Trước kia xã Bình Lư thuộc huyện Phong Thổ, chợ Bình Lư phục vụ cho 5 xã cận kề. Năm 2002, khi chia tách và thành lập huyện Tam Đường thì chợ Bình Lư trở thành chợ huyện. Chợ Bình Lư với quy mô cấp xã, nay trở thành chợ huyện thì nhu cầu kinh doanh, mua bán sẽ lớn hơn.
Chợ Tam Đường mới khang trang, kiên cố, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho người dân. |
Đồng thời, từ thời điểm nâng cấp chợ cho đến nay đã được 20 năm, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, khuôn viên chợ hẹp. Để đảm bảo quyền lợi và cơ hội buôn bán phục vụ cho gần 5 vạn dân của huyện thì việc xây mới chợ Tam Đường, loại bỏ chợ Bình Lư là đúng. Trước chủ trương trên, đại đa số người dân ủng hộ nhưng 44 hộ có đất, ki ốt ở lại giữ chợ cũ, không chấp thuận.
Xây chợ mới, mang lại quyền lợi cho dân
Người kinh doanh đều có chung một mong muốn là có chỗ để buôn bán, vị trí ấy phải đảm bảo an toàn về người và tài sản như: Kiên cố, rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ, an ninh trật tự… Người đi chợ mua hàng cũng muốn chợ đa dạng hàng hóa, giá cả hợp lý, không chen lấn xô đẩy. Như vậy, việc xây chợ mới Tam Đường và chuyển các hộ kinh doanh ở chợ cũ lên chợ mới là hợp lý, mang lại lợi ích chung cho cả người bán, người mua. Chợ cũ chỉ có diện tích 2.000 m2 còn chợ Tam Đường mới là 5.000 m2, được đầu tư kiên cố, phân chia khu vực buôn bán rõ ràng, có nhiều thuận lợi và đảm bảo các yếu tố của chợ, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho mọi người.
Ông Nguyễn Tiến Tăng, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường khẳng định: Xây chợ mới Tam Đường là chủ trương đúng, hợp lòng dân, không phải dễ gì mà chính quyền lại bỏ công sức, tiền của để vận động, đền bù và tái định cư cho 23 hộ dân ở vị trí xây chợ. Tỉnh đã trích ngân sách hơn 20 tỷ đồng để đầu tư cho công trình này. Nhà nước đều vì lợi ích của dân, vì sự phát triển bộ mặt đô thị của huyện. Ngoài những quyền lợi ban đầu mà các hộ dân được hưởng, UBND tỉnh Lai Châu còn có quyết định chuyển từ hình thức bán đấu giá các lô đất quanh chợ (F8, F9, F12) thành cấp đất có thu tiền cho các tiểu thương, ki ốt kinh doanh quanh chợ và dọc đường 4D. Việc cấp đất có thu tiền, giúp người dân đang buôn bán ở chợ có nhu cầu mua đất với giá thấp, vì không phải cạnh tranh đấu giá. Sau cuộc họp ngày 7/12/2012 của UBND thị trấn với các hộ kinh doanh ở chợ Bình Lư đăng ký mua đất và đã có 17 đơn nộp và tiến hành bốc thăm sở hữu các lô đất theo quy định…
Việc chính quyền loại bỏ chức năng kinh doanh chợ Bình Lư, thu hồi đất của Nhà nước để dùng vào mục đích xây nhà văn hóa của bản Trung Tâm và Câu lạc bộ Người cao tuổi thị trấn là mang lại quyền lợi cho người dân chứ không vì lợi ích của cá nhân hay tổ chức nào. Xét tổng thể thì việc xây dựng chợ Tam Đường và chuyển các hộ dân đang kinh doanh ở chợ Bình Lư lên sẽ mang lại quyền lợi cho nhân dân.
Để bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân có đất, ki ốt quanh chợ, UBND huyện Tam Đường đã làm báo cáo và đề xuất “đất đổi đất” để xin chủ trương của tỉnh. Ngày 15/1/2013, UBND tỉnh đã có Văn bản số 52 cho phép UBND huyện Tam Đường thực hiện tháo gỡ khó khăn vướng mắc: Triển khai thực hiện thu hồi toàn bộ diện tích đất ki ốt kinh doanh của các hộ có đủ giấy tờ hợp pháp trong khuôn viên chợ Bình Lư. Đối với các hộ dân có ki ốt kinh doanh trong khuôn viên chợ Bình Lư khi chuyển sang kinh doanh ở chợ mới Tam Đường áp dụng hình thức đất đổi đất và tính toán phần chênh lệch giá theo vị trí để bồi thường.
Cần sự đồng thuận của dân
Ngày 8/3/2013, các hộ gia đình đang ở lại chợ Bình Lư đã nghe loa phát thanh của thị trấn thông báo Nhà nước đưa ra chủ trương “đất đổi đất”. Người dân cho rằng: Nếu ngay từ đầu chính quyền tiến hành xây chợ mới, chuyển chợ cũ mà họp bàn công khai và đưa ra chủ trương đất đổi đất thì chúng tôi sẽ đồng ý, nhưng bây giờ mới đưa ra thì sao mà dân bằng lòng. Mặt khác, đất chúng tôi ở chợ cũ là đất liền kề, tức là đất kinh doanh, chuyển lên bốc thăm các lô đất (F8, F9, F12) cạnh chợ là dãy đất ở, ngăn cách bởi một con đường vành đai chợ, nếu sau này xây rào chắn để bảo vệ chợ thì dân sao buôn bán được?
Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Tăng, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Sau khi có Quyết định số 56 ngày 14/8/2004 của tỉnh phê duyệt quy hoạch chung Trung tâm huyện lỵ huyện Tam Đường tại Bình Lư, UBND huyện Tam Đường đã tổ chức công bố quy hoạch tại UBND thị trấn cho nhân dân được biết và đã niêm yết công khai tại trụ sở UBND thị trấn. Tháng 10/2010 UBND tỉnh Lai Châu có Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu thương mại thị trấn Tam Đường, UBND huyện cũng công khai quy mô tổng thể công trình tại vị trí xây dựng. Chợ mới Tam Đường hoàn thành đưa vào sử dụng, UBND huyện có chủ trương, kế hoạch chuyển chợ. Chiều ngày 17/9/2012, thị trấn Tam Đường đã tiến hành họp và thông báo chủ trương, kế hoạch chuyển chợ cũ của huyện lên địa điểm mới tới các hộ kinh doanh và nhân dân. Kế hoạch chuyển chợ đã được thông báo thường xuyên trên loa phóng thanh của Thị trấn để người dân được biết. Đến ngày 25/10/2012, có tổng 216 hộ kinh doanh làm đơn đăng ký lên chợ mới và đã tiến hành họp bốc thăm gian hàng, trong đó có cả 44 hộ hiện nay không chịu chuyển. Chính quyền huyện cũng đã trích ra 55 triệu đồng để hỗ trợ cho các hộ kinh doanh vận chuyển hàng hóa lên chợ mới. Như vậy, người dân cho rằng xây chợ mới, chuyển người dân kinh doanh lên chợ mới không được họp bàn, không có văn bản thông báo và không thống nhất với dân là không đúng…
Tiếp xúc với đại diện của 44 hộ có ki ốt đang ở lại chợ cũ, tất cả đều thống nhất ý kiến muốn giữ lại chợ cũ như chợ xép để buôn bán. Về việc này ông Nguyễn Tiến Tăng cho biết: Quan điểm của tỉnh, huyện không thay đổi vẫn thực hiện đúng quy hoạch và các quyết định của các cấp có thẩm quyền. Chính quyền không ép các tiểu thương phải chuyển lên chợ mới, cũng không cấm mọi người kinh doanh; UBND huyện chỉ thanh lý tài sản và thu hồi đất trong khuôn viên chợ cũ để sử dụng vào mục đích công… Vấn đề ở đây là người dân cho rằng, các lô đất mà chính quyền tiến hành đổi cho dân không thể kinh doanh được mà chỉ là đất ở nên không đồng ý. Thực tế, mỗi hộ dân có đất, ki ốt ở chợ cũ đã được bốc thăm một gian hàng trong chợ mới để kinh doanh thì việc đổi để lấy đất ở là hợp lý, lô đất này quanh vành đai chợ cũng có thể buôn bán được.
Một số tiểu thương có đất, ki ốt quanh chợ vẫn không đồng thuận và cho rằng chưa thỏa đáng. Tuy nhiên, đại đa số bà con ở huyện Tam Đường đều mong muốn các hộ dân có đất, ki ốt ở chợ cũ hãy vì tương lai con em, vì sự phát triển của huyện nhà để sớm đồng thuận, ủng hộ chủ trương của Nhà nước, “vừa lợi nước, lại lợi nhà”…
Bài và ảnh: Việt Hoàng