Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động nghiệp vụ, ngành Hải quan đã thực hiện ứng dụng thử nghiệm chuẩn thông điệp trao đổi phiên bản mới 1.3 trong khuôn khổ Đề án xây dựng cổng thanh toán điện tử giữa Hải quan và các ngân hàng thương mại; triển khai vận hành hệ thống tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ có liên quan và thông quan điện tử đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh (E-Manifest) theo Quyết định số 19/2011/QĐ-TTg ngày 23/3/2011 tại Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 2 với sự tham gia chính thức của 3 đại lý hãng tàu, hiện đang thử nghiệm kỹ thuật 11 hãng tàu khác; xây dựng yêu cầu kỹ thuật đường truyền hạ tầng truyền thông giai đoạn 2012-2013 và 2014-2015 để đảm bảo mở rộng thủ tục hải quan điện tử của ngành và chuẩn bị cho việc triển khai dự án VNACCS/VICS; xây dựng kế hoạch trình Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương đầu tư CNTT về hạ tầng mạng, an ninh an toàn, trang thiết bị thuộc danh mục dự toán CNTT năm 2011-2012 nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai dự án hiện đại hoá Hải quan VNACCS/VCIS.
Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung ngành Hải quan được từng bước tập trung hóa tại Tổng cục, phục vụ đắc lực công tác quản lý nhà nước về hải quan. Tuy nhiên, các đại lý tham gia hệ thống E-manifest còn hạn chế vì chưa có chế tài bắt buộc. Việc trang bị các thiết bị CNTT, thiết bị bảo mật thuộc dự án CNTT theo kế hoạch kinh phí từ năm 2011 chưa triển khai được. Nguyên nhân là do các quy trình triển khai dự án phải thực hiện theo quy định của Nghị định 102/NĐ-CP, Quyết định 2699/QĐ-BTC nên còn nhiều vướng mắc.
Cùng với tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động hải quan là việc triển khai thủ tục hải quan điện tử. Tính đến 15/6/2012, ngành Hải quan đã triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) tại 20/33 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, số doanh nghiệp đăng ký thực hiện TTHQĐT là hơn 55.000 doanh nghiệp; tổng số tờ khai thực hiện TTHQĐT là 2 triệu tờ khai, chiếm tỷ lệ 96% (đối với các loại hình đã triển khai TTHQĐT) với kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) là 123,8 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 95,6%. Số lượng loại hình thực hiện là 3 loại hình chính (kinh doanh, gia công, sản xuất xuất khẩu) và 6 loại hình khác (chế xuất ưu tiên, tạm nhập tái xuất, XNK dự án đầu tư, XNK tại chỗ, XNK trả lại, chuyển cửa khẩu).
Theo đánh giá, việc triển khai TTHQĐT đã mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và Hải quan, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan theo Đề án 30 và Nghị quyết 11 của Chính phủ, đồng thời làm tiền đề, bước chuẩn bị quan trọng để thực hiện các Dự án VNACCS/VCIS.
Bùi Thu