Đây là nội dung chính được bàn thảo tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông” do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức vào đầu tháng 6 tại Hà Nội.
Một cơ sở đào tạo nghề lái xe tại Trung tâm dạy nghề ở thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Hà Thái - TTXVN |
Bộ GTVT đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm tăng chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng điều khiển phương tiện trên đường của đội ngũ lái xe, tạo ra đội ngũ lái xe có tay nghề cao, có đạo đức nghề nghiệp và văn hóa khi tham gia giao thông, để giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Đề án Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông theo tinh thần Nghị quyết số 88/NQ-CP đang được tích cực triển khai.
Quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấp phép lái xe cơ giới đường bộ được chỉnh sửa bổ sung nhiều nội dung mới như: Điều chỉnh cách tính lưu lượng đào tạo lái xe ô tô; Quy định số lượng hệ thống phòng học, trang thiết bị giảng dạy phù hợp với các cơ sở đào tạo có lưu lượng trên 1.000 học viên; Quy định đội ngũ giáo viên dạy lái xe cả lý thuyết và thực hành phải được tập huấn định kỳ, tiếp cận các bài giảng mẫu; Quy định tỷ lệ (%) số xe tập lái có niên hạn sử dụng không quá 10 năm để các cơ sở đào tạo chú trọng việc đổi mới xe tập lái; Quy định cụ thể số lượng xe tập lái có sử dụng hộp số tự động tại các cơ sở đào tạo; Điều chỉnh tăng số kilômét học thực hành lái xe trên đường và số giờ học thực hành lái xe; Bổ sung quy định thời gian, số kilômét thực hành lái xe trên xe tập lái hạng B1, B2 sử dụng hộp số tự động; Bổ sung quy định về kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp nghề hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp; Bổ sung quy định để các trung tâm sát hạch phải lắp camera và thiết bị để giám sát quãng đường và quá trình sát hạch lái xe trên đường..
Trong những năm qua, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe
được Bộ Giao thông Vận tải quan tâm ở cả 2 lĩnh vực: Quản lý nhà nước
chặt chẽ và khuyến khích các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư nâng cao
chất lượng các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch. Hiện nay chất lượng
công tác này được đặc biệt tăng cường như là một yếu tố quan trọng, góp
phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Hệ thống văn
bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn quản lý trên lĩnh vực đào tạo,
sát hạch, cấp giấy phép lái xe đến nay được ban hành đầy đủ, quy định
chặt chẽ, khoa học.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy
định chặt chẽ hơn công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ
giới đường bộ như: Bổ sung quy định người điều khiển ô tô đầu kéo sơ mi
rơ moóc phải có giấy phép lái xe hạng FC; quy định tăng độ tuổi được cấp
giấy phép lái xe hạng D, E và các hạng F, yêu cầu trình độ văn hóa đối
với người điều khiển ô tô khách từ 10 chỗ ngồi trở lên.
Từ
năm 2009, Bộ Giao thông Vận tải đã rất tích cực xây dựng, sửa đổi các
văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về
đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấp phép lái xe theo đúng quy định của Luật
Giao thông đường bộ và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng.
Đến
nay, đội ngũ cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý đào tạo sát
hạch cấp giấy phép lái xe có hơn 2.000 người. Trong đó, 600 cán bộ công
chức quản lý, 1.447 sát hạch viên (10% cán bộ có trình độ trên đại học,
70% có trình độ đại học chuyên ngành kỹ thuật), hàng năm được tập huấn,
trang bị các kiến thức và nâng cao nghiệp vụ về công tác quản lý đào
tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để quản lý, vận hành hệ thống trang
thiết bị, phần mềm quản lý tại các Sở Giao thông Vận tải, các trang
thiết bị điện tử, tin học, từ trường, truyền thông sử dụng tại các trung
tâm sát hạch lái xe.
Các cơ sở đào tạo lái xe ô tô được hình
thành và phát triển mạnh theo hướng xã hội hóa. Đến nay tổng số có 291
cơ sở đào tạo lái xe ô tô (trong đó có 35 cơ sở đủ điều kiện để đào tạo
hạng FC), 409 cơ sở đào tạo lái xe mô tô. Cả nước có 84 trung tâm sát
hạch lái xe, gồm: 36 trung tâm loại 1 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến
hạng F) và 48 trung tâm loại 2 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến hạng C)
do các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các thành phần kinh tế xây dựng.
Ngành giao thông vận tải đang quản lý 29 triệu giấy phép lái xe mô tô;
3,1 triệu giấy phép lái xe ô tô, 15.320 chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức
pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng
có tham gia giao thông đường bộ.
Theo đề án mới, tiêu chuẩn trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ được điều chỉnh, chuyển đổi thành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ theo Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn và bổ sung các nội dung sau: Quy định cụ thể số lượng và yêu cầu kỹ thuật chi tiết đối với thiết bị dùng để sát hạch lý thuyết và sát hạch thực hành lái xe trong hình; Quy định chi tiết khoảng cách hình giữa các bài sát hạch và hình của từng bài sát hạch; Bổ sung quy định nội dung sát hạch và hình của bài sát hạch ghép xe dọc vào nơi đỗ hạng FC theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Điều chỉnh giảm khoảng cách khống chế để lùi vào nơi ghép xe của hình sát hạch ghép xe vào nơi đỗ hạng B1, B2 và C để nâng cao kỹ năng điều khiển tiến và lùi xe của người dự sát hạch; Bổ sung quy định lắp đặt camera, thiết bị phát sóng trên ô tô sát hạch để giám sát quá trình thí sinh thực hiện bài sát hạch. Nâng cao chất lượng công tác quản lý, cấp đổi giấy phép lái xe, Đề án đổi mới giấy phép lái xe và xây dựng hệ cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc đã hoàn thành.
Hồng Ninh