Dẫn nguồn Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), hãng Bloomberg cho hay Đức đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng các quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới vào năm 2022 - sau Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Italy.
Mặc dù số liệu mới nhất vẫn chưa được công bố, nhưng các báo cáo cho biết Berlin đã phê duyệt xuất khẩu vũ khí với tổng trị giá hơn 9,13 tỷ USD vào năm ngoái - con số cao thứ hai từ trước đến nay của nước này, sau mức cao nhất mọi thời đại - ở mức 10,32 tỷ USD vào năm 2021.
Vào năm 2022, Đức đã nhận đơn đặt hàng vũ khí lớn nhất từ trước đến nay. Đơn hàng này bao gồm ba tàu ngầm do Thyssenkrupp Marine Systems sản xuất, được Israel mua với giá gần 1,09 tỷ USD mỗi chiếc.
Nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall có trụ sở tại Düsseldorf, nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Đức, đã báo cáo doanh thu kỷ lục 6,9 tỷ USD trong năm 2022, tăng 27% so với năm 2021. Ngoài ra, Rheinmetall cũng nhận các đơn hàng mới cao chưa từng thấy trong lịch sử với khoản tồn đọng lên tới 29 tỷ USD. Công ty này đang lắp đặt dây chuyền lắp ráp vũ khí mới có giá trị hơn 10,9 triệu USD do nhu cầu ngày càng tăng.
Hồi tháng 2, Tập đoàn sản xuất radar Hensoldt của Đức báo cáo đơn hàng tồn đọng trị giá kỷ lục 5,9 tỷ USD. Theo Hensoldt, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã thúc đẩy nhu cầu về một ngành công nghiệp quốc phòng hiệu quả.
Trong khi đó, các nhà phân tích không ngạc nhiên khi chứng kiến tình trạng xuất khẩu vũ khí của Đức tăng vọt khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Năm 2022, Ukraine đã trở thành quốc gia nhận vũ khí lớn nhất của Đức, sau khi mua thiết bị và máy móc quốc phòng trị giá 2,44 tỷ USD từ nước này. Tuy nhiên, Đức không chỉ giới hạn cung cấp vũ khí cho Ukraine. Hà Lan là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai của Đức với 2 tỷ USD, tiếp theo là Mỹ, Anh và Hungary.
Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg lưu ý không phải hầu hết người dân Đức đều ủng hộ việc mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng. Các cuộc thăm dò cho thấy chỉ khoảng một nửa người dân nước này ủng hộ trang bị vũ khí cho Ukraine.
Trong diễn biến liên quan, hôm 3/4, Rheinmetall cho biết đang xây dựng một trung tâm hậu cần và bảo trì quân sự ở Satu Mare, Romania để bảo trì vũ khí cho Ukraine sử dụng cho cuộc xung đột với Nga. Trung tâm dịch vụ này nằm gần biên giới với Ukraine, dự kiến bắt đầu hoạt động trong tháng này.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng, Đức đã thận trọng viện trợ thiết bị quân sự cho Ukraine. Trong động thái được coi là đánh dấu bước leo thang mới của xung đột Nga – Ukraine, Đức đã chính thức chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 do nước này sản xuất cho Ukraine.
Thủ tướng Olaf Scholz cho biết quyết định gửi xe tăng Leopard 2 cho Ukraine “phù hợp với chính sách của Đức là hỗ trợ cho Ukraine với tất cả năng lực của mình và nước Đức sẽ hành động với sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh”.
Bên cạnh cung cấp xe tăng, quân đội Đức cũng tiến hành đào tạo binh sĩ Ukraine, bảo đảm việc vận chuyển, đạn dược cũng như bảo dưỡng các xe tăng này.
Theo hãng thông tấn TASS, hồi cuối tháng 3, phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov tuyên bố Đức đang ngày càng can dự sâu vào xung đột giữa Ukraine và Nga khi gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine.
Ông Pekskov đưa ra tuyên bố này khi bình luận về bài báo của tờ Spiegel (Đức) nói rằng Berlin đang xây dựng kế hoạch tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, từ 3 tỷ euro lên tổng cộng hơn 15 tỷ euro trong vài năm tới.
Khi được hỏi các quyết định trên có thể ảnh hưởng ra sao đến quan hệ giữa Nga và Đức, ông Peskov nói rằng quan hệ song phương hiện “có nhiều điều thiếu vắng và được mong đợi”.
“Đức đang tích cực tham gia viện trợ vũ trang, đổ vũ khí ào ạt vào Ukraine. Đức tăng ngày càng liên quan vào xung đột này, cả gián tiếp lẫn trực tiếp, do vậy những hành động và quyết định tương tự chắc chắn sẽ không dẫn tới bất cứ điều gì tốt đẹp”, ông nhấn mạnh.