Vết trượt dài của nữ giáo viên miền núi Nghệ An

Do tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp dẫn đến thua lỗ, Vi Thị Hoa (trú huyện Anh Sơn, Nghệ An) đã “nổ” có thân quen với các lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện, Bộ Công an để lừa nhận tiền chạy việc chiếm đoạt gần 1,5 tỷ đồng.

Vi Thị Hoa (SN 1972, trú tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) nguyên là giáo viên Trường THCS Đỉnh Sơn. Thay vì trau dồi chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ sự phạm, Vi Thị Hoa lại dấn thân vào khát vọng làm giàu. Đó là năm 2012, thời điểm cơn lốc bán hàng đa cấp tràn về huyện miền núi Anh Sơn.

Khi chiêu thức bán hàng đa cấp đi vào thoái trào thì cũng là lúc Hoa vỡ nợ do ôm một lượng hàng lớn và “cấp trên” thì cao chạy xa bay mất hút.

Túng làm liều, Hoa nảy ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm bù lại số tiền dốc vào đa cấp. Vi Thị Hoa tự giới thiệu quen biết Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, quen vợ Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, quen Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An và Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An để lừa các gia đình có con em đang có nhu cầu xin việc làm.

Hoa “nổ” có thể chạy việc vào dạy, làm y tế tại các trường học trên địa bàn, chạy vào các trường công an. Tưởng thật, nhiều người dân vay mượn tiền bạc đưa cho Hoa nhờ chạy việc.

Chú thích ảnh
Vi Thị Hoa tại phiên tòa. Ảnh: Như Bình

Với thủ đoạn này, Vi Thị Hoa chiếm đoạt của bà Vi Thị L. (trú tại xã Lục Dạ, Con Cuông) 163 triệu đồng, ông Ngô Đức H. (trú tại xã Quỳnh Lập, TX. Hoàng Mai) 100 triệu đồng, anh Nguyễn Văn T. (trú tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai) 170 triệu đồng, bà Vi Thị T. 30 triệu đồng, bà Vi Thị N. (cùng trú tại xã Lục Dạ, huyện Con Cuông) 60 triệu đồng, anh Trương Tất T. (trú tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp) 160 triệu đồng, anh Lương Văn M. và ông Lô Thanh V.(trú tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương) 160 triệu đồng, ông Lương Xuân T. (trú tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương) 180 triệu đồng…

Đặc biệt, Hoa còn “nổ” có quen biết với người ngoài Bộ Công an có thể xin vào biên chế của ngành để lừa đảo anh Trần Kim An (trú tại xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương) số tiền 350 triệu đồng.

Sau khi chiếm đoạt số tiền trên, Hoa dùng để trả nợ vay trước đó khi mua hàng đa cấp và tiêu xài cá nhân rồi vứt hồ sơ xin việc của các bị hại xuống sông Lam để tiêu hủy.

Không thấy Vi Thị Hoa thực hiện như cam kết, người dân nhiều lần hối thúc không được nên đòi lại tiền nhưng Hoa không trả. Nhận thấy mình bị lừa, các nạn nhân đã tố cáo hành vi của Vi Thị Hoa đến cơ quan công an.

Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Vi Thị Hoa, và ngày 26/9/2017, nhận thấy Vi Thị Hoa có dấu hiệu bỏ trốn, Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam nữ giáo viên này để phục vụ điều tra.

Cơ quan chức năng xác định, Vi Thị Hoa đã lừa đảo chiếm đoạt của các bị hại số tiền gần 2 tỷ đồng. Sau khi sự việc bị phát giác, Hoa khắc phục, trả được 500 triệu đồng cho các nạn nhân. Với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Vi Thị Hoa bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 14 năm tù, buộc phải bồi thường gần 1,5 tỷ đồng đã chiếm đoạt của các nạn nhân.

Không đồng ý với mức án đó, các bị hại đã có đơn kháng cáo, đề nghị tăng hình phạt đối với Vi Thị Hoa. “Vì tin tưởng Hoa nên tôi vay mượn để nhờ xin việc cho con. Không xin được việc, Hoa vứt hồ sơ, không chịu trả tiền lại. Bản thân tôi mắc bệnh hiểm nghèo, giờ phải vay tiền để chạy chữa. Biết Hoa được trả một khoản tiền bảo hiểm, tôi đến năn nỉ cô ta trả cho tôi 1 phần để đi chữa bệnh nhưng Hoa bảo đây là tiền xương máu của cô ta nên nhất quyết không trả. Nếu không chịu trả lại tiền cho chúng tôi, chúng tôi mong muốn tòa án nâng mức án đối với bị cáo Hoa”, một nạn nhân của Hoa bức xúc.

Tuy nhiên, HĐXX nhận định cấp sơ thẩm đã xem xét toàn diện vụ án, tại phiên xử, các bị hại không đưa ra được các tình tiết mới nên không có căn cứ để xem xét tăng hình phạt. HĐXX phúc thẩm tuyên bác kháng cáo, y án sơ thẩm 14 năm tù đối với Vi Thị Hoa.

Theo Báo Nghệ An
Rà soát, xử lý các lớp dạy ‘làm giàu’ lừa đảo
Rà soát, xử lý các lớp dạy ‘làm giàu’ lừa đảo

Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) vừa có văn bản gửi các Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về tăng cường rà soát, xử lý các khóa học "làm giàu" để lừa đảo. Nạn nhân chủ yếu là những người trẻ, người thất nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN