Xét xử vụ án bán đất 'trên giấy', chiếm đoạt hơn 162 tỷ đồng

Ngày 16/10, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã mở phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ xây dựng đầu tư & phát triển địa ốc Bình Dương City land (Công ty Bình Dương City Land) bán đất "trên giấy" với hơn 500 bị hại.

Khoảng hơn 300 bị hại đã đến tham dự phiên tòa, số còn lại có đơn xin vắng mặt. Do số bị hại quá đông, Tòa án phải sắp xếp một phòng riêng để mọi người theo dõi trực tuyến. Dự kiến phiên tòa diễn 5 trong ngày.

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên tòa. 

5 bị cáo bị truy tố gồm: Nguyễn Thanh Hùng (sinh năm 1994), Hoàng Anh Vui (sinh năm 1994), Lê Văn Công (sinh năm 1977), Nguyễn Anh Khoa (sinh năm 1991) và Châu Lê Minh Vẹn (sinh năm 1987). Trong đó, Hùng là người đứng đầu Công ty Bình Dương City Land, các bị cáo còn lại là người góp cổ phần để thành lập và giữ các vị trí quan trọng trong Công ty này.

Vụ án được cơ quan điều tra khởi tố vào tháng 2/2020 với số tiền lừa đảo lên đến hơn 162 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 8/2022, vụ án lần đầu được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung do trong cáo trạng có nhiều bị hại bị trùng nhau. Đến ngày 21/7/2023, sau thời gian điều tra bổ sung, vụ án tiếp tục được đưa ra xét xử nhưng tại phiên tòa lần này, do vắng mặt nhiều bị hại và người liên quan nên đã tạm hoãn. Tiếp đó, ngày 18/8/2023, phiên tòa tiếp tục bị hoãn do hai bị cáo đang giam giữ tại trại giam thuộc Bộ Công an chưa kịp trích xuất đưa về Bình Dương để tham dự.

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên tòa. 

Theo cáo trạng, Hùng và các đồng phạm đã tự phân lô sáu khu đất nông nghiệp và tự đặt tên thành sáu dự án gồm: Khu dân cư Happy Home (sau đó đổi tên là Khu nhà ở Thành Công 1); Khu dân cư Happy Home 2; Khu dân cư Green City 1 (sau đó đổi tên là Khu nhà ở Phúc Long 1); Khu dân cư Green City 2 (sau đó đổi tên là Khu nhà ở Phúc Long 2); Khu dân cư Green City 3 (sau đó đổi tên là Khu nhà ở Phúc Long 2); Khu dân cư Phúc Long City (sau đó đổi tên là Khu nhà ở Thành Công 2).

Từ tháng 5/2018 đến tháng 11/2019, 5 bị cáo đã thành lập công ty, mua thửa đất có mục đích sử dụng là đất nông nghiệp, tự làm dự án xin phép các cơ quan có thẩm quyền cấp phép làm dự án đất ở, nhà ở nhưng không được chấp thuận. Các bị cáo thuê hàng trăm nhân viên lập ra nhiều phòng kinh doanh khác nhau và tổ chức huấn luyện nhân viên kinh doanh để tìm kiếm khách hàng. Tiếp đó, nhóm này đã tung tin về các dự án như: đã được cấp phép, các lô đất có đầy đủ pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng; đồng thời tự vẽ sơ đồ phân lô, làm ra các pa nô, tờ rơi quảng cáo, giao bán trên mạng.

Chú thích ảnh
Hàng trăm người bị hại tới phiên tòa xét xử. 

Khi tổ chức các buổi bán hàng, nhóm này đã thuê máy móc, san lấp bề mặt để khách hàng tin tưởng đặt cọc tiền.

Năm 2020, hàng trăm bị hại đã tố cáo hành vi lừa đảo của các đối tượng này. Sau đó, Cơ quan điều tra (Công an tỉnh Bình Dương) đã điều tra và khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Năm bị cáo đã khắc phục trả lại một phần tiền chiếm đoạt cho 176 bị hại với tổng số tiền là hơn 18 tỷ đồng. Số tiền còn lại chưa khắc phục trả lại cho 384 bị hại là hơn 144 tỷ đồng.

Tin, ảnh: Huyền Trang (TTXVN)
Bình Phước: Ngăn chặn cầm cố, bán đất canh tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Bình Phước: Ngăn chặn cầm cố, bán đất canh tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trước tình trạng một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn “sập bẫy” “tín dụng đen”, cầm cố đất, bán điều non, vay tiền với lãi suất cao, tỉnh Bình Phước liên tục triển khai các biện pháp ngăn chặn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN