Về thăm Yên Lạc để chằm áo tơi

“Trời mưa thì mặc trời mưa/Chồng tôi đi bừa đã có áo tơi”. Theo câu ca ấy chúng tôi tìm về xóm Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh - địa phương có truyền thống hơn 300 năm chằm áo tơi. Trải qua bao thăng trầm và biến động cùng lịch sử, nghề chằm áo tơi ở xóm Yên Lạc vẫn tồn tại và phát triển.

Hà Tĩnh được coi là mảnh đất “chảo lửa, túi mưa”, mùa hè thì nắng cháy da, mùa đông rét cắt thịt. Để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt ấy, chiếc “áo giáp lá” trở thành phương tiện chống nắng, chống mưa hữu hiệu nhất. Áo tơi là vật dụng gắn bó với người dân Hà Tĩnh từ bao đời nay, đặc biệt cho đến tận bây giờ, khi các vật dụng thay thế chức năng của chiếc áo tơi khá nhiều và không quá đắt đỏ nhưng nhiều người dân vẫn chằm, sử dụng áo tơi bởi sự tiện dụng, tiết kiệm của nó.

Ở xóm Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh từ người già cho đến trẻ nhỏ đều biết chằm áo tơi.

Cụ Đặng Thanh Lương, 96 tuổi, người cao tuổi nhất tại Yên Lạc chia sẻ: Nghề chằm tơi ở Yên Lạc có từ cách đây khoảng 300 năm. Họ Nguyễn Đặng là họ lâu đời nhất làm tơi, đến nay cũng đã 14 đời. Thuở bé, cụ thường theo ông nội đi chằm tơi, mỗi ngày chằm được khoảng 4 tơi. Trước đây tơi được may đi may lại 2 lần. Ngày xưa tơi được dùng phổ biến hơn, nhất là vào mùa mưa, mỗi nhà phải chằm được 7 gánh lá.

Để chằm được một chiếc tơi phải trải qua rất nhiều công đoạn và cần sự tỉ mỉ, khéo léo cũng như tính cộng đồng. Lá để làm tơi là lá cọ, được tuyển chọn từ những chiếc lá lành nhất, vừa đủ độ, không quá già. Từ tờ mờ sáng, đàn ông trong làng đã cơm đùm cơm nắm lên tận mạn trên, từ Hương Khê cho đến Vũ Quang để “đi lá”. Lá hái xong được sấy cho khô bớt rồi phơi 2 ngày 1 đêm để lá nở và dai hơn. Sau khi phơi xong, trẻ nhỏ và người già ở nhà vuốt lá, dùng dây thừng cắt ra từng đoạn để làm chiêng tơi. Các cụ ông thì chẻ mây, đưa mây ra phơi rồi vót. Công đoạn cuối để hoàn thành chiếc tơi là chằm tơi.

Vụ tơi chính thường kéo dài khoảng 2 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6, cũng có khi kéo dài đến tận tháng 8. Mỗi vụ như vậy, một hộ làm thường xuyên có thể làm được đến 300 chiếc tơi. Một chiếc áo tơi hiện nay trên thị trường có giá dao động từ 50.000 đồng. Thời gian gần đây, các thương lái cũng tìm đến mua để về bán cho các chợ trong tỉnh Hà Tĩnh.

Nghề chằm áo tơi ở xóm Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã giúp cho người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Chằm áo tơi cũng là một cách làm kinh tế. Người dân xóm Yên Lạc từ người già đến em nhỏ đều biết chằm áo tơi. Nghề này đã giúp cho người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng áo tơi ngày càng giảm, người dân nơi đây cũng đang trăn trở tìm cách giữ nghề truyền thống. Ông Đặng Văn Quang, Tổ trưởng Tổ hợp tác chằm tơi Yên Lạc cho biết: Yên Lạc có 165 hộ với 300 khẩu thì có đến 70% người biết chằm tơi, trong đó gần 80 hộ chằm tơi thường xuyên, với 4 - 5 khẩu trong một gia đình tham gia chằm tơi. Số người chằm tơi ngày càng ít đi, một phần vì lá để chằm tơi trở nên khan hiếm hơn, phần nữa do tiêu thụ được ít sản phẩm hơn nên người dân phải làm những công việc khác.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2015 xã Quang Lộc đã hợp đồng với Công ty Du lịch Xuân Thành (Hà Nội) để bán, quảng bá sản phẩm và giữ lại nghề truyền thống của cha ông. Đặc biệt, để mọi người biết đến nghề chằm tơi Yên Lạc nhiều hơn, từ ngày 21/5/2016, Trung tâm Giáo dục cộng đồng xã Yên Lạc đã đưa vào chương trình du lịch “Trải nghiệm khám phá làng chằm tơi”.

Ông Nguyễn Trọng Thể, Phó Chủ tịch UBND xã, Giám đốc Trung tâm Giáo dục cộng đồng xã Quang Lộc cho biết: Xã cách Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc và Khu du lịch sinh thái Hồ Trại Tiểu 7 km, cách Khu lưu niệm Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng 3 km, là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Trung tâm học tập cộng đồng trình bày ý tưởng hình thành tour du lịch khám phá trải nghiệm với UBND xã và được lãnh đạo xã, nhân dân xóm Yên Lạc rất ủng hộ.

Đến với du lịch trải nghiệm khám phá làng chằm tơi, du khách được đến tận nhà một hộ chằm tơi tiêu biểu của xóm, nghe giáo viên của Trung tâm học tập cộng đồng giới thiệu về làng nghề truyền thống chằm tơi, cấu tạo chính của chiếc tơi và cách phân biệt tơi mùa nắng với tơi mùa rét. Sau đó, du khách sẽ được trực tiếp thực hành từng công đoạn chằm tơi dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Anh Nguyễn Quốc Hiệp, giáo viên Trung tâm Giáo dục cộng đồng xã Quang Lộc chia sẻ: Chương trình du lịch trải nghiệm khám phá làng chằm tơi được tổ chức vào dịp cuối tuần nên thu hút rất đông các gia đình là cán bộ công nhân viên chức ở thành phố đưa con đến trải nghiệm và khám phá về làng nghề truyền thống. Chương trình được quảng bá chủ yếu qua mạng xã hội Facebook. Hiện đã có nhiều đoàn đăng ký tham gia. Chúng tôi sẽ cố gắng rút kinh nghiệm để chương trình được hoàn chỉnh hơn, thực sự trở thành trải nghiệm đáng nhớ đối với du khách.

Chị Nguyễn Thùy Nga, thành phố Hà Tĩnh, làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh hào hứng cho biết: Đến với tour trải nghiệm khám phá làng chằm tơi Yên Lạc này, các mẹ và các cháu trong đoàn thấy rất thú vị và bổ ích. Các cháu vô cùng háo hức khi được tận mắt chứng kiến các ông, bà chằm tơi, đặc biệt là các bạn nhỏ cùng trang lứa giúp gia đình chằm tơi. Được nghe, chia sẻ về công dụng của chiếc tơi, các cháu rất ngạc nhiên vì biết được rằng chiếc tơi được người nông dân dùng để che mưa, che nắng. Với sự đón tiếp vô cùng nồng hậu, thân tình của những người dân xóm Yên Lạc, chuyến du lịch trải nghiệm thực sự đáng nhớ với các thành viên trong đoàn. Rời xóm Yên Lạc, mỗi bé còn được các bác trong xóm tặng một chiếc tơi nhỏ làm quà lưu niệm mang về thành phố.
Bài và ảnh: Hoàng Ngà
Trở lại “nôi” Đồng Khởi
Trở lại “nôi” Đồng Khởi

Chúng tôi qua cầu Hàm Luông sang cù lao Minh, về Mỏ Cày. Cù Lao Minh cùng với Cù Lao Bảo, Cù Lao An Hóa hợp thành nên tỉnh Bến Tre. Dải đất này nằm giữa hai con sông Hàm Luông và Cổ Chiên, chạy dài hơn 70 km ra Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN