Triệt phá mỏ khai thác vàng trái phép trong rừng phòng hộ 

Một "công trường" khai thác vàng trái phép trong rừng phòng hộ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai) bị lực lượng chức năng triệt phá ngày 24/5.

Chú thích ảnh
Nhiều miệng hầm khai thác cũ và mới còn lại tại hiện trường cho thấy khu vực này đã diễn ra nạn khai thác khoảng sản trong thời gian dài. Ảnh: TTXVN phát

Những hầm vàng được đào sâu vào lòng đất với nhiều ngóc ngách như những địa đạo cho thấy hoạt động khai thác vàng đã diễn ra thời gian dài. Tuy nhiên, đến khi có sự phản ánh của phóng viên, "công trường" khai thác trái phép này mới bị triệt phá.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Đăk Đoa, vị trí xảy ra khai thác khoáng sản trái phép (vàng) tại khoảnh 1, Tiểu khu 416 địa giới hành chính xã Đăk Sơmei thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều hầm, hố thông hơi (cả mới và cũ), hồ có chứa tang vật, phương tiện vi phạm, gồm: 1 cân hiệu “Nhơn Hòa” loại 60kg; 1 cuốc loại cán gỗ dài 95cm; 1 xẻng loại cán gỗ dài 45 cm; 1 cuộn lưới kim loại dài 80cm; 1 thùng sơn nhựa màu trắng kích thước cao 35cm, đường kính 30cm, bên trong đựng 1 sợi dây thừng màu đen dài 08m; 1 máy phát điện hiệu “KABUTO” kích thước 60x43x43cm; 2 xe rùa màu xanh; 4 cuộn dây thép, 1 cuộn dây điện. Vị trí xảy ra khai thác khoáng sản trái phép nằm cách trụ sở Ủy ban nhân dân xã Đăk Sơ Mei khoảng 20km, cách Ủy ban nhân dân xã Hà Đông 10km.

Chú thích ảnh
Nhiều miệng hầm khai thác cũ và mới còn lại tại hiện trường cho thấy khu vực này đã diễn ra nạn khai thác khoảng sản trong thời gian dài. Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Đoa cho biết, qua kiểm tra hiện trường phát hiện, bên cạnh hầm mới đào có dấu hiệu khai thác khoáng sản thì chủ yếu là các hầm cũ từ khá lâu, đã được các lực lượng chức năng của huyện phát hiện, xử lý. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân huyện đã nhiều lần chỉ đạo các lực lượng chức năng tuần tra, truy quét để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, hiểm trở, phải đi bộ qua nhiều khe, đồi nên dễ bị các đối tượng phát hiện, tẩu tán người, công cụ, phương tiện ra khỏi khu vực khai thác trước khi lực lượng chức năng đến hiện trường.

Trước đây, huyện Đăk Đoa đã nghiên cứu phá hủy các đường hầm bằng chất nổ nhưng không hiệu quả. Nguyên nhân do cửa hầm và miệng hầm rộng có độ sâu lớn, cần số lượng thuốc nổ nhiều, địa hình phức tạp không đảm bảo an toàn cho việc hủy nổ các hầm, bên cạnh đó sẽ làm ảnh hưởng đến địa chất, môi trường và hệ sinh thái rừng tại khu vực này.

Chú thích ảnh
Khu vực khai thác khoáng sản trái phép (vàng) xảy ra trong khu vực rừng phòng hộ Đăk Đoa. Ảnh: TTXVN phát

Theo ông Bùi Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Đoa, để xử lý triệt để, Ủy ban nhân dân huyện đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chỉ đạo và hỗ trợ huyện để có phương án xem xét san lấp, đánh sập các miệng hầm khai thác vàng. Ngoài ra, huyện đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý các diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao quản lý. Đơn vị cũng phải tăng cường lực lượng phối hợp với các lực lượng của xã, Hạt Kiểm lâm trong công tác tuần tra, kiểm soát quản lý bảo vệ rừng và quản lý khoáng sản tại khu vực này... Ủy ban nhân dân huyện Đăk Đoa sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra vụ việc trên.

Quang Thái (TTXVN)
Xử lý hành vi khai thác vàng trái phép ở Phú Riềng, Bình Phước
Xử lý hành vi khai thác vàng trái phép ở Phú Riềng, Bình Phước

Sau khi phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có bài phản ánh về tình trạng khai thác vàng trái phép ở xã Phú Trung (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước), ngày 26/11, ông Lê Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo xử lý vụ việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN