo chiếc nhẫn đó vào ngón tay trỏ của mình. Chiếc nhẫn như được làm ra cho tôi – nó vừa vặn và xinh đẹp làm sao.


Tôi lại gặp anh trong lòng thành phố Đà Nẵng tưởng chừng rộng thênh thang khi tôi đang ngồi uống cà phê với Thảo ở một quán cà phê nằm dọc theo bờ sông. Hai chị em ngồi ở một góc của quán và tôi đã nhận ra anh ngay khi anh đẩy cửa kính bước vào. Tôi gọi như reo: “Anh thuyền trưởng”. Anh nói: “Vậy là định mệnh đưa em từ chuyến tàu tốc hành đến quán cà phê này”.


Không có anh chắc chắn tôi sẽ buồn ngất trời trong những ngày ở Đà Nẵng. Mà cũng lạ kỳ cho tôi là tôi tin vào định mệnh đã đưa anh đến chuyến tàu tốc hành cùng tôi, và lại thêm một lần tưởng anh cũng như con tàu kia, sau khi hoàn tất những dặm đường, chẳng còn nhớ cuộc hành trình. Công việc của tôi ở Đà Nẵng giải quyết thuận lợi, mau chóng. Tàu của anh đang cập bến sửa chữa. Rồi anh đưa tôi đi thăm bảo tàng Chăm trong những giờ phút rảnh rỗi hiếm hoi. Bảo tàng Chăm nằm ở cuối con đường ven sông. Anh kể cho tôi nghe câu chuyện về một Vương quốc Chăm có cả một thời hưng thịnh, những tượng điêu khắc trải qua từng giai đoạn mang dấu ấn lịch sử. Nghe anh kể, tôi cứ ngỡ anh là nhà nghiên cứu lịch sử hơn là một thuyền trưởng. Anh đắc ý về điều này: “Ngày xưa anh thích học sử, nhưng ba anh lại bắt anh thi vào hàng hải. Đành chiều ý ba mà thi. Nhưng sau đó anh vẫn lấy được tấm bằng cử nhân Sử ”. Trong Bảo tàng Chăm, tôi trả chiếc nhẫn được làm bằng vỏ ốc anh đã đánh rơi trên tàu: “Ai lại đánh rơi chiếc nhẫn dành cho người yêu của mình bao giờ?”. Anh lắc đầu: “Định mệnh đã khiến anh đánh rơi chiếc nhẫn trên chuyến tàu tốc hành. Nó đã thuộc về em”.


Chiếc nhẫn làm bằng vỏ ốc tỏa ra nhiều màu sắc ấy là cái cớ để anh tìm đến tôi. Tôi yêu anh như yêu cơn gió lồng lộng len vào toa tàu trong đêm. Tôi yêu anh như thể đang nghe anh thao thao bất tuyệt kể cho tôi nghe về sự tích ra đời của những pho tượng Chăm trong bảo tàng nằm ven dòng sông. Nhưng anh là thuyền trưởng, cuộc đời anh gắn liền với những chuyến đi. Anh nói vui: “Tại nước mình biển dài quá, cho nên anh và em phải đi tìm nhau. Tìm nhau chứ không phải là lạc mất nhau”. Yêu anh, tôi giống như một chinh phụ đợi chồng, trong khi cuộc sống bao quanh tôi vẫn hối hả với bao nhiêu cuộc rong chơi vui vẻ. Bạn bè tôi nào là Thúy, là Thi, là Trâm… mỗi Chủ nhật lại hớn hở son phấn, chưng diện leo lên chiếc xe của anh chàng người yêu hòa với dòng người trên phố. Đôi lúc tôi theo tụi nó vào một đám đông, nhưng rồi lại quay về sớm. Tôi chỉ nhớ tới anh.


Có khi anh ghé qua vài ngày trên bến cảng ở thành phố tôi đang ở. Những chuyến ghé qua đều vội vã. Anh cùng tôi ngồi uống cà phê trên bờ sông như ngày nào đã từng ngồi với nhau ở Đà Nẵng. Anh thì thầm: “Em đợi anh nhé. Đừng bao giờ mỏi mệt. Mình sẽ có với nhau hai đứa con gái”. Tôi pha trò: “Tại vì nếu là con trai, nó lại đi lính hải quân, lại leo lên những con tàu giống như ba nó cứ bỏ mẹ nó ở nhà một mình”. Anh phá lên cười: “Ờ há”.


Anh lại lên tàu tiếp tục ra khơi. Tôi lại lao vào công việc của mình và yên lòng chờ đợi. Tôi chờ đợi bởi tôi biết rằng tôi chỉ yêu một mình anh và anh cũng chỉ yêu một mình tôi.


Anh vừa viết thư cho tôi. Dường như cuộc sống bây giờ người ta ít viết thư cho nhau. Nhưng tôi vẫn thích những lá thư anh gửi. Mỗi lá thư anh viết đều ghi dấu ấn một bến cảng anh đã đi qua. Anh viết: “Mùa xuân này anh được lên bờ. Anh chọn Đà Nẵng để neo bến. Chắc chắn em sẽ lấy anh và đi Đà Nẵng cùng anh có phải không? Hôm nào tổ chức đám cưới, mình sẽ hưởng tuần trăng mật ở Hội An em nhé?”. Hội An ư? Nơi con phố với những căn nhà cổ, mái ngói bám đầy rong rêu và cả những cánh cửa đều có những đôi mắt dõi theo - Là lời hứa đưa tôi đi hôm nào ở Đà Nẵng, nhưng rồi hai đứa vẫn chưa thực hiện được. Tôi ép lá thư thơm mùi gió biển đó lên má và cười một mình.


Trên ngón tay tôi, chiếc nhẫn làm từ vỏ ốc biển như đang nhấp nháy những sắc màu. Dường như nó cũng đang reo cùng tôi: “Thấy chưa. Anh ấy sẽ trở về. Anh đã không còn ra khơi nữa”. Buổi tối của những ngày cuối đông, tôi ép chiếc nhẫn vào giữa tim mình. Tôi mơ tôi cùng anh dạo chơi trong con phố đang chong đèn ở Hội An.

Truyện ngắn của Khuê Việt Trường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN