Xử lý nghiêm hành vi xuất bản, in lậu

Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 16/2009/TTLT-BTTTT-BCA ngày 12/5/2009 giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an về phối hợp phòng, chống in lậu được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên ngày 19/8 với sự tham dự của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

Theo đánh giá của Bộ Thông tin Truyền thông, hoạt động xuất bản, in, phát hành trong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ. Trung bình mỗi năm tăng trưởng về xuất bản trên 10%, hàng năm phát hành trên 200 triệu bản sách. Nhiều tác phẩm có giá trị được ra đời nhờ vào phương thức góp vốn và liên doanh về in, phát hành. Mạng lưới phát hành, xuất bản phát triển rộng khắp với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động in lậu diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp, nh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, gây thiệt hại lớn tới kinh tế cho các nhà xuất bản.


Trước thực trạng đó, các cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều biện pháp đấu tranh ngăn chặn in lậu. Nhiều Nhà xuất bản cũng có những giải pháp để tự bảo vệ mình như dùng tem chống giả, tổ chức quản lý tốt hơn việc xuất bản. Ở Trung ương đã thành lập đoàn liên ngành chống in lậu. Các đoàn này đã kiểm tra 133 cơ sở in, phát hành, Nhà xuất bản; xử phạt vi phạm hành chính 33 tổ chức cá nhân với số tiền gần 300 triệu đồng.


Tuy nhiên, do lực lượng rất mỏng, thường xuyên có sự thay đổi, lại thiếu về kinh nghiệm nên hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa được thường xuyên, chặt chẽ và đồng bộ. Việc xử lý vi phạm cũng chưa có sự thống nhất tại các địa phương. Mới có 32 tỉnh, thành phố thành lập đội liên ngành phòng chống in lậu.

 

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, nhà xuất bản cho rằng, hiện nay tình trạng in lậu vẫn diễn ra phổ biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất chân chính và thất thoát nguồn thu cho nhà nước. Nguyên nhân của thực trạng này là do các chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa mang tính răn đe… Các đại biểu đề nghị Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Công an cần xem xét các quy định xử phạt nghiêm khắc, từ đó nâng cao hiệu quả phòng, chống in lậu.

 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã ghi nhận và tiếp thu các kiến nghị của các đại biểu, đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức của Đoàn liên ngành và Đội liên ngành, thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng từ Trung ương tới địa phương và giữa các tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong xuất bản, in, phát hành; kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về lĩnh vực xuất bản, in, phát hành phù hợp với tình hình thực tiễn; quản lý chặt việc nhập khẩu các thiết bị in đặc biệt là các thiết bị đã qua sử dụng; xử lý nghiêm giám đốc các nhà xuất bản, phát hành, các cơ sở in để xảy ra vi phạm; khuyến khích việc sử dụng tem chống hàng giả; các Bộ, ngành liên quan tăng cường cung cấp thông tin, cùng tham gia xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả phòng chống in lậu.

 

Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại Công ty điện tử Samsung Thái Nguyên có trụ sở tại Khu công nghiệp Yên Bình. Tại đây, đồng chí Bộ trưởng đã đánh giá cao tiến độ xây dựng và quá trình vận hành của Công ty Điện tử Samsung Thái Nguyên, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo Công ty đối với việc đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, môi trường làm việc, sinh hoạt cho công nhân.

 

Lan Anh

Nan giải vấn nạn in lậu và sách giả
Nan giải vấn nạn in lậu và sách giả

Trên địa bàn Hà Nội, đã từ lâu, sách lậu, sách giả được bày bán công khai trên nhiều tuyến phố: Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Phạm Văn Đồng,...với giá chiết khấu lớn (tới 40%) so với giá bìa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN