Số phận chiến đấu cơ F-47 khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm

Truyền thông Mỹ đã bày tỏ lo ngại về tương lai chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu F-47 sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ kiểm soát xuất khẩu một số mặt hàng liên quan đến đất hiếm hạng trung và hạng nặng. Điều này có thể giáng một đòn mạnh vào dự án F-47.

Chú thích ảnh
Bản vẽ phác họa máy bay F-47. Ảnh: Không quân Mỹ

Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào ngày 4/4 đã công bố việc thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với 7 loại mặt hàng liên quan đến đất hiếm trung bình và nặng, bao gồm samari, gadolini, terbi, dysprosi, luteti, scandi và yttri. Các biện pháp này có hiệu lực kể từ ngày thông báo.

Tờ Global Times (Trung Quốc) dẫn nhận định của một chuyên gia nước này cho rằng việc kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng liên quan đến đất hiếm có thể ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Ông đồng thời lưu ý rằng khả năng công nghiệp quân sự của Mỹ rất có thể sẽ chịu ảnh hưởng.

Tạp chí Newsweek (Mỹ) ngày 7/4 đưa tin rằng các hạn chế Trung Quốc áp đặt đối với hoạt động xuất khẩu nguyên tố đất hiếm sang Mỹ có thể gây tổn hại đến kế hoạch sản xuất chiến đấu cơ F-47. Từ lớp phủ tàng hình đến động cơ đẩy mạnh và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến… các nền tảng của chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 đều phụ thuộc vào nguồn cung an toàn, bền vững nguyên tố đất hiếm và kim loại chiến lược.

Theo Newsweek, lệnh kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc chỉ diễn ra hai tuần sau khi chính phủ Mỹ thông báo rằng Boeing đã giành được hợp đồng phát triển F-47.

F-47 được thiết kế để thay thế tiêm kích F-22 Raptor và trở thành trụ cột của phi đội thế hệ tiếp theo thuộc Không quân Mỹ. Nhưng máy bay tàng hình như F-47 phụ thuộc vào các nguyên tố đất hiếm, trong đó có neodymi, praseodymi, dysprosi và terbi trong bộ truyền động, hệ thống radar hiệu suất cao…

Theo trang Cleantechnica.com, yttri là nguyên tố thiết yếu trong lớp phủ chịu nhiệt độ cao của động cơ phản lực, hệ thống radar tần số cao và các loại laser chính xác. Bên cạnh đó, yttri còn hỗ trợ lớp phủ cách nhiệt trên cánh tua-bin, ngăn động cơ máy bay bị nóng chảy trong quá trình bay.

Newsweek dẫn nguồn từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết khoảng 5% lượng đất hiếm Mỹ sử dụng là dành cho các ứng dụng quốc phòng.

Bloomberg (Mỹ) cùng ngày 4/4 đưa tin, biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Trung Quốc dự kiến sẽ tác động đến các doanh nghiệp Mỹ, do các nguyên tố đất hiếm còn được sử dụng trong truyền thông và nhiều công nghệ tiên tiến khác.

Hai nguồn tin trong ngành nhận định với hãng thông tấn Reuters (Anh) rằng hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc đang gây lo ngại cho một số nhà sản xuất hàng không vũ trụ Mỹ, do họ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc để sản xuất thiết bị điện tử hàng không.

Theo tờ Wall Street Journal, Trung Quốc gần như nắm độc quyền ngành công nghiệp đất hiếm toàn cầu, giữ vai trò hàng đầu trong khai thác, tinh chế và sản xuất nam châm đất hiếm – thành phần then chốt trong nhiều công nghệ dân sự và quân sự, bao gồm cả xe điện.

Hà Linh/Báo Tin tức
Trung Quốc tung 'vũ khí đất hiếm' đáp trả Mỹ
Trung Quốc tung 'vũ khí đất hiếm' đáp trả Mỹ

Bắc Kinh áp dụng biện pháp tăng cường kiểm soát xuất khẩu đất hiếm, tạo sức ép lên Washington trong cuộc chiến thương mại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN