Nơm nớp sống trong những khu nhà gỗ sắp sập

Hàng trăm hộ dân sống tại các nhà tập thể bằng gỗ được xây dựng từ những năm 1950 tại phường Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang ngày đêm nơm nớp, sợ hãi khi những ngôi nhà này lúc nào cũng có thể đổ sụp...

“Khu ổ chuột” giữa Thủ đô

Khu nhà tập thể gỗ 2 tầng nằm lọt thỏm trong cụm dân cư đông đúc tại ngõ phố Vọng Hà, phường Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đang là nơi sinh sống của hàng chục hộ dân có gốc là cán bộ của Bộ Giáo dục, Bộ Thủy lợi... Khu nhà được xây dựng từ thập kỷ 50 thế kỷ trước với kiến trúc đơn sơ, phần lớn bằng gỗ để thích ứng với địa chất dễ sụt lún ở ven bờ sông Hồng.  Đến nay, các nhà tập thể bằng gỗ này đều đã xuống cấp nghiêm trọng. 

Dưới ánh sáng le lói xuyên qua những bức tường bằng gỗ, bà Nguyễn Thị Tưởng, một người sống tại khu tập thể bằng gỗ số 7, phường Chương Dương (Hoàn Kiếm) dẫn tôi lên căn phòng của mình. Giữa trưa nắng mà khu tập thể này tối tăm như ban đêm. Dãy hành lang được gia cố bằng đủ thứ từ ván ép, tôn rách và phủ lên bằng bìa cactông, mỗi bước đi dập dềnh như trên phao, đồng thời cả chuỗi tiếng vọng âm u kéo dài suốt hành lang. 

Chú thích ảnh
Căn phòng lụp xụp của bà Nguyễn Thị Tưởng.

Căn phòng của bà Tưởng nằm lọt thỏm sau một phòng khác, rộng chừng 10m2 . Bà Tưởng cho biết, bà đã thuê trọ ở đây gần chục năm để làm ăn buôn bán, mỗi tháng tiền thuê nhà hết 1,4 triệu đồng. “Tôi chậm nộp tiền nên đã bị cắt điện”- bà Tưởng vừa nói, vừa mò mẫm trong bóng tối, dưới ánh nến. 

Dưới ánh đèn le lói, căn phòng hiện lên không khác gì một ổ chuột. Giữa nhà, chiếc chiếu sờn mép trải ra làm chỗ nằm, phía bên trên căng mảnh nilon trắng. Mảnh nilong ấy là “sáng kiến” của bà, một đầu buộc lên cột nhà, một đầu buộc vào chiếc chậu lớn đặt trên bàn để hứng nước mưa. “Mấy hôm rồi bão, mưa to nên dột nặng. Tôi đang nằm ngủ thì mảnh áo mưa nhiều nước quá bị đứt, như có bom nước dội xuống, nước lênh láng khắp nhà, tôi bị ướt sũng và cảm luôn từ hôm đó”, bà Tưởng kể. 

Hầu hết các căn tại khu tập thể này đều có diện tích từ 10-25m2 , có những căn chỉ được 10m2 nhưng có 2 -3 thế hệ cùng chung sống. Gia đình bà Nguyễn Thị Dương (65 tuổi) sống tại nhà số 9 (46 Vọng Hà) có 8 người, ba thế hệ cùng chung sống trong căn phòng chưa đầy 20 m2 .

Chú thích ảnh
Nhà tập thể bằng gỗ nhìn từ bên ngoài.

Bà Dương cho biết, đối với những người sống tại các căn nhà tập thể bằng gỗ này như bà, nỗi ám ảnh không chỉ là chỗ ở chật chội mà chính là thiếu nhà vệ sinh. Ngay gần khu nhà gỗ số 7 là nhà tập thể số 9. Tất cả 94 hộ tại hai nhà này đều không có nhà vệ sinh hay khu bếp riêng. Vì thế, các gia đình phải tự xoay sở, có nhà thì tận dụng diện tích cơi nới phía trước để đặt bếp than tổ ong, có nhà dùng bếp từ, bếp điện, nấu xong thì cất gọn đi. Còn muốn đi vệ sinh hay tắm rửa thì các hộ dân phải xuống khu vệ sinh chung ở tầng 1, tuy nhiên khu nhà vệ sinh này bốc mùi rất khó chịu. Chính vì điều kiện sống quá vất vả nên các con, cháu bà lần lượt phải chuyển đi thuê nhà ở nơi khác để sinhsống, đến nay chỉ còn hai ông bà sống tại đây. 

Sống trong sợ hãi

Chỗ ở chật chội, nóng nực, khổ sở, nhưng điều mà người dân ở đây lo lắng hơn cả chính là sự an toàn. Nằm trên tầng 2 của khu nhà gỗ số 9, bà Trịnh Thị Mứt (74 tuổi) luôn thường trực nỗi lo... nhà sập. Căn phòng của bà rộng 20 m2 , từ cổng vào cho đến tường bao quanh, trần nhà đều làm bằng cót ép, nhiều chỗ đã bị thủng lỗ chỗ. Bà Mứt cho biết, khu tập thể này đã xuống cấp nghiêm trọng, nhà ở tầng 2 thì đối mặt với nhà dột, chuột bọ, nhà tầng dưới thì nơm nớp lo... sập vì hầu hết các cây cột gỗ đã bị mọt ăn rỗng, có cây cột chuột còn đào cả đường đi xuyên qua lõi. 

Bà Mứt chia sẻ, cách đây vài năm, có đơn vị về hỗ trợ dựng lên các trụ sắt bọc ngoài các cột gỗ, nhưng cũng không biết chống chọi được bao lâu. Sàn nhà cũng yếu quá rồi, chỉ cần mấy đứa trẻ nhảy đùa nghịch thì rung lên bần bật, trước đây cũng có trường hợp bị sập sàn, người rơi xuống tầng dưới. 

Chú thích ảnh
Lối vào căn phòng của bà Trịnh Thị Mứt.

Nhắc lại chuyện cháy hai khu nhà gỗ năm 2007, bà Mứt vẫn không hết bàng hoàng: “Tôi thấy mọi người nhốn nháo, hô hào, ngó ra thì thấy khu nhà gỗ số 8 ngay bên cạnh, lửa bùng lên rất to, ngày càng lan rộng. Tôi phải gọi điện cho con cái rồi vội vàng chạy, cũng may mà đám cháy không lan sang khu này”, bà Mứt kể. 

Ông Phạm Việt Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Chương Dương cho biết, trước đây trên địa bàn phường có 19 nhà tập thể bằng gỗ đều được xây dựng từ cuối thập niên 1950 đầu 1960, thuộc sở hữu nhà nước. Đến khoảng thập niên 1990, có 2 nhà hư hỏng nặng phải xây lại. 

Năm 2003, 17 nhà này đã xuống cấp nặng khiến thành phố phải thuê đơn vị tư vấn độc lập để khảo sát, đánh giá mức nguy hiểm. Kết quả đánh giá ở mức cực kỳ nguy hiểm, buộc phải phá dỡ. 
Đến năm 2006, UBND TP Hà Nội đã ra văn bản số 300/QĐUB thu hồi 7 nhà gỗ thuộc diện đặc biệt nguy hiểm. Sau đó có 2 nhà bị cháy, hiện còn 8 nhà gỗ với 401 hộ. 

Năm 2015, UBND TP Hà Nội ra Công văn số 8630/UBNDTNMT chỉ đạo thực hiện chủ trương thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân tại 8 nhà gỗ 1A, 7, 9, 10, 11, 14, 16, 17 tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm thuộc diện nguy hiểm và quản lý, sử dụng đất sau thu hồi. Tuy nhiên, cho đến nay điều này vẫn chưa thành hiện thực. 

Ông Phạm Việt Hưng cho biết, việc di dời dân đến nơi ở an toàn không chỉ là mong mỏi của người dân mà cũng là trăn trở của chính quyền nơi đây. Tuy nhiên, hiện nay còn có một số vướng mắc, liên quan đến giá đền bù. Theo đó, giá đất tại khu vực hiện tại là 40 – 50 triệu/ m2 đối với nhà trong ngõ và hơn 100 triệu/m2 đối với đất gần mặt đường, nhưng theo quy định về đền bù nhà thuộc sở hữu nhà nước thì khu nhà gỗ chỉ được đền bù hơn 10 triệu/m2 , trong khi đó còn phải khấu trừ 40% tiền sử dụng đất. 

“Số tiền đền bù không đảm bảo cho người dân mua căn hộ mới. Cùng với đó, theo quy định thì khi chuyển sang ở khu ở mới mà thành phố đã bố trí thì người dân sẽ phải trả tiền thuê nhà 4-5 triệu đồng/ tháng, trong khi ở khu nhà gỗ thì nhiều năm nay không còn thu tiền thuê nhà nữa. Bởi vậy, người dân chưa đồng tình. Do đó, phường và quận đã có đề xuất UBND thành phố tăng mức giá đền bù cho sát với giá thị trường và tạo điều kiện cho người dân có thể mua nhà tại khu ở mới”, ông Phạm Việt Hưng chia sẻ.

Bài và ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức
Cháy nhà gỗ, lan sang 3 căn nhà bên cạnh, 4 xe cứu hỏa mới dập tắt
Cháy nhà gỗ, lan sang 3 căn nhà bên cạnh, 4 xe cứu hỏa mới dập tắt

Khoảng 8 giờ 45 phút, ngày 26/11, tại khu vực tổ 5, ấp Tây Khánh 1, phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, xảy ra một vụ cháy lớn, thiêu rụi hoàn toàn 2 căn nhà, 2 căn nhà khác bị cháy sém; rất may không có thiệt hại về người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN