Động thái này được cho là nhắm đến nước láng giềng Libya trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường can dự vào tình hình ở nước láng giềng này. Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA), với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, đang mở rộng phạm vi kiểm soát ở nước này. Đặc biệt, GNA đã điều động nhiều tay súng nhằm tấn công và giành quyền kiểm soát thành phố biển Sirte, bước đi mà Cairo coi là một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia.
Việc Quốc hội Ai Cập trao quyền cho Tổng thống Sisi diễn ra chỉ vài ngày sau không ông Sisi gặp gỡ lãnh đạo các bộ lạc Libya ở Cairo. Tại cuộc gặp này, đại diện các bộ lạc ở Libya đã kêu gọi Các lực lượng vũ trang Ai Cập “can thiệp nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Libya và Ai Cập”. Tổng thống Sisi đã tái khẳng định rằng Ai Cập “sẽ không đứng yên để “ranh giới” Sirte và Al-Jufra bị vượt qua.
Thành phố Sirte và căn cứ quân sự Jufra đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar chỉ huy. Trước đó, Tổng thống Sisi đã tuyên bố rằng ông sẽ thực hiện hành động quân sự ở Libya sau khi nhận được sự thông qua của Quốc hội Ai Cập.
Theo Hiến pháp Ai Cập, Tổng thống, người nắm giữ cương vị Tư lệnh tối cao Các lực lượng vũ trang, sẽ không được tuyên bố chiến tranh hay triển khai binh lính ở bên ngoài lãnh thổ khi không nhận được ý kiến ủng hộ của Hội đồng Quốc phòng và sự chấp thuận của Quốc hội với 2/3 nghị sĩ tán hành.
Trước đó, Nghị viện ở miền Đông Libya hồi tuần trước đã kêu gọi Ai Cập trực tiếp can thiệp vào cuộc xung đột ở nước này nhằm ngăn chặn điều mà họ gọi là “sự chiếm đóng” của Thổ Nhĩ Kỳ. Ai Cập cùng với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nga ủng hộ lực lượng miền Đông của ông Haftar. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hậu thuẫn cho GNA.
Libya vốn trước đó do LNA chiếm giữ, đồng thời đẩy lui cuộc tấn công nhằm đánh chiếm thủ đô Tripoli của LNA. Các lực lượng thuộc GNA, với sự yểm trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, đã buộc lực lượng vũ trang miền Đông phải rút về phía Sirte. GNA cũng tuyên bố sẽ tấn công và giành lại quyền kiểm soát Sirte và căn cứ không quân Jufra. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa hàng nghìn lính đánh thuê từ Syria tới Libya để hỗ trợ GNA.
Động thái này được cho là “giọt nước làm tràn ly” khiến giới chức Cairo hết sức quan ngại. Tổng thống Sisi đã cảnh báo rằng Cairo có quyền hợp pháp trong việc can thiệp vào tình hình Libya, đồng thời nhấn mạnh rằng Sirte và Al-Jufra là “ranh giới đỏ” đối với an ninh quốc gia của Ai Cập. Nhà lãnh đạo Ai Cập nhấn mạnh rằng sự can thiệp của nước này vào Libya sẽ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Ai Cập, Libya và cả khu vực, đặc biệt đảm bảo an ninh khu vực biên giới phía Tây của nước này, đồng thời khôi phục sự ổn định ở Libya.
Theo giới phân tích, Cairo luôn coi vấn đề an ninh và ổn định ở quốc gia láng giềng Libya có liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia của Ai Cập. Do vậy, mọi sự bất ổn hay bạo loạn ở Libya đều ít nhiều ảnh hưởng tới Ai Cập, trong đó có những vấn đề liên quan đến mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố, cực đoan và người tị nạn. Ai Cập được cho là vẫn muốn tránh phát động chiến dịch quân sự ở Libya và Cairo đang ở tư thế “phòng thủ có điều kiện” nhằm đánh giá và theo sát những diễn biến trên thực địa tại Libya vì can thiệp quân sự vào nước láng giềng này sẽ là một kế hoạch tiềm ẩn nhiều rủi ro.