"Sóng ngầm" mang tên... "hụi họ"

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn TP Thanh Hóa, hậu quả của vay tiền, tài sản thu lãi suất cao trái với quy định của pháp luật chính là: làm lãi mẹ đẻ lãi con, lãi chưa trả trở thành gốc, tiềm ẩn nhiều rủi ro phức tạp; gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến đòi nợ thuê, xiết nợ thuê, đánh chém nhau, ném chất bẩn vào nhà gây thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người...

Báo CAND cách đây không lâu đã đăng tải loạt bài phản ánh về "cơn bão" tín dụng đen và hệ lụy đi kèm với nó. Tiếp tục đi sâu tìm hiểu về những vấn đề có liên quan này, chúng tôi còn được hay, trên địa bàn một số tỉnh, thành hiện còn xuất hiện "sóng ngầm" mang tên… "hụi họ" - một hình thức biến tướng của tín dụng đen.

Biến tướng khôn lường

Nếu như trước đây, để tìm tới "chủ nợ" - những người cho vay tiền, cầm cố tài sản, người có nhu cầu phải tốn không ít thời gian, tận dụng triệt để các mối quan hệ, sự tín nhiệm của mình thì thời gian qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các cơ sở "tín dụng" đen, dịch vụ cầm đồ biến tướng có tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi đã gia tăng đáng kể.

Chỉ cần đảo qua một lượt các tuyến phố của TP Hà Nội, Thanh Hóa… ta không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ cầm đồ hoạt động. Sẽ không có gì đáng bàn nếu như núp sau hoạt động kinh doanh này, chủ cơ sở chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Đằng này, khi xâm nhập thực tế, chúng tôi được hay, một số cơ sở kinh doanh cầm đồ còn kiêm thêm hoạt động cho vay nặng lãi - "hụi họ".



Hiện trường một vụ án mạng liên quan đến nợ nần xảy ra ở TP Thanh Hóa. Ảnh Nguyễn Thùy.



Trao đổi với PV Báo CAND, Trung tá Phạm Văn Chiên - Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, "hụi họ", "vay họ" là một hình thức biến tướng của tín dụng đen. Có điều này cũng bởi, người đi "vay họ", "bốc họ"… luôn phải chịu một mức lãi suất cao cắt cổ.

Cũng theo Trung tá Phạm Văn Chiên, trên địa bàn quận hiện có 85 cơ sở cầm đồ lớn nhỏ. Mặc dù hàng tháng, đơn vị luôn thành lập các tổ công tác xuống địa bàn tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho chủ các cơ sở kinh doanh - cầm đồ, song những nguy cơ liên quan đến sự biến tướng đi kèm với các cơ sở cầm đồ: cho vay nặng lãi, cho "bốc họ" với lãi suất cao v.v... luôn tiềm ẩn.

Số chủ các cơ sở vi phạm dạng này luôn nại ra đủ điều như: chỉ cầm cố tài sản di động; không cho ai "bốc họ", chơi "hụi họ" cả. Nên, để bắt được quả tang các cá nhân, tổ chức có biểu hiện cho "bốc họ" - cho vay nặng lãi là điều không phải dễ.

Đồng quan điểm trên, Thượng tá Nguyễn Đình Thịnh - Phó trưởng Phòng CSQLHC về TTXH, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc cho vay tiền, tài sản và thu lãi suất cao, trái quy định pháp luật của cá nhân với cá nhân đã tồn tại từ khá lâu trong đời sống xã hội.

Hiện nay, tình trạng này đang diễn biến phức tạp ở mọi nơi và ngày càng phát triển mạnh. Thủ tục vay tiền từ nguồn này khá đơn giản, giải ngân nhanh. Các đối tượng hoạt động cho vay tiền, tài sản thu lãi suất cao trái quy định của pháp luật được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: "hụi họ", "vay họ", dịch vụ tư vấn vay vốn trả vốn…

Đánh giá của Công an tỉnh Thanh Hóa cũng cho thấy, hiện nay hầu hết các cơ sở cầm đồ, ngoài việc cầm cố tài sản, còn tổ chức hoạt động cho vay tiền và thu lãi suất cao trái quy định pháp luật.

Ngăn chặn khi chưa muộn

Tìm hiểu sâu về vấn đề này tại một số tỉnh thành, chúng tôi được hay, chủ "họ" - người cho vay thường định trước một thời hạn cố định cho người "vay họ", "bốc họ". Lãi suất vay do hai bên thỏa thuận dao động từ 3,5% - 12%/tháng nhưng trong giấy tờ chỉ là vay bình thường, không ghi mức lãi suất mà hai bên đã thỏa thuận.

Để vay được tiền thì người vay phải làm hợp đồng bán tài sản là động sản hoặc bất động sản thay vì làm hợp đồng vay tiền và người vay chỉ được vay trị giá 70% đến 80% trị giá tài sản. Nếu quá hạn mà người vay không thanh toán thì chủ cho vay sẽ thanh lý tài sản, người vay phải làm giấy sang tên chuyển nhượng quyền sử dụng bất động sản cho chủ "họ". Đồng thời, khi hết thời hạn vay mà người vay chưa trả nợ, vẫn còn muốn vay nữa thì chủ cho vay làm giấy chốt nợ cũ để lập hợp đồng mới - tức mở "bát họ" mới. Sau mỗi lần chốt nợ thì hợp đồng cũ hết hiệu lực và làm phát sinh hợp đồng mới. Hợp đồng mới bao gồm cả tiền gốc cộng tiền lãi của hợp đồng cũ…

Đáng chú ý, theo lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn TP Thanh Hóa, hậu quả của vay tiền, tài sản thu lãi suất cao trái với quy định của pháp luật chính là: làm lãi mẹ đẻ lãi con, lãi chưa trả trở thành gốc, tiềm ẩn nhiều rủi ro phức tạp; gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến đòi nợ thuê, xiết nợ thuê, đánh chém nhau, ném chất bẩn vào nhà gây thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người; gây ảnh hưởng xấu đến ANTT ở địa phương.

Đơn cử như vụ xả súng làm 2 người thiệt mạng xảy ra mới đây trên địa bàn xã Quảng Thành, TP Thanh Hóa là một ví dụ điển hình. Trước đó, khi đến nhà Nguyễn Văn Sơn, 45 tuổi, chủ tiệm cầm đồ ở xã Quảng Thành (TP Thanh Hóa) để đòi nợ, ông Hoàng Ngọc H., 44 tuổi, trú cùng xã đã bị Sơn dùng súng tự chế bắn nhiều phát vào người khiến ông H tử vong. Ngay sau đó, do hoảng loạn, Sơn cũng đã lấy súng bắn nhiều phát vào người mình tự sát.

Tương tự, thống kê của Công an TP Hà Nội cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2011, lực lượng Công an đã làm rõ 93 vụ đối tượng dùng áp lực, đe dọa; 69 vụ đối tượng đổ chất bẩn vào nhà người khác; 16 vụ nhắn tin, gọi điện thoại đe dọa; 12 vụ đặt vòng hoa trước cửa nhà v.v... Nguyên nhân khởi nguồn của các vụ việc trên chiếm một phần không nhỏ là do việc con nợ vay nợ nhưng đến kỳ hạn không trả được hết lãi suất cũng như nợ gốc.

Nói về biện pháp ngăn ngừa "sóng ngầm" mang tên… "vay họ", "hụi họ", Thượng tá Nguyễn Đình Thịnh - Phó trưởng Phòng CSQLHC về TTXH, Công an tỉnh Thanh Hóa cho hay, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTATXH cần phối hợp chặt chẽ với Công an địa phương căn cứ vào kết quả khảo sát kiên quyết không cấp giấy phép chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cá nhân không đáp ứng đầy đủ các điều kiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng (chính quyền địa phương, lực lượng Công an…) cần tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện như: Dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ, hoạt động cho vay nặng lãi nhằm phát hiện các vi phạm pháp luật để lập hồ sơ xử lý nghiêm theo pháp luật.


Theo lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn TP Thanh Hóa, hậu quả của vay tiền, tài sản thu lãi suất cao trái với quy định của pháp luật chính là: làm lãi mẹ đẻ lãi con, lãi chưa trả trở thành gốc, tiềm ẩn nhiều rủi ro phức tạp; gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến đòi nợ thuê, xiết nợ thuê, đánh chém nhau, ném chất bẩn vào nhà gây thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người...

Theo cand.com.vn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN