Theo đó, TAND Quận 1 đã tiên phong tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp dân sự thụ lý số 201/2023/TLST-DS ngày 22/3/2023. Phiên tòa do Thẩm phán Nguyễn Đức Tĩnh làm chủ tọa. Điểm mới của phiên tòa này là toàn bộ hồ sơ, tài liệu, chứng cứ vụ án đã được số hóa. Cụ thể, các văn bản được sao chụp thành dữ liệu điện tử PDF và trình chiếu trên màn hình lớn trong suốt phiên xét xử. Điều này giúp Hội đồng xét xử, luật sư các bên không phải mang theo nhiều hồ sơ, tài liệu để phục vụ cho công việc, gây tốn kém thời gian cũng như trở ngại trong xét xử…
Chia sẻ về mô hình số hóa, bà Nguyễn Thị Phượng, Chánh văn phòng, Tổ trưởng Tổ số hóa TAND Quận 1 cho biết, từ vài năm trước, TAND Quận 1 mới chỉ số hoá bản án. Sau đó, ông Nguyễn Quang Huynh, Chánh án TAND Quận 1, đã có ý tưởng số hóa toàn bộ hồ sơ tố tụng từ đầu vào, mục đích là ngay từ khi tiếp nhận hồ sơ phải được phân loại và quản lý chặt chẽ trên phần mềm của riêng tòa. Chính vì thế, Tổ số hoá TAND Quận 1 đã nghiên cứu và viết “Phần mềm Hỗ trợ xét xử và Tranh tụng", phục vụ cho ý tưởng số hoá các công đoạn trong trước, trong và sau khi phiên toà kết thúc.
Bà Nguyễn Thị Phượng cho biết thêm, trước khi giải quyết vụ án, thông qua phần mềm này, Thẩm phán sẽ tiếp cận bộ hồ sơ số hóa trên hệ thống một cách dễ dàng, nhanh chóng. Trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự không cần đi sao chụp từng tấm hình nữa vì rất mất thời gian, chỉ cần có đơn xin sao chụp thông qua thư ký sẽ nhận được file sao chụp toàn bộ hồ sơ đã được số hóa. Giai đoạn tiền xét xử, Thẩm phám gửi hồ sơ cho phía Viện Kiểm sát cũng rất nhanh thay vì phải photo và gửi trực tiếp. Đến gia đoạn xét xử thì hầu hết các dữ liệu được chiếu trên màn hình trong phòng xét xử giúp cho Hội đồng xét xử, các bên đương sự tham gia phiên tòa dễ dàng tiếp cận hồ sơ vụ án, giúp tối ưu thời gian và đẩy mạnh tranh tụng.
Sau phần nghị án, quyết định hoặc bản án có hiệu lực cũng sẽ được số hóa chuyển ngay cho đương sự. Tóm lại, việc số hóa này mục đích hướng tới người dân, giúp tiết kiệm chi phí, công sức và thời gian rất nhiều cho đương sự, Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát, luật sư nói riêng và cho hoạt động tố tụng nói chung. Ngoài ra, việc số hóa cũng rất có ích cho việc thống kê, phân loại các vụ án ly hôn, dân sự, kinh tế…
Luật sư Trần Thu Nam, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội (luật sư nguyên đơn) cho biết: “Bản thân tôi tham gia phiên tòa này lần đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng sau đó quen dần và quen rất nhanh. Đây là phiên tòa có tính đổi mới, đã số hóa các tài liệu giúp thuận tiện hơn cho những người tiến hành tố tụng, giảm bớt các khâu đi lại cung cấp tài liệu. Thậm chí khi ra tòa, thẩm phán và luật sư không cần thiết phải có hồ sơ trong tay. Đây là mô hình rất tốt rất hữu ích, nên phát huy và nhân rộng”.
Theo đại diện TAND TP Hồ Chí Minh, hiện nay, việc số hóa một số nhiệm vụ của ngành, ngoài phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp thì đơn vị cũng cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu biên chế nhân sự, giảm bớt khối lượng công việc hành chính của ngành. Sắp tới, đơn vị sẽ tập trung phát triển hạ tầng số; phát triển các hệ thống công nghệ thông tin số; cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ vụ án và các dịch vụ công của tòa án…
Đặc biệt, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh, nâng chất ứng dụng có hiệu quả các hệ thống công nghệ thông tin hiện có như: hệ thống truyền hình hội nghị của tòa án, tiếp tục tổ chức thực hiện phiên tòa trực tuyến; triển khai áp dụng phần mềm quản lý án tổng hợp, thống nhất trong toàn hệ thống tòa án để giúp cho các hoạt động của tòa án được thực hiện một cách chuyên nghiệp, công khai, minh bạch hơn, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành và tạo nền tảng cơ sở để xây dựng, phát triển lên hệ thống tố tụng điện tử.