Vũ khí tối tân không bất khả chiến bại - Kỳ 1: “Vua cọp”

Vũ khí tối tân không phải lúc nào cũng đảm bảo chiến thắng trên chiến trường. Khi gặp phải đối thủ kiên cường, thông minh về chiến thuật, những ưu thế của chúng không còn phát huy tác dụng. Trong cả hai câu chuyện lịch sử dưới đây, những chiếc xe tăng tối tân nhất vào thời điểm đó đã bị những vũ khí cũ kĩ hơn và không tương xứng đánh bại.

 

Xe tăng “Cọp” huyền thoại.

 

Câu chuyện đầu tiên xảy ra vào ngày 12/8/1944 tại huyện Sandomierz của Ba Lan, bàn đạp đầu cầu ở điểm dân cư Stashuv. Trước cuộc tấn công của quân đội Xô Viết, hè năm 1944, phát xít Đức phải chịu một loạt tổn thất nặng nề. Binh sĩ Phương diện quân Ukraine số 1 đã tiến tới Wisła và chiếm được bàn đạp đầu cầu bên bờ tây con sông. Để xóa sổ bàn đạp này, phát xít Đức đã điều binh lực từ Đức và Hungary tới với tính toán những cú đòn mạnh theo hướng tập trung sẽ chia cắt và tiêu diệt Hồng quân. Ngày 10/8/1944, Đức hoàn tất việc tập trung binh lực tại khu vực phía tây Khmilnyk. Lực lượng này gồm sư đoàn tăng số 3 và 16, sư đoàn cơ động số 20 và tiểu đoàn tăng hạng nặng số 501.


Bộ chỉ huy Đức dự định tiến hành cuộc phản công từ Khmilnyk vào Rakov và Stashuv ở khu vực giữa tập đoàn quân cận vệ số 13 và 5, để chiếm các đầu cầu vượt sông Czarna và tiến vào Wisła ở khu vực Baranow. “Vũ khí bí mật” của phát xít Đức là tiểu đoàn tăng hạng nặng số 501 với những chiến tăng hiện đại nhất Pz-VIN King Tiger (Vua Cọp).


Tiểu đoàn tăng 501 có “số phận” khá thú vị. Thành lập tháng 5/1942 ở Erfurt trên cơ sở các xe tăng Pz-VI Tiger (Cọp) mới. Tháng 11/1942, tiểu đoàn được điều tới Bắc Phi. Tại đó, bất chấp những chiến thắng trước xe tăng Mỹ và Anh trên sa mạc, sau nửa năm, tháng 5/1943, tại miền bắc Tunisia, tiểu đoàn hầu như bị xóa sổ hoàn toàn. Sau khi tái lập và bổ sung ở Pháp, tiểu đoàn 501 nhận được 45 tăng “Cọp” mới, và được điều tới mặt trận phía đông gần Vitebsk. Tuy nhiên do Hồng quân Liên Xô bắt đầu chiến dịch tấn công, tiểu đoàn này một lần nữa lại bị tiêu diệt. Tiểu đoàn 501 được tái lập lần thứ ba trên cơ sở tăng Pz-VIN “Vua Cọp” hiện đại nhất lúc bấy giờ. Phải đến giữa năm 1944, hoạt động sản xuất tăng “Vua Cọp” mới lấy đà, tháng 7/1944 xuất xưởng 45 xe và tháng 8 là 83 xe.


 

Xe tăng “Vua Cọp”, hậu duệ của “Cọp” .

 

“Vua Cọp” là cỗ máy tinh vi, nặng 69,8 tấn, êkíp lái và điều khiển gồm 5 người. Xe cao 3,75 m; độ dày vỏ giáp trước 15 cm; độ dày vỏ giáp bên 8 cm; tháp pháo dày 18 cm; tốc độ tối đa 38 km/giờ; tầm hoạt động 170 km trên xa lộ, 120 km trên địa hình mấp mô; hệ thống thông tin đảm bảo liên lạc ở khoảng cách 9,4 km. Tăng được trang bị pháo chống tăng 88 mm, nòng dài hơn 6 m và 2 súng máy MG42. Cơ số đạn của xe gồm 84 quả đạn pháo và 4.800 viên đạn súng máy. Tốc độ ban đầu xuyên phá vỏ thép của đạn là 1.000 m/giây. Vũ khí hỗ trợ xe tăng còn bao gồm súng cối 26 mm mà trong cơ số đạn dược có cả đạn cối tạo khói, đạn sát thương và đạn sát thương - gây cháy. Pháo 88 li ở khoảng cách 1 km, góc nghiêng 30 độ, có thể xuyên phá vỏ thép dày 16,5 cm; ở khoảng cách bắn 2,29 km có thể xuyên phá vỏ thép dày 12,7 cm. Còn ở khoảng cách 457 m, “Vua Cọp” có thể xuyên thủng lớp thép dày 18,2 cm kể cả ở góc nghiêng 60 độ. Ưu thế không kém phần quan trọng của “Vua Cọp” là tốc độ bắn từ 7 - 8 quả đạn pháo/phút, nhanh hơn 3 lần tốc độ bắn của xe tăng Nga IS-2 (2 - 3 quả/phút).


Đạn xuyên thép 85 mm của xe tăng Xô Viết T-34-85 không thể xuyên thủng lớp vỏ thép dày phía trước của “Vua Cọp” đồng thời không thể xuyên phá kết cấu của xe tăng thậm chí ở khoảng cách 300 m. Thử nghiệm cho thấy, đạn pháo 85 mm của Nga và 76 mm của Mỹ chỉ có thể xuyên phá sườn và tháp pháo “Vua Cọp” ở khoảng cách chưa tới 800 m. Pháo ZIS-3 và F-34 (76 mm) nhìn chung không thể xuyên phá mặt trước và sườn xe tăng này. Như vậy có thể thấy “Vua Cọp” là cỗ máy mạnh mẽ và khủng khiếp tới mức nào khi giao chiến.


“Vua Cọp” còn có thêm các ưu thế vượt trội khác. Cụ thể là kính viễn vọng ngắm bắn một mắt có thể thay đổi độ phóng đại. Kính ngắm bắn kết cấu bản lề này giúp cho thấu kính di động cùng nòng pháo và súng máy theo mọi phạm vi góc bắn thẳng đứng. Tháp pháo quay nhờ cơ cấu quay thủy lực. Xe tăng được trang bị hệ thống dập lửa tự động độc nhất vô nhị. Kể từ chiếc thứ 51, “Vua Cọp” được lắp loại tháp pháo mới “Henschel”, trong đó phía dưới ghế người ngắm bắn trong khoang chiến đấu có lắp máy nén khí để thổi mát nòng súng sau mỗi lần bắn. Dòng không khí này không cho khói thuốc súng lan tỏa trong khoang. Những điểm mới này xe tăng Nga chỉ có sau khi kết thúc chiến tranh.


Duy Trinh (Theo Báo Độc lập, Nga)


Đón đọc kỳ tới: Kết cục hẩm hiu

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN