Tại hội nghị, ông Trịnh Mạnh Cường, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế, thách thức cũng như những yếu kém trong quản lý nhà nước, phòng ngừa và đấu tranh với các hoạt động vi phạm trên địa bàn khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể để tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn khu vực Tây Nguyên trong thời gian tới.
Theo đó, ông Cường nhấn mạnh các địa phương cần tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan; xây dựng dựng kế hoạch, phương án chi tiết cho từng tuyến, địa bàn; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bên cạnh đó, tập trung ngăn chặn, đấu tranh với các hoạt động buôn lậu qua biên giới; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh người, phương tiện qua biên giới, cửa khẩu; triệt phá các tụ điểm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm các loại hình vi phạm về thuế, giá; kiểm tra, thanh tra các hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng trực tuyến, các trang mạng xã hội.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần tăng cường nghiệp vụ cho cán bộ, công chức chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và đấu tranh với các hoạt động vi phạm; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc; hợp tác quốc tế trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cùng với đó là tiếp nhận tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường dây nóng; chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xác minh, xử lý bảo đảm bí mật, kịp thời, hiệu quả các thông tin đường dây nóng, rà soát, tổng hợp kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập, chồng chéo, chưa đồng bộ, thống nhất.
Cũng theo Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các địa phương cũng cần tiếp tục làm tốt giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; phòng chống biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng; khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có biểu hiện bao che, tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tham gia Hội nghị, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh đã cùng lắng nghe, trao đổi thông tin về tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn khu vực Tây Nguyên trong 7 tháng đầu năm 2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Thông qua đó, các đơn vị ban, ngành cũng đã đóng góp ý kiến cho các thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh khu vực Tây Nguyên nhằm nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên, trong thời gian 7 tháng năm 2023, số vụ vi phạm được phát hiện xử lý có chiều hướng tăng, còn tiềm ẩn phức tạp, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như sự phục hồi phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể, các địa phương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 6.485 vụ vi phạm, tăng 46,9 % so với cùng kỳ năm 2022; đã tiến hành khởi tố 201 vụ án hình sự/ 298 đối tượng; thu nộp ngân sách nhà nước trên 134 tỷ đồng tăng 61,2% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng hóa vi phạm chủ yếu gồm ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, xăng dầu, thuốc lá điện tử, hàng điện tử, các sản phẩm thời trang, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm…
Báo cáo cũng cho biết, các hoạt động buôn lậu diễn ra ở hầu hết các thời điểm, các tuyến biên giới, địa bàn nội địa trọng điểm và không theo quy luật, các đối tượng thường lợi dụng địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở, sông suối mùa khô cạn để buôn bán, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm qua biên giới; sử dụng giấy tờ giả để hợp thức hóa lâm sản bất hợp pháp; cất giấu hàng cấm trong các xe vận tải hành khách; lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới.
Ngoài ra, các đối tượng còn thông qua hoạt động khuyến mại, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng trực tuyến, các trang mạng xã hội để quảng cáo, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; lợi dụng hiểu biết hạn chế của một bộ phận người tiêu dùng để buôn bán các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng... Sản xuất gia công, pha trộn, nhái, dán bao bì, nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng hoặc trà trộn một phần hàng giả với hàng thật đưa về vùng nông thôn, vùng đồng bào sâu, vùng xa tiêu thụ nhằm thu lợi bất chính.