Ước mơ về "Làng nông nghiệp di sản"
Chúng tôi gặp Đinh Thị Huyền tại Bản Bướt, xã Chiềng Yên, Vân Hồ (Sơn La) trong những ngày mùa thu mát dịu. Nếu không giới thiệu, chắc không mấy ai nhận ra cô gái mặc áo phông, quần bò, tất bật mang nước, đồ uống mời khách lại là nữ giám đốc của một doanh nghiệp. Ở đây, mọi người vẫn hay gọi cô là giám đốc “chân đất”, bởi hiếm khi Huyền xuất hiện trong những bộ vest hay váy đầm sang trọng, khi thì cô là người nông dân nhổ cỏ, trồng lúa, có khi lại là nhân viên chạy bàn, shipper…
Ngồi dưới chân nhà sàn cộng đồng - Agritage Hill, Đinh Thị Huyền chia sẻ về giấc mơ xây dựng “làng nông nghiệp di sản” của mình. Sinh ra và lớn lên tại Hòa Bình, từ nhỏ lớn lên gắn bó với bản làng, lại được học trong trường dân tộc nội trú của tỉnh - nơi tập trung rất nhiều các bạn đến từ nhiều dân tộc khác, Đinh Thị Huyền nhận thấy bản thân mình và nhiều bạn khác đều có một điều gì đó “tự ti”.
“Tôi và không ít bạn có suy nghĩ hoài nghi, liệu mình là dân tộc thiểu số thì có phải là kém cỏi và bản thân mình cần làm gì để phát triển dựa trên sự khác biệt văn hoá của các dân tộc thiểu số?”, Đinh Thị Huyền kể.
Nuôi khát vọng khẳng định bản thân và mang giá trị cho cộng đồng của mình, Đinh Thị Huyền đã nỗ lực học đại học và tham gia chương trình đào tạo của Đại sứ quán Mỹ. Trong quá trình học, cô đã được tiếp xúc với nhiều phụ nữ khởi nghiệp, hiểu cách vận hành kinh tế, doanh nghiệp…
Sau khi kết thúc khoá học, được hỏi muốn làm gì khi trở lại Việt Nam, Đinh Thị Huyền đã không ngần ngại trả lời, cô muốn quay lại Việt Nam, áp dụng những điều đã học hỏi được về vai trò của phụ nữ và mô hình kinh tế nhỏ do phụ nữ làm chủ để giúp cho phụ nữ dân tộc thiểu số có thể tự chủ, xây dựng được nền tảng kinh tế cho mình, đóng góp cho cộng đồng, quê hương. Huyền đã lựa chọn cách sử dụng sự khác biệt văn hoá để giúp cộng đồng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, từ đó, cô quyết định thành lập Công ty Đầu tư và Phát triển Tây Bắc - Agritage Việt Nam (Hòa Bình) với tầm nhìn xây dựng và nhân rộng hệ sinh thái nông nghiệp di sản Việt Nam.
“Động lực lớn nhất để tôi phát triển doanh nghiệp xã hội này là mong muốn nhìn thấy cộng đồng dân tộc có việc làm ở ngay tại địa phương và tự tin vào văn hoá của mình. Sau khi khảo sát và tham khảo mô hình quốc tế, chúng tôi nhận thấy tổ chức FAO có mô hình di sản trong nông nghiệp rất phù hợp để có thể xây dựng tại Việt Nam”, Đinh Thị Huyền chia sẻ.
Thông qua Agritage Việt Nam - “Làng nông nghiệp di sản” được triển khai với mô hình phát triển các cộng đồng kết nối thành hệ sinh thái từ sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp đến triển khai hoạt động du lịch.
Đổi thay từng ngày ở Bản Bướt
Cạnh Quốc lộ 6, trục đường chính đi lên Tây Bắc Việt Nam, có một vùng đất nằm trong lòng núi cao và rừng già, nơi đây được đồng bào dân tộc thiểu số người Thái, người Mường chọn làm nơi định cư lâu đời, gọi là bản Bướt. Cái tên Bướt là âm đọc trại của Ướt bởi cả bản được bao quanh bởi dòng suối trong vắt chảy về từ rừng thượng nguồn.
Đến bản Bướt mới thấy được nơi đây vẫn giữ được nguyên vẻ mộc mạc của bản làng xưa kia cùng những khung cảnh trùng điệp của cây rừng, các thảm thực vật, hệ thống hang động nguyên sơ. Đây là nơi sinh sống của cư dân Thái với văn hoá thung lũng đặc trưng với những ngôi nhà sàn nhỏ được bao quanh bởi rừng già và dòng suối tươi mát. Trải qua nhiều thế hệ, người dân ở bản Bướt vẫn cùng nhau giữ gìn suối cá tự nhiên và rừng già. Những người dân tại bản đã có hương ước bảo vệ dòng suối, không được đánh bắt cá và bảo vệ rừng.
Từ năm 2019, Trung tâm hợp tác phát triển Tây Bắc và Trung tâm Nghiên cứu Nông Lâm miền núi ADC, dưới sự tài trợ của chương trình Great, Đại sứ quán Úc đã triển khai dự án: “Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển hệ thống thị trường gạo đặc sản tỉnh Sơn La”. Bản Bướt được lựa chọn để phát triển mô hình làng nông nghiệp di sản, nơi người nông dân, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cùng cam kết thực hành nông nghiệp hữu cơ và phát triển du lịch sinh thái để có sinh kế bền vững và giới thiệu, lan tỏa với bạn bè trong nước, quốc tế về văn hóa, thiên nhiên, con người vùng cao Tây Bắc.
Ở Làng nông nghiệp di sản - Vân Hồ Agritage, bà con nông dân đang thực hành 5 tiêu chí quan trọng cấu thành nên một điểm di sản nông nghiệp, theo quan điểm của Tổ chức FAO Quốc tế, đó là: Sinh kế bền vững và an ninh lương thực, Đa dạng sinh học trong nông nghiệp; Hệ thống tri thức bản địa trong canh tác nông nghiệp được khôi phục và lưu giữ; Hệ thống giá trị văn hoá và tổ chức cộng đồng; Hệ thống cảnh quan đặc trưng.
Agritade và cộng đồng đã khôi phục, ứng dụng các kinh nghiệm, tri thức nông nghiệp bản địa, kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ trong canh tác nông nghiệp như canh tác thuận theo tự nhiên, khôi phục cóng nước, mương dẫn nước của đồng bào người Thái, Mường… Từ đó, đảm bảo có đủ lương thực cho gia đình và cộng đồng, người dân tại đây cũng có được việc làm, tạo thu nhập thông qua các hoạt động sản xuất và kinh doanh nông sản của làng.
“Tại làng nông nghiệp di sản, các yếu tố văn hoá cộng đồng được người dân cùng nhau lưu giữ. Chúng tôi phát triển du lịch cộng đồng để người dân vừa có việc làm, tạo thu nhập, vừa tự hào về nguồn cội. Tôn trọng các cấu trúc cộng đồng hiện có và quyền tự chủ cao nhất của cộng đồng bằng cách thành lập các Hợp tác xã cộng đồng với sự tham gia điều hành của dân làng. Hợp tác xã cộng đồng sẽ là tổ chức đại diện cho quyền lợi của dân làng, đứng ra hợp tác với các đối tác khác nhau nhằm tạo cơ hội phát triển cho cư dân làng nông nghiệp di sản. Từ đó, sinh kế của cư dân được đảm bảo đồng thời hệ thống sinh thái địa phương (từ rừng già, suối cá, hang động) cũng được bảo tồn nguyên trạng”, Đinh Thị Huyền cho hay.
Chia sẻ về những khó khăn trong lập làng di sản, cô gái người Mường Đinh Thị Huyền vẫn nhớ như in những ngày đầu đến gõ cửa từng nhà, cùng chính quyền địa phương giải thích, thuyết phục người dân tham gia. Cùng với đó, quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ cũng gặp không ít khó khăn, những ngày đầu cũng gặp tình trạng mất mùa, sâu bệnh… Ngay cả việc đào tạo cho phụ nữ bản địa cách nấu ăn, đón tiếp khách du lịch… cũng cần sự quyết tâm rất lớn.
“Mất khoảng 2 năm, trải qua nhiều khoá đào tạo, thuyết phục người dân, đến nay chúng tôi mới tự tin đón khách mà không cần sự tham gia đồng hành của Agritade mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn”, Đinh Thị Huyền nhớ lại.
Dẫn chúng tôi đi tham quan bản Bướt với tư cách là hướng dẫn viên du lịch, chị Hà Thị Hiếm chia sẻ, trước đây cuộc sống của người dân tại bản chủ yếu là tự cung tự cấp, muốn kiếm được tiền thì phải ra ngoài kiếm việc, đời sống người dân khá cơ cực. Thế nhưng, từ khi bản Bướt có sự đồng hành của Agritage Việt Nam xây dựng làng nông nghiệp di sản thì cuộc sống của người dân đã hoàn toàn thay đổi.
“Chị em phụ nữ tại bản được đào tạo theo từng nhóm công việc, từ chỗ nhiều người chưa từng ra khỏi bản làng, chưa biết đến làm du lịch, đón khách như thế nào, giờ đây chúng tôi đã biết nấu nhiều món ăn, làm du lịch. Đặc biệt, từ khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ đã giúp giảm chi phí đầu vào, đầu ra bán được giá hơn, đời sống bà con được nâng cao, môi trường quanh bản cũng được xanh sạch đẹp hơn trước. Từ chỗ không có đầu ra cho nông sản thì nay chúng tôi có thể bán nông sản cho khách du lịch, hợp tác xã, thu nhập ổn định từ 2 - 3 triệu/tháng, chị em phụ nữ thu nhập từ 2 - 5 triệu/tháng tuỳ thời gian đông hay ít khách du lịch ”, chị Hà Thị Hiếm cho hay.
Hiện nay làng nông nghiệp di sản Vân Hồ đang canh tác lúa đặc sản tẻ râu, lúa nếp nương, các loại hạt bản địa như lạc đỏ, đậu đen lòng xanh và hoa màu khác nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bản và bán nông sản tạo sinh kế và thu nhập. Dân bản đã thành lập Hợp tác xã Đồng Rừng Vân Hồ và phát triển thương hiệu nông sản Đồng Rừng với hai dòng sản phẩm đặc trưng là gạo tẻ râu Đồng Rừng và hạt bản địa Đồng Rừng.
Với mô hình Làng nông nghiệp di sản đầu tiên tại Việt Nam, cuộc sống của người dân bản Bướt đã thay đổi từng ngày, ngoài thu nhập từ bán nông sản, làm du lịch, cuối năm người dân sẽ được thu lợi nhuận từ phát triển du lịch. Năm 2022, doanh thu của hợp tác xã là 1 tỷ đồng, 58 hộ gia đình tham gia sản xuất nông nghiệp, du lịch… được chia cổ phần 15 triệu và đóng góp cho cộng đồng thôn bản 11 triệu đồng để cải tạo, phát triển thôn bản.
Chia sẻ về mục tiêu thời gian tới, chị Đinh Thị Huyền cho biết, Agritade sẽ cùng người dân đẩy mạnh hoạt động du lịch, chế biến nông sản sâu, xây dựng thương hiệu nông sản quà tặng vùng núi như sản phẩm mứt mận, chè lam, kẹo lạc, sữa hạt, tinh dầu… để tăng thu nhập cho người dân.
“Từ mô hình làng nông nghiệp di sản đầu tiên ở bản Bướt, thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển, xây dựng thêm các làng nông nghiệp di sản ở một số nơi khác đáp ứng các tiêu chí, để đồng hành cùng người dân tộc phát triển kinh tế từ chính những nét đặc sắc văn hoá của mình”, giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Tây Bắc - Agritage Việt Nam (Hòa Bình) Đinh Thị Huyền khẳng định.