Vùng xanh Cần Giờ vươn mình mạnh mẽ: Bài cuối: Tọa độ chiến lược phía Đông

Ngày nay, nhắc đến Cần Giờ, người dân và du khách đều nghĩ đến hòn đảo xanh, tách biệt với sự ồn ào của đô thị TP Hồ Chí Minh. Nơi đây đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Chú thích ảnh
Tượng đài Đặc công rừng Sác tại huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. 

Lá phổi xanh của Thành phố

Cần Giờ ngày nay được mệnh danh là “lá phổi xanh của thành phố”, với đường bờ biển dài và hệ sinh thái rừng ngập mặn đã được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới với đa dạng loài động thực vật.

Trên địa bàn huyện còn có Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến khu Rừng Sác, điểm đến du lịch cộng đồng như Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An... Các lễ hội, làng nghề truyền thống của người dân, cũng như ẩm thực của Cần Giờ cũng không hề kém các địa điểm du lịch biển khác.

Ngoài ra, để thu hút du khách, huyện Cần Giờ đã và đang xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng, lưu trú chất lượng. Theo thống kê, đã có trên 19 cơ sở lưu trú, 10 nhà hàng, 49 quán ăn; 6 khu, điểm du lịch phục vụ du khách và người dân tới tham quan, vui chơi, giải trí...

Chú thích ảnh
Du khách đến Cần Giờ để tận hưởng không khí trong lành, xanh mát dưới tán rừng đước.

Đặt chân đến Cần Giờ vào những ngày cuối tháng 3 với tiết trời oi ả, chúng tôi cảm nhận được sự trong lành và mát mẻ. Cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú phục vụ cho du lịch nơi đây ngày càng được cải thiện một cách rõ rệt. Khoảng cách đến nơi đây cũng ngắn hơn khi tuyến đường xuyên tâm được làm mới, rộng rãi và đẹp hơn. 

Chị Hồ Ngọc Thanh, ngụ ở thành phố Thủ Đức cho biết, tranh thủ 2 ngày cuối tuần, cả nhà đưa nhau về Cần Giờ để vui chơi và nghỉ dưỡng. “Về Cần Giờ 'trốn nắng' vào các ngày cuối tuần khá lý tưởng, bởi nơi đây khá mát mẻ, nhiều cây xanh. Các dịch vụ từ ăn, ở, điểm du lịch cũng không thiếu với giá cả phải chăng. Đến đây, ngoài trải nghiệm không khí trong lành, chúng tôi còn được đến các khu lịch sử tìm hiểu kỹ hơn về vùng đất này, ghi nhớ công lao của các anh hùng đặc công rừng Sác năm xưa...”, chị Thanh cho biết. 

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội, Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam cho biết, trong các điểm du lịch nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh, xét về tài nguyên tự nhiên, thì Cần Giờ là điểm có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch hiệu quả. Cần Giờ hiện đang tận dụng các tiềm năng để kéo nhiều du khách trong và ngoài nước đến với mình nhiều hơn. 

Chú thích ảnh
Người dân, du khách nghỉ ngơi dưới tán rừng đước trong Khu di tích lịch sử Đặc công rừng Sác.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố  đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.

Theo đó, từ nay đến năm 2030, Thành phố ưu tiên phát triển du lịch và dịch vụ biển; kinh tế cảng, hàng hải; phát triển khu đô thị ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; khai thác năng lượng từ biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.

Đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa huyện Cần Giờ trở thành địa phương mạnh về biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên.

Phát triển phải giữ được bản sắc

Sau 50 năm giải phóng, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cần Giờ đang nỗ lực vươn mình mạnh mẽ. Kinh tế - xã hội của huyện đang ngày càng phát triển, đa dạng ngành nghề, trở thành địa bàn trọng điểm, là “tọa độ chiến lược” trong kế hoạch hướng về phía Đông của TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, trong năm 2025, Thành phố sẽ bắt đầu khởi động các siêu dự án: Cảng trung chuyển quốc tế; tuyến metro 12 (Bến Thành - Cần Giờ); khu đô thị lấn biển và một loạt các dự án khác như cầu vượt sông hay khu thương mại tự do Cần Giờ… Sự đầu tư này được nhận định sẽ mở ra tiềm năng và cơ hội lớn, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của riêng Cần Giờ hay TP Hồ Chí Minh mà còn hình thành hệ thống chuỗi liên kết vùng trong khu vực Đông Nam bộ và cả nước.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ chia sẻ các thông tin về phát triển Cần Giờ. 

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, khi trở thành một “Cần Giờ mới”, không chỉ giúp giải quyết hiệu quả hơn những vấn đề an sinh, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, mà còn có cơ hội đón nhận người dân trong nước và quốc tế đến sinh sống và làm việc. Cần Giờ đang sẵn sàng bước vào một giai đoạn phát triển mới. Trong tương lai, địa phương sẽ tập trung khai thác tiềm năng theo hướng bền vững, tận dụng lợi thế về du lịch sinh thái, phát triển đô thị thông minh và mở rộng các ngành kinh tế biển.

“Để chuẩn bị cho đường lớn, cầu rộng, đón làn sóng phát triển mới, Cần Giờ đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp quan trọng thực hiện chuyển đổi xanh, trong đó 3 mũi nhọn là: thể chế, nguồn lực và hành vi. Nếu chúng ta có các cơ chế, chính sách đặc thù như Nghị quyết 98, có thể huy động các nguồn lực, gồm cả nội lực chính là những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của Cần Giờ, cùng với nguồn lực từ các nhà đầu tư để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Cần Giờ theo đúng định hướng của Trung ương và Thành phố. Cả 2 điều này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa để mũi nhọn thứ 3 là hành vi, sự đồng lòng, đoàn kết của chúng ta sẽ góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ", ông Nguyễn Văn Hồng cho biết.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan, trải nghiệm làm muối tại ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hồng, sự vươn mình của Cần Giờ thời gian qua là một minh chứng rõ ràng cho sự phát triển bền vững và có trách nhiệm của một vùng xanh, mang lại lợi ích không chỉ cho cư dân địa phương mà còn cho cả Thành phố và môi trường xung quanh.

Phát triển của Cần Giờ không chỉ là việc xây dựng hạ tầng vật chất mà còn là việc phát huy lợi thế vùng sinh quyển, đảm bảo bền vững và hài hòa với môi trường tự nhiên. Điều này sẽ tạo ra cơ hội mới cho du lịch sinh thái và kinh tế xanh, đồng thời giúp bảo vệ và phát triển nguồn lợi kinh tế từ vùng sinh quyển Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

"Trong quá khứ cha anh đã bảo vệ, giữ gìn được Cần Giờ, còn tương lai đặt ra cho chúng ta sứ mệnh phải phát triển Cần Giờ nhưng vẫn giữ được những giá trị cốt lõi, nhất là rừng dự trữ sinh quyển, tức là sự phát triển phải có tính quốc gia, đẳng cấp quốc tế. TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu cho huyện Cần Giờ phải phấn đấu là trở thành đô thị sinh thái, thông minh và hiện đại của TP Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Bộ. Vì vậy, huyện Cần  Giờ cần chuẩn bị kỹ lưỡng và định hướng những giải pháp phù hợp cho phát triển bền vững hơn để có thể trở thành một đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc thiên nhiên độc đáo, góp phần nâng cao vị thế của TP Hồ Chí Minh", Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Vùng xanh Cần Giờ vươn mình mạnh mẽ: Bài 1: Kí ức của người lính đặc công rừng Sác
Vùng xanh Cần Giờ vươn mình mạnh mẽ: Bài 1: Kí ức của người lính đặc công rừng Sác

Rừng Sác giờ đây được phủ một màu xanh bạt ngàn của cây đước. Nơi đây không chỉ là lá phổi xanh của thành phố, khu sinh quyển thế giới mà còn là “tọa độ chiến lược” trong trục phát triển kinh tế hướng Đông của TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN