Đây là khu vực gần hồ chứa nước Núi Ngang có địa hình đồi núi hiểm trở. Tại hiện trường, hàng trăm cây rừng tự nhiên bị lâm tặc đốn ngã, nhiều thân cây vết cắt còn mới.
Tại đây, vẫn còn nhiều thân cây lớn nằm ngổn ngang trên đỉnh núi, một số cây khác bị cháy nằm la liệt, số khác thì chỉ còn trơ mỗi gốc. Theo quan sát, hầu hết các cây rừng bị phá có đường kính từ 12 – 12 cm trở lại, tuy nhiên vẫn có một số cây cá biệt có đường kính lên tới 40cm.
Ông Nguyễn Đại - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi xác nhận thông tin trên và cho biết: Trong quá trình kiểm tra địa bàn, kiểm lâm cũng đã phát hiện hai điểm phá rừng trên từ tháng 8/2017.
Cụ thể, tại điểm 1, diện tích bị tàn phá gần 7.721m2, điểm 2 có diện tích bị tàn phá hơn 2.700m2 và đều thuộc tiểu khu 366. Qua điều tra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đã xác định được 2 đối tượng phá rừng phòng hộ là người dân của xã Ba Liên. Họ phá rừng để trồng keo.
Đây là khu vực rừng phòng hộ Núi Ngang, diện tích rừng bị phá thuộc dạng rừng phục hồi và thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ khu Đông Ba Tơ (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi quản lý).
Hiện Chi cục Kiểm lâm đã yêu cầu kiểm lâm địa bàn phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ khu Đông Ba Tơ tiến hành kiểm tra, lập biên bản hiện trường, tiếp tục điều tra các đối tượng phá rừng để tiến hành xử lý.
Tình trạng phá rừng phòng hộ tại huyện Ba Tơ diễn ra từ nhiều năm qua. Tính từ năm 2016 đến nay, ngành chức năng và chính quyền địa phương huyện Ba Tơ phát hiện 34 vụ phá rừng phòng hộ tại các tiểu khu xã Ba Liên, xã Ba Trang (huyện Ba Tơ). Riêng năm 2016, tổng diện tích rừng bị phá được phát hiện lên đến 147.000m2.