Ông Nguyễn Hữu Kỳ (quê Thanh Hóa) tìm tên đồng đội tại Đền thờ các anh hùng liệt sĩ chiến khu rừng Sác - Cần Giờ.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, căn cứ rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) được xem là vùng đất có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Nơi đây trở thành chiến trường ác liệt khi giặc ngày đêm quần thảo để tìm cách tiêu diệt các chiến sĩ đặc công trong Trung đoàn 10 và là tuyến vận chuyển hàng hóa, đạn dược tiếp tế cho chính quyền Sài Gòn. Sau ngày giải phóng, từ những cánh rừng đước trơ gốc, hoang tàn bởi bom đạn cày xới, rừng Sác giờ đây được phủ một màu xanh bạt ngàn của cây đước. Nơi đây không chỉ là lá phổi xanh của thành phố, khu sinh quyển thế giới mà còn là “tọa độ chiến lược” trong trục phát triển kinh tế hướng Đông của TP Hồ Chí Minh.
Bài 1: Kí ức của những người lính đặc công rừng Sác
Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi về Cần Giờ, gặp gỡ những chiến sĩ đặc công của Trung đoàn 10 (Đoàn 10) từng sinh sống và hoạt động ngày đêm tại rừng Sác. Đó là ông Nguyễn Hữu Kỳ, 78 tuổi quê Thanh Hóa, một người lính đặc công rừng Sác và cô quân y Phạm Thị Nhung. Trong ký ức của họ vẫn vẹn nguyên ký ức về những ngày tháng gắn bó với rừng Sác và những người đồng đội cũ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tư do hôm nay.
Cuộc rượt đuổi giữa sự sống và cái chết
Trong câu chuyện, ông Nguyễn Hữu Kỳ nhiều lần nhắc đến chữ “duyên” đối với Cần Giờ. Ông xem đó như lời hẹn ước của tuổi thanh xuân và tiếp tục gắn bó những ngày cuối đời mình nơi mảnh đất nhiều ký ức này.
Năm 1973, ông Kỳ cùng nhiều chiến sĩ hải quân được điều động về Trung đoàn 10 - Đặc công rừng Sác. Khu vực này là tiền đồn của địch ở phía Đông Sài Gòn lúc bấy giờ.
"Cuộc sống trong rừng Sác chỉ gói gọn trong hai từ "khốn khó". Cơm không đủ ăn, nước không đủ uống... Có những lúc hết nước ngọt, chúng tôi phải chịu khát nhiều ngày. Nhiều người chịu không nổi đã lặn xuống sông để uống từng ngụm nước mặn. Đặc biệt, vào những ngày địch càn quét đốt sạch quần áo, vải vóc, mọi người phải chia nhau quần áo để mặc, có người chỉ mặc áo không mặc quần và ngược lại.
Khi đó, cuộc sống của người lính đặc công rừng Sác, ban ngày tranh thủ ẩn nấp trong rừng đước, còn ban đêm thì đổ ra khu vực lòng sông, bìa rừng... để ngăn chặn các chuyến hàng tiếp tế của địch cho chính quyền Sài Gòn. Khu vực dọc sông Lòng Tàu, địch quần thảo liên tục và dội bom vào rừng đước để tiêu diệt quân ta. Chúng tôi thường xuyên phải chạy trốn bom đạn của địch. Không ít đồng đội của tôi đã bỏ mạng trong những đợt tấn công của địch, người còn sống thì dắt díu nhau trở về căn cứ", ông Nguyễn Hữu Kỳ trầm ngâm kể lại.
Dẫn chúng tôi đến những tấm bia tưởng niệm có ghi tên các liệt sĩ - đồng đội của mình, ông Nguyễn Hữu Kỳ nói: “Trong từng ấy thời gian, trên mảnh đất này có 1.215 liệt sĩ, 468 thương bệnh binh, 397 gia đình có công với cách mạng; 2.786 người tham gia bộ đội, du kích, dân công tiếp tế hoặc vận chuyển vũ khí, lương thực cho cách mạng… Tất cả chúng tôi, dù đang còn sống hay đã hy sinh, thì cũng đã cùng nhau làm tròn nhiệm vụ mà Tổ quốc, nhân dân giao phó”.
Một góc đô thị tại Cần Giờ ngày nay.
"May mắn hơn đồng đội khi còn sống đến ngày giải phóng và sau này tiếp tục gắn bó để góp phần xây dựng huyện Cần Giờ, điều nÀY càng khiến tôi trân quý câu nói: Bộ đội phải sống nhờ dân, vì dân... Đối với mỗi người lính đặc công còn sống như tôi, trong tâm trí luôn khắc ghi sự che chở, đùm bọc của người dân huyện Duyên Hải trước kia và huyện Cần Giờ ngày nay. Đoàn 10 có được những chiến công hiển hách trong thời kháng chiến chống Mỹ chính là nhờ sự góp sức của hơn 200 cơ sở cách mạng tại huyện Cần Giờ hỗ trợ, giúp đỡ, cưu mang. Vì vậy, khi hòa bình trở lại, chúng tôi đều muốn ở lại Cần Giờ để chung tay xây dựng mảnh đất nghĩa tình này", ông Nguyễn Hữu Kỳ chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Hữu Kỳ cũng cho biết, trước kia, huyện Cần Giờ là vùng đất trũng sình lầy, có vài căn nhà mái lá bên một xóm chài nhỏ. Đến nay, dù chưa thể so sánh với những đô thị trung tâm, nhưng Cần Giờ đã có một diện mạo rất khác. Đường xá, trường học, nhà xưởng, điện nước... đã được trang bị đầy đủ, nhà dân ngày càng nhiều hơn. Sự phát triển hệ thống chính quyền và công tác cán bộ cũng được quan tâm.
"Trước kia, sau ngày giải phóng, chính quyền Cần Giờ đa số là các chiến sĩ quân đội tiếp quản; trong đó, có hơn 80% cán bộ phải đưa từ TP Hồ Chí Minh về hỗ trợ cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy tinh thần chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ, không ngại khó ngại khổ, các chiến sĩ khi được giao nhiệm vụ xây dựng kinh tế - xã hội đã chung tay cùng nhân dân địa phương xây dựng vùng đất bị bom đạn cày xới năm xưa thành một vùng đất mới mang màu xanh hòa bình", ông Nguyễn Hữu Kỳ cho biết.
Hy sinh thân mình để đổi lấy hòa bình cho người dân
Chiến tranh đã đi qua 50 năm, nhưng đối với bà Phạm Thị Nhung (biệt danh Tám Nhung) vẫn đau đáu nhớ về đồng đội trong Trung đoàn 10 - đặc công rừng Sác năm xưa. Bà cho biết, sau chiến tranh, bà may mắn trở về với cơ thể còn nguyên vẹn, nhưng lại phải chịu nỗi đau mất người thân, đồng đội, đặc biệt là người chồng thân yêu đã hy sinh ngay tại chiến trường rừng Sác.
Bà Phạm Thị Nhung (biệt danh Tám Nhung) vẫn đau đáu nhớ về đồng đội trong Trung đoàn 10 năm xưa.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 14 tuổi, tận mắt chứng kiến người cha bị địch bắt giữ, đánh đập, cô gái trẻ Tám Nhung đã quyết định xung phong ra chiến trường. Thời gian đầu, Tám Nhung tham gia đoàn văn công để phục vụ, ủng hộ tinh thần cho anh em đồng đội hoạt động tại rừng Sác.
Hoạt động tại đoàn văn công đến năm 1964, bà được cử đi học y tá tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Hai năm sau, như cái duyên chưa dứt, bà tiếp tục quay trở lại Đoàn 10 làm công tác cứu chữa vết thương cho chiến sĩ, nơi mà lằn ranh của sự sống và cái chết chỉ bằng một sợi chỉ.
“Ở nơi làm việc đầy khó khăn, thiếu thốn về trang thiết bị y tế, những chiến sĩ quân y phải tìm mọi cách xoay sở để có thuốc cứu chữa cho đồng đội. Có những loại thuốc cần nước cất nhưng không đủ, tranh thủ đây là vùng có nhiều dừa nước, chúng tôi đã rút nước dừa tươi để thay thế", bà Tám Nhung kể lại.
Chính trong điều kiện thiếu thốn và sức lực có hạn, đã không ít lần bà Tám Nhung chứng kiến cảnh những người đồng đội của mình ra đi mãi mãi. "Trong chiến tranh, việc sống chết là điều không tránh khỏi, nhưng nhiều lần chứng kiến các anh bị thương quá nặng mà mình không thể cứu sống. Có những anh chỉ mới 20 tuổi đã phải ra đi, thậm chí có người còn chết trên tay mình. Hoàn cảnh đó khiến tôi cảm thấy đau xót vô cùng", bà Tám Nhung rưng rưng nước mắt.
Theo bà Tám Nhung, cuộc sống, chiến đấu trong rừng Sác vô cùng khó khăn, khắc nghiệt; phải lấy tán rừng làm nhà, gốc cây làm nơi trú ẩn và con sông Lòng Tàu làm nơi chiến đấu. "Khi yên ắng thì không sao, nhưng khi địch càn quét, thì tất cả phải bỏ chạy. Tôi còn nhớ những ngày địch càn quét, có nữ chiến sĩ vừa mới sinh con xong, phải ôm con mà chạy. Nhưng biết làm sao được, chiến tranh tàn khốc, ác liệt như thế mà...", bà Tám Nhung nhớ lại.
Ngày nay, lực lượng Thanh niên xung phong đang tiếp bước thế hệ cha anh để tiếp tục canh giữ và bảo vệ rừng Sác, Cần Giờ.
Sau ngày giải phóng, vùng đất Cần Giờ dù còn nhiều khó khăn, nhưng bà Tám Nhung và gia đình vẫn tiếp tục gắn bó để cùng nhân dân xây dựng huyện Cần Giờ. Bà Tám Nhung cho biết, trước kia, dù Cần Giờ quanh năm nước mặn, cơm không đủ ăn, nước không đủ uống, nhưng vẫn chắt chiu dành dụm để ủng hộ cách mạng; vượt lên cái chết để bảo vệ cách mạng đến cùng, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975.
Sau giải phóng, cuộc sống của người dân Cần Giờ vẫn còn thiếu thốn như: nước ngọt, điện, trường học... Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền Thành phố, đến nay, những thiếu thốn trên đã không còn và người dân ngày càng có cuộc sống tốt hơn.
“50 năm sau ngày giải phóng, ai cũng thấy chính quyền địa phương rất xuất sắc trong quá trình lãnh đạo; rất quan tâm đến đời sống của bà con địa phương, từ các thế hệ hoạt động cách mạng đến thế hệ trẻ hôm nay. Đặc biệt, huyện Cần Giờ có những hướng phát triển rất tiềm năng khi thu hút đầu tư vào dự án lớn đế phát triển kinh tế - xã hội, qua đó giúp cho cuộc sống của người dân ngày càng cải thiện theo hướng tốt hơn”, bà Tám Nhung cho biết thêm.
Bài cuối: Tọa độ chiến lược phía Đông