Siết chặt kiểm soát giao thông trên đường cao tốc

Việc tuần tra, kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sau gần 2 tháng thí điểm vận hành đang bộc lộ những bất cập. Các lực lượng chuyên ngành gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm trên tuyến đường này. Thực tế cho thấy, cần có cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng để đảm bảo ATGT trên các tuyến đường cao tốc.

 

Nhìn từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ


Từ ngày 1/8/2012, để thực hiện tuần tra, kiểm soát, đảm bảo ATGT trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt đã bố trí các đội tuần tra, kiểm soát làm nhiệm vụ tuần tra cơ động, tổ chức kiểm soát tại các điểm đầu km 210, điểm cuối tại km 259 và tại khu vực km 230 thuộc nút giao Liêm Tuyền.


Chiến sỹ Đội tuần tra kiểm soát giao thông số 8 kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở của lái xe tại tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.

 

Tuy nhiên, sau gần 2 tháng triển khai thí điểm, việc xử lý với các lỗi vi phạm đã nảy sinh nhiều bất cập. Theo Đội Tuần tra, kiểm soát giao thông số 1 (Phòng 6 - Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt), chốt trực đảm bảo ATGT trên tuyến đường này, Đội chỉ có quyền xử lý với các lỗi vi phạm cao nhất đến 500.000 đồng/trường hợp, trong khi đó có tới 90% các lỗi vi phạm giao thông trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phải bị xử phạt cao hơn mức này. Vì vậy, đối với nhiều trường hợp vi phạm trên tuyến đường này, việc ra quyết định xử phạt đều phải chuyển về lãnh đạo Cục xem xét, nên mất nhiều thời gian.


Tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ mới được đưa vào hoạt động, nên lưu lượng xe tham gia giao thông còn ít, chủ yếu là xe con, vì vậy trong thời gian qua, Đội Tuần tra, kiểm soát giao thông số 1 chủ yếu tập trung tuần tra, kiểm soát nhắc nhở các phương tiện tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ; đồng thời tập trung xử lý đối với các trường hợp vi phạm về tốc độ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên thì việc xử lý các trường hợp vi phạm cũng gặp không ít khó khăn. Khi lực lượng tuần tra kiểm soát tại đầu tuyến phát hiện phương tiện vi phạm về đi sai làn đường, tốc độ và báo về cuối tuyến để các tổ tuần tra, kiểm soát chốt trực dừng xe, xử lý thì nhiều lái xe đã chủ động rẽ vào các nút giao giữa đường như: Vực Vòng, Cao Bồ… để không bị xử lý.


Bên cạnh đó, công tác phối hợp xử lý tai nạn trên tuyến giữa các lực lượng tại địa phương cũng không chặt chẽ. Theo quy định, khi có tai nạn giao thông xảy ra sẽ phải có rất nhiều lực lượng phối hợp để giải quyết. Tuy nhiên, các lực lượng phối hợp tại địa phương như tòa án, viện kiểm sát, cơ quan cảnh sát điều tra… không phải lúc nào cũng có điều kiện phối hợp xử lý nhanh chóng. Dẫn tới, khi tai nạn xảy ra thì việc phối hợp xử lý gặp nhiều khó khăn và thường tốn thời gian, ảnh hưởng đến việc giải phóng hiện trường, đảm bảo lưu thông trên tuyến…


Tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã được trang bị những thiết bị hiện đại như máy đo tốc độ và camera, máy ảnh giám sát... nhằm phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm về tốc độ, phần đường, làn đường, không đảm bảo khoảng cách an toàn, khi chuyển làn không thực hiện việc báo hiệu theo quy định... Tuy nhiên, việc xử lý đối với các phương tiện vi phạm vẫn gặp nhiều khó khăn về xác định danh tính của lái xe, vì nhiều trường hợp phương tiện đã được mua đi bán lại, qua tay nhiều chủ, không phải chính chủ xe…

 

Siết chặt


Đường bộ cao tốc dành riêng cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường theo hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định, nên không có xung đột khi chạy xe, hay nói cách khác, xe luôn chạy theo đường một chiều. Các đoạn đường cao tốc của nước ta hiện nay như Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Bắc Ninh, Nội Bài - Bắc Ninh, Sài Gòn - Trung Lương… là những đoạn đầu tiên của mạng lưới đường ô tô cao tốc trục Bắc Nam theo quy hoạch. Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATGT trên các đoạn tuyến này nếu không sớm được siết chặt sẽ rất khó kiểm soát sau này.


Trước thực tế này, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt đang tập trung xây dựng và thành lập một lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông chuyên trách trên đường cao tốc, để sớm đưa vào hoạt động. Lực lượng này sẽ được trang bị nghiệp vụ chuyên biệt và tiến tới sẽ được ưu tiên đầu tư các trang thiết bị hiện đại, tuần tra cơ động trên đường cao tốc và được phép dừng xe kiểm soát khi phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng và nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Các trường hợp lái xe chạy lạng lách, đánh võng, đỗ, dừng không đúng quy định, chạy ngược chiều sẽ được xử lý nhanh chóng, đảm bảo không ảnh hưởng đến lưu thông của phương tiện theo đúng quy định…


Bộ GTVT cũng đang soạn thảo dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp điều tiết, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và chống ùn tắc giao thông khi xử lý, giải quyết tai nạn giao thông trên đường cao tốc. Thông tư này hiện đã được Bộ GTVT gửi đến Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan để lấy ý kiển góp ý, bổ sung, sớm hoàn thiện vận hành. Tại dự thảo Thông tư này, trong phần quy định trách nhiệm của cơ quan cảnh sát cũng có nội dung “Xem xét thành lập các đơn vị cảnh sát giao thông đường cao tốc; bổ sung phương tiện, trang thiết bị cần thiết và tập huấn thường xuyên nghiệp vụ xử lý, giải quyết tai nạn giao thông; điều tiết, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn...”.


Bộ Công an cũng đang khẩn trương siết chặt các quy định về sang tên đổi chủ phương tiện sau mua bán ô tô tại các địa phương; phối hợp với ngành kho bạc, ngân hàng bổ sung thêm các quy định xử phạt hành chính qua tài khoản, thanh toán điện tử, nhằm tránh tình trạng bỏ lọt vi phạm đối với các trường hợp không tìm thấy chủ phương tiện vi phạm khi gửi về địa phương và tiến tới xóa bỏ quy trình xử lý vi phạm hiện nay, vừa gây nguy hiểm cho cán bộ, chiến sỹ cảnh sát, vừa mất thời gian của người vi phạm.

 

Trung tá Nguyễn Quang Khải, Phó Đội trưởng Đội Tuần tra, kiểm soát giao thông số 1 (Phòng 6 – Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt):

 

Cần có cơ chế đặc thù cho lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường cao tốc Sau gần 2 tháng tuần tra, kiểm soát trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Đội đã phát hiện, xử lý gần 600 trường hợp vi phạm, trong đó có gần 400 trường hợp vi phạm tốc độ, đi sai làn đường. Tuy nhiên, do không được dừng xe trên tuyến, nên nhiều trường hợp phải áp dụng hình thức phạt “nguội”, xử lý vi phạm ở điểm cuối tuyến. Song, nhiều trường hợp vi phạm rất khó xác định danh tính của lái xe vi phạm, vì phương tiện đã được mua đi bán lại nhiều chủ sở hữu nên việc xác minh theo địa chỉ đăng ký của xe là không thể hoặc nếu được thì rất mất thời gian. Bên cạnh đó, trang thiết bị cho lực lượng hiện nay cũng rất hạn chế. Để giải quyết những vướng mắc này cần thiết phải có cơ chế đặc thù phù hợp với công tác tuần tra, kiểm soát giao thông trên đường cao tốc.

 

Thượng tá Trần Sơn, Phòng Hướng dẫn luật lệ, điều tra và xử lý tai nạn giao thông (Cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt):

 

Bất cập: Giám sát hiện đại - xử phạt thủ công Nhờ lắp đặt hệ thống camera giám sát bằng hình ảnh trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, nên đã giảm được lực lượng cảnh sát giao thông làm việc trên đường. Hình ảnh vi phạm được in ra làm bằng chứng khiến người vi phạm “tâm phục khẩu phục”. Do bị máy giám sát 24/24 giờ, ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng lên và tất yếu là tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông được giảm xuống. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vi phạm được phát hiện bằng các thiết bị hiện đại, nhưng công tác xử lý vẫn mang tính thủ công, dùng sức người là chính. Việc này vừa gây nguy hiểm cho cán bộ, chiến sỹ vừa mất thời gian của người vi phạm.

 

Đại tá Trần Trọng Đạo, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Nam:

 Hình ảnh phải chuẩn mới thuyết phục được người vi phạm Không thể phủ nhận hiệu quả của việc xử lý vi phạm qua hình ảnh. Tuy nhiên, nếu chất lượng hình ảnh không đồng đều thì sẽ gây khó khăn trong công tác xử lý, nhiều trường hợp cảnh sát giao thông và người vi phạm đôi co do hình ảnh không rõ. Do đó, áp dụng công nghệ cao trong xử lý vi phạm thì công nghệ, máy móc càng phải hiện đại, chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc lắp đặt camera cách xa nhau trên tuyến cũng dễ bị các chủ phương tiện đối phó, né chốt chặn.

 

Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN