Đòi nợ thuê để hưởng hoa hồng từ 4 - 35%/hợp đồng
Theo ông Bùi Đức Tài, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an vừa mở đợt tấn công trấn áp tội phạm “tín dụng đen”, qua đấu tranh triệt phá, cơ quan Công an phát hiện một đối tượng người nước ngoài gồm: Trung Quốc, Nam Phi, Nga… hoạt động phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”.
“Không ít ngân hàng là đối tượng mà chúng hướng tới, lợi dụng và thực hiện hành vi lừa đảo”, ông Bùi Đức Tài cho biết. Không chỉ vậy, một số đối tượng còn núp bóng doanh nghiệp, công ty luật, công ty tài chính mua lại các khoản nợ xấu, khó đòi, nợ của các ứng dụng cho vay, nợ của các công ty tài chính, ngân hàng để đòi nợ.
Hành vi đòi nợ của những kẻ xấu thể hiện ở 3 cấp độ khác nhau như: Gọi điện đe dọa, chửi bới khách hàng để yêu cầu phải trả tiền; gọi điện đe dọa, kể cả dọa giết người vay, đưa các hình ảnh của người vay lên mạng xã hội để bôi nhọ; ném chất thải vào nhà, có trường hợp mang cả quan tài, can xăng đến nhà người vay vốn để đòi nợ.
Điển hình các vụ việc như: Công an Thành phố (CATP) Hồ Chí Minh vừa triệt phá các băng nhóm núp bóng Công ty Luật TNHH Power Law, Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ, Công ty CP ĐTKD F88 có các bộ phận thu hồi nợ với hàng chục, hàng trăm nhân viên, chuyên gọi điện đe dọa, khủng bố người vay và người thân người vay. Đến nay, lượng chức năng đã khởi tố 64 bị can về cưỡng đoạt tài sản.
“Chúng tôi đã tiếp tục kiểm tra các Công ty TNHH Dịch vụ Galaxy DR, Chi nhánh một số công ty tài chính, nhưng các công ty này đã đối phó, giải thể bộ phận thu hồi nợ, chuyển sang địa bàn khác, chia lẻ các nhân viên hoạt động tại nhà riêng…”, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết.
CATP Hà Nội đã đấu tranh Chuyên án triệt phá băng nhóm núp bóng 7 Công ty CP ĐT Omnia, Công ty TNHH thu hồi nợ CR, Công ty Luật TNHH Kiên Cường; Công ty TNHH Mua bán nợ DSP; Công ty TNHH Mua Bán nợ; Công ty cổ phần dịch vụ (CPDV) tài chính Kiên Long, Công ty CPDV Bắc Án; Công ty CP DV tài chính Nam Á Lữ Gia với 119 nhân viên hoạt động đòi nợ thuê với các bộ phận kế toán, data khách hàng, công nghệ thông tin (IT) - kỹ thuật, thu hồi nợ. Những công ty này yêu cầu mỗi tháng, nhân viên được giao phải thu hồi 300 triệu đồng tiền nợ, nếu 2 tháng liên tiếp không đạt chỉ tiêu sẽ đuổi việc. Từ tháng 7/2018 đến hết 2022, những nhóm người thuộc các công ty trên đã đòi nợ được 571 tỷ đồng, hưởng hoa hồng 485 tỷ đồng. Đến nay đã khởi tố 36 bị can.
“Công an tỉnh Quảng Nam vừa kiểm tra Công ty TNHH Legal Aplus (công ty luật) với khoảng 25 nhân viên thuê luật sư đứng tên đại diện pháp luật, có bộ phận thu hồi nợ, chuyên cắt ghép hình ảnh vu khống; khám xét 2 trụ sở của Công ty tài chính tại TP.Tam Kỳ với 150 nhân viên thu nhiều tài liệu cho vay, đòi nợ”, đại diện Bộ Công An cho biết.
Ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Đề cập về tình trạng cho vay tiêu dùng của tổ chức tín dụng (TCTD), ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết: Hiện có 84 đơn vị cho vay tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính (CTTC). Dư nợ cho vay tiêu dùng là hơn 2,7 triệu tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng: Từ đầu năm đến nay, hoạt động cho vay tiêu dùng gặp nhiều thách thức. Riêng hoạt động kinh doanh của các CTTC do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép bị thua lỗ, nợ xấu có công ty lên đến 20%. Dư nợ cho vay của tài chính tiêu dùng có dư nợ 130.000 tỷ đồng, giảm trên 40% với khoảng 70.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Nguyên nhân khách vay không trả nợ, thậm chí còn kêu gọi nhau bùng nợ, quỵt nợ tràn lan trên mạng xã hội.
Thời gian tới, dự báo sản xuất, kinh doanh, nhu cầu việc làm vẫn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu vay vốn của người dân tăng cao, trong khi chưa đáp ứng các yêu cầu, điều kiện vay vốn của ngân hàng và các TCTD.
Nhiều chuyên gia cho rằng: Một bộ phận người dân vẫn giữ thói quen tiêu dùng, vay vốn qua “tín dụng đen” hoặc để sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Lợi nhuận bất chính từ hoạt động này rất cao so với các hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, trong khi các sơ hở, hạn chế trong quản lý Nhà nước chưa được giải quyết triệt để (nhất là sim rác, tài khoản ngân hàng ảo, hoạt động ẩn danh trên môi trường mạng, việc lộ lọt, sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân…), chế tài xử lý hành vi liên quan tới “tín dung đen” chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, nhận thức và ý thức cảnh giác của một bộ phận người dân vẫn còn chưa cao.
Trước vấn đề này, Cục Cảnh sát hình sự đề nghị VNBA khuyến khích các ngân hàng, TCTD thành viên thực hiện một số nội dung như: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền cho các nhân viên ngân hàng, TCTD trong chấp hành các quy định của pháp luật và ngành ngân hàng; chấp hành nghiêm các quy định về bảo mật dữ liệu, thông tin cá nhân liên quan; rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra điều kiện hoạt động, việc chấp hành các quy định của các ngân hàng, TCTD để chấn chỉnh các hạn chế, sơ hở liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm.
“Phía ngân hàng, các CTTC cần rà soát, khắc phục sơ hở trong quy định, quy trình nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của các bộ phận thu hồi nợ, xử lý nợ xấu. Nghiêm cấm các hành vi ký kết các hợp đồng biến tướng với các doanh nghiệp khác để giải ngân cho vay, mua bán nợ, đòi nợ thuê; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, cần ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia về dân cư và CSDL để xác thực, làm sạch và loại bỏ tài khoản ngân hàng ‘ảo’; hỗ trợ ngành ngân hàng, các TCTD, CTTC chính thống rút ngắn thời gian, thủ tục cấp tín dụng cho người dân góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước nói chung, phòng chống hoạt động ‘tín dụng đen’ nói riêng”, ông Bùi Đức Tài kiến nghị.
Ngoài ra, cần phối hợp, cung cấp các thông tin có liên quan đến các hành vi cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản các hành vi khác có dấu hiệu tội phạm do ngành ngân hàng phát hiện để xử lý.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN:
Dư nợ cho vay nhiều công ty tài chính giảm tới 40%
Thực trạng tín dụng tiêu dùng giảm rất đáng quan tâm. Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng chậm, hiện chỉ 1,53%, nhất là dư nợ cho vay các CTTC giảm tới 40% so với cuối năm ngoái.
Trước đại dịch COVID-19, cho vay tiêu dùng tăng trưởng rất nhanh, giải quyết nhu cầu thiết thực của người dân. Kết quả hoạt động của các công ty tài chính cũng rất tích cực. Điển hình như FE Credit, hiệu quả của cho vay tiêu dùng rất nhân văn khi đáp ứng được nhu cầu đời sống của người dân.
Tuy nhiên, sau đại dịch, tín dụng tiêu dùng giảm rất mạnh. Từ đầu năm 2023 tới nay, do ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế toàn cầu và khó khăn của kinh tế trong nước, hoạt động của các ngân hàng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tính đến hết tháng 9/2023 tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế ở mức thấp 6,92%, trong đó tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng chỉ tăng 1,53% so với cuối năm 2022.
Hoạt động cho vay tiêu dùng đang có vấn đề. Quan hệ cho vay giữa CTTC với nhiều người vay đang không tích cực. Có tình trạng người vay trốn nợ, quỵt nợ. Nếu như tín dụng chính thức giảm bao nhiêu, tín dụng đen sẽ phát triển bấy nhiêu.
Vậy tín dụng tiêu dùng giảm do nhu cầu thực tế nền kinh tế? do nhu cầu đời sống của người dân giảm hay do cách tổ chức thực hiện là ngân hàng cung cấp loại hình này; giảm do cơ chế chính sách chưa đảm bảo được hành lang pháp lý để duy trì, phát triển và mở rộng? Tất cả các vấn đề này cần phải được phân tích, xem xét.
Làm sao để giảm bớt loại hình kinh doanh bất hợp pháp đang nở rộ, lấn át công ty tài chính chính thức; thậm chí có hành lang pháp lý, chế tài thế về thu hồi nợ, chế tài đối với những công ty tài chính không chính thức, trá hình? Đây là vấn đề NHNN rất quan tâm, làm sao duy trì được sự tăng trưởng của TDTD, góp phần nâng cao đời sống người dân, ngăn chặn tín dụng đen, củng cố và tiếp tục nâng cao niềm tin của thị trường – người dân – người vay vốn.