'Tập đoàn' giám đốc làm giả chứng thư hơn 400 tỷ đồng

Do không có đủ tiền để thực hiện các hợp đồng kinh tế và xin cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, Tuấn và 5 giám đốc khác đã làm giả chứng thư ngân hàng trị giá hơn 400 tỷ đồng để đi lừa.

 

Ngày 17/9, TAND TP HCM đưa Nguyễn Minh Tuấn (nguyên giám đốc Công ty Lộc Bình Phú) cùng 24 bị cáo khác ra xét xử về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

 

Theo cơ quan công tố, ngày 23/7/2010, Tuấn ký hợp đồng mua bán thép trị giá 12 tỷ đồng với Công ty Lam Sơn. Do không đủ tiền để thực hiện phi vụ làm ăn, Tuấn nhờ người quen móc nối với Trương Công Dũng, nhân viên ngân hàng HSBC, làm giả chứng thư bảo lãnh với nội dung nhận chi trả số tiền nói trên cho đối tác.

 

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Hải Duyên.
Các bị cáo tại tòa.

 

Dũng lợi dụng sơ hở trong việc quản lý con dấu của ngân hàng, giả chữ ký của Phó tổng giám đốc ngân hàng, lập chứng thư giả đưa cho Tuấn để nhận công gần 500 triệu. Trừ mọi chi phí, Dũng bỏ túi 200 triệu đồng.

 

Có chứng thư bảo lãnh, Tuấn được Công ty Lam Sơn giao hàng rồi đem bán lấy tiền. Vị giám đốc này không chi trả đúng như hợp đồng ký kết mà chỉ trả được 1,4 tỷ đồng, và chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, Tuấn còn nhờ Dũng làm giả một chứng thư khác với nội dung ngân hàng HSBC sẽ đứng ra thanh toán cho đối tác của Tuấn trong một hợp đồng mua bán thép với công ty C&T trị giá 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa kịp thực hiện âm mưu chiếm đoạt thì Tuấn bị công ty C&T phát hiện.

 

Cũng với "chiêu" này, Tuấn móc nối với nhiều người khác nhờ Lê Thanh Phong, cán bộ ngân hàng TMCP Gia Định, lập một chứng thư giả với nội dung ngân hàng này sẽ đứng ra bảo lãnh cho công ty của Tuấn thực hiện hợp đồng có giá trị tối đa 18 tỷ đồng. Lấy chứng thư bảo đảm giả này, Tuấn tiếp tục thực hiện một hợp đồng mua bán khác với Công ty Lam Sơn và chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng.

 

Liên quan đến vụ án còn có 5 bị cáo Lê Nho Diễn, Vũ Xuân Nghiệp, Nguyễn Công Sáu, Nguyễn Văn Kha, Đặng Phúc Gia Bảo Trân (nguyên Tổng giám đốc và giám đốc các công ty tư nhân).

 

Cơ quan điều tra cho rằng, nhóm người này cũng móc nối với cán bộ của nhiều ngân hàng lập chứng thư, hoặc chứng nhận số dư ảo trị giá đến 405 tỷ đồng mang đi lừa đảo. Trong đó, họ đã thực hiện trót lọt nhiều "phi vụ", chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng của 3 công ty.

 

Hai người khác bị cho là có liên quan đến đường dây lừa đảo này đang bỏ trốn, khi bắt được cơ quan chức năng sẽ xử lý sau.

 

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 21/9.

 

 

Theo vnexpress.net

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN