Vì vậy, giá trị và hiệu quả sử dụng thấp, chưa tương xứng với giá trị tài nguyên khoáng sản, đồng thời còn bỏ quặng nghèo và khoáng sản đi cùng gây lãng phí rất lớn tài nguyên.
Giá trị không tương xứng
Kết quả nghiên cứu của CODE một số điểm khai thác một số khoáng sản tại những địa bàn trọng điểm đã chỉ rõ: Sản phẩm ngành than mới chỉ qua công đoạn tuyển, sàng phân loại để tiêu thụ hoặc xuất khẩu và chế biến thô làm than tổ ong, quả bàng..., chưa qua chế biến sâu thành những sản phẩm có giá trị kinh tế cao như khí hóa than, hóa lỏng than, chế biến than antraxit phục vụ luyện kim. Còn đối với sa khoáng titan, sản phẩm qua sơ chế cao nhất là xỉ titan, nhưng cũng chỉ là nguyên liệu chuyển tiếp để chế biến nguyên liệu sâu hơn.
Nếu chỉ khai thác và xuất khẩu thô titan như hiện nay, giá trị đạt được rất thấp, nguồn thu của nhà nước không tương xứng với giá trị tài nguyên này. Cụ thể là sản xuất xỉ titan giá trị sản phẩm tăng 2,5 lần so với quặng; sản xuất được pigment giá trị tăng khoảng 10 lần, còn nếu sản xuất được titan kim loại thì giá trị tăng tới 80 lần. Bên cạnh đó, các khoáng vật phụ của quặng titan như zircon, rutil, monazit... nếu sản xuất thành zircon siêu mịn, rutil nhân tạo thì giá trị sản phẩm tăng 1,6 lần.
Như vậy, nếu Việt Nam chỉ xuất khẩu tinh quặng titan như hiện nay, với giá 100 USD/tấn ilmenit, thì ngay cả tài nguyên dự báo quặng titan lên đến vài trăm triệu tấn như vừa mới điều tra địa chất ở vùng cát đỏ Bình Thuận, thì cũng chỉ thu về được vài chục tỷ USD, bằng thu nhập của ngành dầu khí trong vài năm. Trong khi đó, nếu chế biến sâu thì nguồn tài nguyên này có giá trị gấp từ 10-80 lần.
Tổn thất lớn
Thực tế cho thấy, tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác khoáng sản của nước ta còn rất lớn, nhất là ở các mỏ hầm lò, các mỏ do địa phương quản lý. Một số điều tra nghiên cứu của CODE cho biết tổn thất tài nguyên khi khai thác than hầm lò từ 40-60%; khai thác aptit là 26-43%; quặng kim loại 15-30%; vật liệu xây dựng 15-20%; dầu khí 5-60%. Đối với loại mỏ vừa và nhỏ (chiếm đa số), sự thất thoát không dừng lại ở một vài chục phần trăm mà nguy cơ mất mỏ rất nghiêm trọng.
Do năng lực có hạn, phần lớn lại khai thác thủ công, nên đa số các mỏ hiện nay chỉ lấy được phần khoáng sản “giàu” nhất, còn loại bỏ toàn bộ các quặng nghèo và khoáng sản đi cùng, dẫn đến không tận thu được. Tổn thất trong chế biến khoáng sản cũng rất cao. Đơn cử như trong khai thác vàng, độ thu hồi quặng vàng trong chế biến hiện chỉ đạt 30-40%, số còn lại bị thải ra ngoài bãi thải nên không chỉ mất mát mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nếu so sánh với chỉ tiêu ở một số nước, tỷ lệ thu hồi vàng trong quặng thường chiếm 92-97% thì tổn thất trong chế biến quặng vàng ở nước ta quá lớn.
Ví dụ như khai thác than tại Quảng Ninh, mức độ tổn thất theo số liệu báo cáo của TKV cũng vào khoảng 7,3-7,7% đối với khai thác lộ thiên, khoảng 28-31% trong khai thác hầm lò. Đặc biệt, nhiều khu vực giàu quặng quý hiếm đã bị khai thác với tần suất và trữ lượng lớn và không tuân thủ quy hoạch chung. Một số khoáng sản có trữ lượng lớn, phân bổ liên tục đã bị cắt thành nhiều khoảng để cấp phép cho hoạt động khai thác. Chính quyền địa phương có nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên nhưng chưa làm hết trách nhiệm, để cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép lộng hành.
Công nghệ lạc hậu
Theo thống kế của Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ có khoảng 0,01% tổng doanh thu của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản dành cho đầu tư đổi mới công nghệ. Mặc dù đã có khuyến cáo về ưu tiên nhập các thiết bị công nghệ từ các nước G7, song do nguồn đầu tư hạn hẹp, đa phần doanh nghiệp nước ta mua các thiết bị từ khu vực giá rẻ, chất lượng trung bình nên càng làm cho nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao.
Tình trạng tổn thất tài nguyên diễn ra ở hầu hết các công đoạn của hoạt động khoáng sản: Từ quản lý kế hoạch khai thác, khai thác-chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực cả về tài chính, thiết bị, công nghệ lẫn kinh nghiệm nhưng vẫn được cấp mỏ, khai thác và chế biến bằng công nghệ lạc hậu gây lãng phí tài nguyên. Ở một số khu vực, quặng không được khai thác triệt để trên toàn bộ diện tích cấp phép vì không có khả năng giải phóng hết mặt bằng. Công nghệ khai thác, chế biến thô sơ không phù hợp với đặc điểm và thành phần khoáng vật của quặng, nên mức độ thu hồi thấp và không thu hồi được khoáng vật đi kèm. Nhiều đơn vị không đầu tư tuyển tinh, xuất khẩu thô làm tổn thất một số quặng khác.
Lãng phí tài nguyên còn thể hiện trong giai đoạn sử dụng khoáng sản. Cụ thể như sử dụng nguyên liệu khoáng sản chất lượng cao quá mức cần thiết; mức tiêu hao nguyên liệu trên một đơn vị sản phẩm quá cao. Ví dụ các nhà máy nhiệt điện chạy than có mức tiêu hao 0,65 kg than/1kWh, gấp 1,5-2 lần so với thế giới; ngành giấy 1,5 tấn than/1 tấn giấy không tẩy trắng... Hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện đốt than, dầu Việt Nam chỉ đạt từ 28-30%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp đạt khoảng 60%, thấp hơn trung bình thế giới khoảng 20%. Chưa kể tình trạng khai thác xuất khẩu khoáng sản trái phép đã và đang diễn biến phức tạp trên nhiều địa bàn trong cả nước, không những làm thất thoát tài nguyên, mà còn gây mất trật tự xã hội.
Văn Hào