Lắng đọng hành trình kết nối lịch sử trên đất nước Chùa Tháp

Gần nửa thế kỷ từ thời điểm chế độ do Pol Pot đứng đầu cầm quyền, tiến hành cuộc diệt chủng tàn bạo sát hại hơn hai triệu người ở Campuchia, có rất ít thông tin về phương thức tản cư bắt buộc của lực lượng cầm quyền lúc bấy giờ bằng phương tiện tàu hỏa với quy mô lớn, tái phân bố dân cư, cải tạo xã hội bằng những biện pháp phản khoa học, gắn với hành vi diệt chủng tàn bạo bậc nhất trong lịch sử loài người.

Chú thích ảnh
Đoàn khảo sát gặp gỡ, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử của chế độ diệt chủng tại địa điểm Gò Po Chey ở huyện Kandeang (tỉnh Pursat, Campuchia), nơi diễn ra cuộc thảm sát các binh lính chế độ Cộng hòa Khmer sau ngày 17/4/1975. Ảnh: Huỳnh Thảo/PV TTXVN tại Campuchia

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Tư liệu Campuchia (DC-Cam) đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát, điền dã di chuyển bằng tàu hỏa theo lộ trình cách đây gần nửa thế kỷ, giúp giới nghiên cứu, đội ngũ giáo viên sử học và giới trẻ Campuchia hôm nay có cơ hội kết nối, trải nghiệm và nhận thức đúng đắn về những câu chuyện diễn ra trong quá khứ, thông qua hoạt động khảo sát các di tích lịch sử, trực tiếp gặp gỡ, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, những nạn nhân và những thân phận liên quan chế độ diệt chủng tàn bạo này. Trong đó, có những câu chuyện về những người lính tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh, cũng như công cuộc hàn gắn và tái thiết đất nước Campuchia sau khi tìm được nền hòa bình trọn vẹn từ cuối thế kỷ trước.

Chú thích ảnh
Đoàn khảo sát cùng các nhân chứng lịch sử của chế độ diệt chủng tại giếng nước làng Po thuộc Gò Po Chey ở huyện Kandeang (tỉnh Pursat, Campuchia), nơi vùi xác binh lính chế độ Cộng hòa Khmer sau cuộc thảm sát sau ngày 17/4/1975. Ảnh: Huỳnh Thảo/PV TTXVN tại Campuchia

Phóng viên TTXVN tại Campuchia đã tham gia chuyến khảo sát, điền dã, nghiên cứu gần nhất do DC-Cam tổ chức, diễn ra từ ngày 20 - 23/8, di chuyển bằng tàu hỏa khởi hành từ thủ đô Phnom Penh tới tỉnh Pursat, vùng Tây Bắc Campuchia. Đặc biệt, trong thành phần đoàn khảo sát lần này, bên cạnh các chuyên gia, giáo viên, sinh viên và học sinh địa phương, lần đầu tiên có sự góp mặt của giới sử học nước ngoài, đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên trên chuyến tàu từ Phnom Penh tới Pursat, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Thủy, Phó Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết đây là một ý tưởng tuyệt vời của DC-Cam khi tổ chức cho các nhà nghiên cứu Việt Nam và Campuchia tham gia chuyến hành trình bằng tàu hỏa từ Phnom Penh tới Pursat.

Tiến sĩ Phạm Văn Thủy bày tỏ cảm xúc háo hức, xúc động khi được tận mắt chứng kiến những địa điểm lịch sử liên quan đến chế độ diệt chủng Pol Pot, cuộc chiến giữa Quân tình nguyện Việt Nam và chế độ Pol Pot, cũng như được trực tiếp phỏng vấn, lắng nghe câu chuyện từ những nhân chứng lịch sử.

Chú thích ảnh
Đoàn khảo sát cùng các nhân chứng tại nơi lưu giữ hài cốt các nạn nhân chế độ diệt chủng trong khuôn viên chùa Reasmei Romlech, xã Romlech, huyện Bakan, tỉnh Pursat. Ảnh: Huỳnh Thảo/PV TTXVN tại Campuchia

Từ góc độ nghiên cứu và giảng dạy chuyên ngành lịch sử thế giới, Tiến sĩ Phạm Văn Thủy cho rằng việc nghiên cứu về các chế độ diệt chủng, tiếp xúc những câu chuyện đau buồn trong lịch sử không chỉ nhằm trao dồi, nâng cao kiến thức và nhận thức mà còn thúc đẩy tìm ra những sáng kiến, giải pháp trong công tác giáo dục lịch sử để thế hệ ngày nay và mai sau sẽ không bao giờ lặp lại lịch sử đau thương như vậy.

Tiến sĩ Phạm Văn Thủy cũng bày tỏ hy vọng sau chuyến nghiên cứu lần này, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn và DC-Cam sẽ ký thỏa thuận để hoạt động hợp tác giữa hai bên được thúc đẩy, mang tính trọng điểm và chính thức hơn.

Trong hành trình khảo sát bằng tàu hỏa lần thứ 18 từ ngày 20 - 23/8 dưới chủ đề “Cuộc di dân bắt buộc giai đoạn 2 và giai đoạn 3 dưới chế độ Pol Pot”, các thành viên trong đoàn tập trung tìm hiểu, nghiên cứu về những câu chuyện liên quan vấn nạn diệt chủng, tìm hiểu về hoạt động tản cư bắt buộc ở Campuchia dưới thời chế độ Pol Pot, thông qua hoạt động tham quan thực địa tại địa điểm di tích lịch sử, cũng như trực tiếp gặp gỡ các nhân mối, phỏng vấn các nhân chứng, những người may mắn sống sót từ chế độ diệt chủng cách đây gần nửa thế kỷ.

Chú thích ảnh
Ông Long Dany (bên trái), Giám đốc Trung tâm Hòa giải Veal Veng thuộc DC-Cam cùng nhóm giáo viên, học sinh, sinh viên Campuchia tham gia chương trình khảo sát di chuyển bằng tàu hỏa. Ảnh: Huỳnh Thảo/PV TTXVN tại Campuchia.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Long Dany, Giám đốc Trung tâm Hòa giải Veal Veng thuộc DC-Cam cho biết, trong quãng thời gian hơn 3 năm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot tàn bạo từ cuối năm 1975 đến năm 1978, chế độ do Pol Pot cầm đầu đã di tản người dân trong 2 giai đoạn từ khu vực phía Đông sang khu vực Tây Bắc, hiện thuộc địa bàn các tỉnh Pursat, Battambang, Banteay Meanchey và Pailin của Campuchia.

Theo tài liệu từ thời chế độ Pol Pot được DC-Cam lưu trữ, có khoảng 400.000 - 500.000 người đã bị chế độ di tản tới khu vực Tây Bắc, trong khi có khoảng 50.000 người được di tản từ khu vực phía Đông, bao gồm các tỉnh Prey Veng và Svay Rieng. Một cán bộ làm việc tại nhà ga vào thời điểm đó đã chứng kiến hàng nghìn người di tản dọc theo tuyến đường sắt từ Phnom Penh đến các nhà ga khác ở Pursat và Battambang thuộc khu vực Tây Bắc Campuchia.

Theo ông Long Dany, ngoài việc có góc nhìn sâu sắc hơn về trải nghiệm của những người sống sót sau chế độ Pol Pot bị cưỡng bức di tản, chuyến tham quan nghiên cứu lịch sử bằng tàu hỏa còn mở ra cơ hội trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam với giáo viên và thanh niên Campuchia nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, đặc biệt trong vấn đề lịch sử.

Chú thích ảnh
Ông Long Dany, Giám đốc Trung tâm Hòa giải Veal Veng thuộc DC-Cam trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Quang Anh/PV TTXVN tại Campuchia

Trong chuyến tham quan nghiên cứu lần này, các nhà nghiên cứu Việt Nam cùng giáo viên, thanh niên Campuchia đã có cơ hội phỏng vấn những người sống sót tại những địa điểm từng là nơi hành quyết của chế độ Pol Pot ở các huyện Kandieng, Bakan và Veal Veng của tỉnh Pursat.

Đoàn cũng đến tham quan, nghiên cứu các di tích lịch sử khác, liên quan địa bàn hoạt động của Quân tình nguyện Việt Nam lúc bấy giờ. Trong đó, có Di tích lịch sử quân sự Techo Phnom Moan hay Techo Kê Sơn (A4) và Di tích lịch sử quân sự Techo Phnom Spean Chey Chumneas hay Cầu Chiến Thắng, nơi từng là sở chỉ huy và là chiến trường khốc liệt giữa các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc chiến chống lại lực lượng Pol Pot tàn dư.

Ngoài ra, đoàn khảo sát còn có dịp gặp gỡ các cựu quân tình nguyện Việt Nam hiện đang sống tại tỉnh Pursat và lắng nghe những câu chuyện cảm động về cuộc đời của họ trong chiến đấu, cũng như sau khi xuất ngũ, quay trở lại gắn bó với xứ sở Chùa Tháp nhiều duyên nợ.

Trong khuôn khổ chuyến khảo sát thực địa, đoàn cũng đã tới thăm Trung tâm Hòa giải Veal Veng thuộc DC-Cam, gặp gỡ giáo viên lịch sử và học sinh Campuchia nhằm trao đổi về kinh nghiệm, công tác giáo dục lịch sử tại địa phương, cũng như ở Campuchia hiện nay. Trong số các nhân mối, có em Pov Sinuol, học sinh lớp 12B Trường Phổ thông Trung học Hun Sen Promaoy (huyện Veal Veang, tỉnh Pursat). Bố của Pov Sinuol là một cựu binh chế độ Pol Pot.

Chú thích ảnh
Đoàn khảo sát gặp gỡ, trao đổi với giáo viên lịch sử và các em học sinh Trường Phổ thông Trung học Hun Sen Promaoy tại Trung tâm hòa giải Veal Veang của DC-Cam tại huyện Veal Veng, tỉnh Pursat, Campuchia. Ảnh: Huỳnh Thảo/PV TTXVN tại Campuchia

Từng tham gia hành trình khảo sát của DC-Cam từ Phnom Penh đến tỉnh Banteay Meanchey, vùng Tây Bắc Campuchia, nữ sinh Pov Sinuol chia sẻ cô không thể ghét bỏ bố mình nhưng cũng không thể không tin những gì nghe được, đọc được và nhìn thấy về chế độ diệt chủng ở đất nước mình. Cô nữ sinh lớp 12 chia sẻ rằng có hàng triệu người với những biến cố trong câu chuyện cuộc đời khác nhau của họ, suy nghĩ và cách nói của họ sẽ không giống nhau nên cần có cái nhìn cảm thông với tất cả.

Từ trải nghiệm trên chuyến tàu do DC-Cam tổ chức và thông qua lời kể của bố mình, Pov Sinuol cho biết người dân Campuchia trước đây không may mắn có được chỗ ngồi đàng hoàng như cô và bạn bè bây giờ. Trong những chuyến tàu tản cư cách đây gần nửa thế kỷ, họ phải đứng chen chúc suốt từ tối đến sáng, giữa ngổn ngang đồ đạc, trong điều kiện thời tiết nóng bức, không có thức ăn, nước uống. Pov Sinuol nói: “Khi đi tàu, chúng tôi được ngồi, có nước uống, thức ăn nhẹ nhưng họ không có gì cả. Không một hạt cơm, một giọt nước, giữa thời tiết nóng bức. Có thể hiểu họ đã chịu đựng và khổ sở như thế nào”.

Cùng tham gia chuyến khảo sát lần thứ 18 của DC-Cam, Minh Menghor, sinh viên năm hai Trường Đại học Kinh tế Quốc tế ở Phnom Penh cho biết đây là lần đầu tiên anh tham gia một chương trình như thế với nhiều trải nghiệm đáng nhớ, có thêm nhiều kiến thức về lịch sử của đất nước mình. Menghor chia sẻ: “Mình đã từng nghe, từng biết về chế độ diệt chủng Pol Pot thông qua các tài liệu học tập, nghiên cứu nhưng giờ đây được trực tiếp đến nơi xảy ra sự việc. Như trong điểm đến ở ngày đầu tiên, khi đến thăm khu vực Đồi Pur Chey, nơi thảm sát binh lính chế độ cũ, cũng như được gặp phỏng vấn những người sống sót từ thời kỳ đó. Qua những trải nghiệm trực tiếp của họ, chúng ta có thể tìm hiểu thêm, hiểu biết sâu hơn về chế độ đó”.

Chú thích ảnh
Đoàn khảo sát cùng thầy trò Trường Phổ thông Trung học Hun Sen Promaoy tại Trung tâm hòa giải Veal Veang của DC-Cam tại huyện Veal Veng, tỉnh Pursat. Ảnh: Huỳnh Thảo/PV TTXVN tại Campuchia

Từ tháng 3/2024 đến nay, DC-Cam đã tổ chức 18 chuyến tham quan nghiên cứu bằng tàu hỏa với với hơn 1.000 thanh thiếu niên tham gia. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu nước ngoài được mời tham gia chương trình.

Tiến sĩ Chhang Youk, Giám đốc DC-Cam cho biết, lấy Hà Nội làm điểm khởi đầu, DC-Cam muốn thu hút ngày càng nhiều học giả và nhà giáo dục tham gia các chuyến đi như vậy để họ có thể nghiên cứu và viết về lịch sử của chế độ diệt chủng Pol Pot, để những câu chuyện của các nạn nhân và người sống sót sẽ không bao giờ bị lãng quên. Người đứng đầu DC-Cam nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn tập trung vào những câu chuyện riêng của từng cá nhân vì chúng gắn liền chặt chẽ với nhận thức và sự hòa giải sau cuộc diệt chủng”.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Nga, chuyên gia về lịch sử Việt Nam hiện đại thuộc Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) trả lời phỏng vấn TTXVN trong chuyến khảo sát, nghiên cứu. Ảnh: Quang Anh/PV TTXVN tại Campuchia

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Campuchia bên lề chuyến khảo sát thực địa, Tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Nga, chuyên gia về lịch sử Việt Nam hiện đại tại Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, bày tỏ sự trân trọng của mình đối với cơ hội được tham gia chuyến tham quan nghiên cứu thiết thực và hữu ích này.

Tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Nga nhấn mạnh chuyến khảo sát thực địa do DC-Cam tổ chức mang tính bứt phá về mặt phương pháp nghiên cứu và đối với các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam thì đây là cơ hội học hỏi về cách tiếp cận của DC-Cam.

Chia sẻ quan điểm của người đứng đầu DC-Cam, Tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Nga cho biết khi tham quan trụ sở DC-Cam, đoàn chuyên gia lịch sử Việt Nam nhận thấy cách Campuchia nghiên cứu về lịch sử gắn liền với câu chuyện của mỗi con người, mang tính “đời”, có tính xã hội học và tính nhân học.

Bà Hoàng Thị Hồng Nga cho biết chuyến đi thực địa lần này sẽ củng cố niềm tin, động lực cho các nhà nghiên cứu Việt Nam để ngày càng có những hoạt động đổi mới trong phương thức tiếp cận, nghiên cứu trong tương lai. Chuyến thực địa cũng mang nhiều “linh hồn” của lịch sử khi giúp các nhà nghiên cứu gặp những con người cụ thể, những câu chuyện dựa trên hồi ức của những nhân chứng lịch sử, qua đó tạo ra độ tin cậy cao trong kết quả nghiên cứu, cũng như trong các bài giảng.

Theo Tiến sĩ sử học Việt Nam, trong quá trình nghiên cứu, với chức năng không chỉ là khoa học, những cuộc khảo sát như vậy không chỉ giúp các nhà nghiên cứu thấu hiểu mà còn có những tư vấn về mặt chính sách, chủ trương đối với Đảng và Nhà nước để ở một khía cạnh nào đó, góp phần nỗ lực vào sự ổn định, hoà bình trong khu vực.

Trên tinh thần đó, Tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Nga bày tỏ kỳ vọng chuyến đi sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác học thuật giữa Việt Nam và Campuchia trong tương lai.

Huỳnh Thảo - Quang Anh (TTXVN)
Dự án tháp Kim Thành: Công trình độc đáo nhất về kiến trúc chùa tháp ở Việt Nam 
Dự án tháp Kim Thành: Công trình độc đáo nhất về kiến trúc chùa tháp ở Việt Nam 

Ngày 18/11, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ khởi công Dự án tháp Kim Thành (thuộc khu Tổ hợp công viên cảnh quan, văn hóa, tâm linh Kim Thành, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN