Theo cáo trạng, từ năm 2014 - 2018, dù không có chức năng, khả năng nhưng Nguyễn Ngọc Hải vẫn giới thiệu bản thân có thể xin việc vào ngành Công an, chuyển từ nghĩa vụ sang chuyên nghiệp cho người quen để họ tin tưởng, đưa tiền cho Hải xin việc. Tổng cộng, Hải đã lừa đảo 4 người, chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng.
Trong số các bị hại có anh Lê Văn T (sinh viên hệ dân sự Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy) có nguyện vọng được công tác trong ngành Công an nên đã đến gặp Hải nhờ xin vào công tác tại Công an tỉnh Bắc Ninh. Hải đồng ý và đưa ra mức “chi phí” xin việc là 800 triệu đồng, yêu cầu anh T đưa trước 500 triệu đồng, cam kết đến tháng 2/2018 sẽ có quyết định tạm tuyển, khi đó anh T sẽ phải thanh toán nốt 300 triệu đồng còn lại.
Tin tưởng Hải là giảng viên dạy tại Trưởng Đại học Phòng cháy, chữa cháy, anh T đã đưa 500 triệu đồng cho Hải. Tuy nhiên, hết thời hạn cam kết, Hải vẫn không xin được việc như thỏa thuận và cũng không trả lại tiền cho anh T.
Một trường hợp khác, năm 2015, bà Vũ Thị T (sinh năm 1960, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con trai là anh Nguyễn Sỹ C (sinh năm 1993) đi nghĩa vụ công an phòng cháy, chữa cháy, thuộc Công an thành phố Hà Nội. Qua mối quan hệ quen biết, bà T có thông tin về việc Hải có khả năng xin việc vào ngành Công an. Bà T đã nhờ Hải xin cho anh C được ở lại biên chế trong ngành Công an. Hải đồng ý giúp, hứa xin cho C được ở lại và đi học trung cấp trong năm 2017 với “chi phí” là 500 triệu đồng. Bà T đã đưa cho Hải khoản tiền này.
Đến đầu tháng 2/2018, thấy anh C ra quân nhưng vẫn chưa được vào ngành, bà T đã gọi điện cho Hải nhưng Hải vẫn hứa hẹn đang lo thủ tục. Bốn tháng sau, Hải tiếp tục đưa ra thông tin hiện có 1 suất cho anh C vào Cảnh sát cơ động và yêu cầu gia đình bà T chuyển thêm cho Hải 300 triệu đồng. Bà T tiếp tục chuyển thêm 300 triệu đồng cho Hải. Song, đến tháng 11/2018, anh C vẫn không được vào ngành Công an như Hải hứa hẹn. Sau nhiều lần Hải khất lần, không trả lại khoản tiền 800 triệu đồng nói trên, bà T đã làm đơn tố cáo Hải ra cơ quan công an...