Những ngày cuối tháng 8, tại Trại giam Thanh Phong - Tổng cục VIII, Bộ Công an đóng trên địa bàn huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, công tác chuẩn bị cho đợt đặc xá dịp Quốc khánh đang vào giai đoạn nước rút. Hành trang cho "ngày trở về" của các phạm nhân cải tạo tốt đã sẵn sàng.
Các phạm nhân tích cực cải tạo để được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước. |
Ngay sau khi có kế hoạch của Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương, Ban Giám thị Trại giam Thanh Phong đã triển khai sâu rộng đến cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, giúp họ hiểu rõ đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự tiến hành thủ tục đề nghị xét đặc xá, đồng thời thông báo tới toàn thể phạm nhân về quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.
Tại các buồng giam, nơi thăm gặp, nơi sinh hoạt chung của phạm nhân... đều niêm yết công khai danh sách đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn được đề nghị xét đặc xá và không được xét đặc xá để phạm nhân, thân nhân biết. Trên cơ sở đó, từng phạm nhân tự đối chiếu, liên hệ các điều kiện được đặc xá với bản thân mình để đăng ký với cán bộ quản giáo ở các tổ, đội. Các cán bộ quản giáo sẽ căn cứ, đối chiếu với những điều kiện, tiêu chuẩn được đặc xá để tổ chức họp toàn đội phạm nhân thảo luận, bỏ phiếu kín, giới thiệu những người được đề nghị xét đặc xá, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch theo đúng hướng dẫn của Hội đồng Tư vấn đặc xá. Các phân trại cũng thành lập các tiểu ban họp, xét đặc xá và thống nhất làm hồ sơ trình Hội đồng xét đặc xá trại giam. Trong đợt bình xét các phạm nhân đủ điều kiện hưởng đặc xá đợt này, Trại đã chọn và trình Tổ thẩm định liên ngành thẩm định 286 hồ sơ.
Phó Giám thị Trại giam Thanh Phong, Đại tá Lê Trọng Hà khẳng định: Tuy triển khai trong thời gian ngắn nhưng Hội đồng xét đề nghị đặc xá của đơn vị đã làm việc tích cực, công tâm để chọn ra những phạm nhân đủ tiêu chuẩn, xứng đáng đưa vào danh sách đề nghị đặc xá. Ban Giám thị trại cũng chủ động liên lạc với gia đình các phạm nhân để hoàn thành các khoản tiền nộp án phí dân sự hoặc thực thi các hình phạt bổ sung tại trại giam, tại các cơ quan thi hành án của địa phương; tiếp nhận, giải quyết các đơn, thư liên quan đến công tác đặc xá để các phạm nhân đủ điều kiện được hưởng các chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Để giúp các phạm nhân sau khi được đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng, từ ngày 20/8, Trại giam Thanh Phong đã phối hợp với các phòng chức năng Công an tỉnh Thanh Hóa, Hội Luật gia Thanh Hóa tổ chức 4 lớp học tái hòa nhập cộng đồng cho trên 300 phạm nhân thuộc các đối tượng được đặc xá năm 2015 và những đối tượng chuẩn bị mãn hạn tù.
Tham gia lớp học, các phạm nhân được trang bị những điều cơ bản về quyền lợi và nghĩa vụ sau khi chấp hành xong hình phạt tù; những nội dung cơ bản của các bộ luật như: Luật Cư trú, Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường sắt, Luật Phòng chống ma túy, Luật Hôn nhân gia đình. Bên cạnh đó, các phạm nhân còn được giáo dục về đạo đức, kỹ năng sống, giới thiệu chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm... Cùng với việc mở các lớp tiền hòa nhập cộng đồng, Trại giam Thanh Phong còn phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức cấp lại giấy chứng minh nhân dân cho gần 100 phạm nhân cư trú tại địa bàn Thanh Hóa, giúp họ có đầy đủ quyền công dân khi trở về với gia đình.
Trước đó, Trại giam Thanh Phong đã mở nhiều lớp dạy nghề, truyền nghề cho phạm nhân, phổ biến là các nghề: Mộc, xây dựng, may, rèn... Năm 2015, Trại giam Thanh Phong đã phối hợp với trường Trung cấp Nghề Thanh Hóa mở 2 lớp dạy nghề may, xây dựng và cấp chứng chỉ cho 60 phạm nhân, đảm bảo giúp phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt có thể tìm kiếm được việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống. Trại giam Thanh Phong cũng đã chuẩn bị các phương tiện, liên hệ với người nhà, chính quyền địa phương đưa đón phạm nhân, hỗ trợ kinh phí cho những người đã hoàn lương trở về với gia đình, cộng đồng.
Có mặt tại Đội 36, Phân trại 3 của Trại giam Thanh Phong (đóng trên địa bàn xã Tế Lợi, huyện Nông Cống), chúng tôi gặp phạm nhân Hoàng Văn Thái (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), là phạm nhân điển hình trong quá trình cải tạo ở trại. Với án phạt 16 năm về tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, phạm nhân Hoàng Văn Thái đã có gần 10 năm thi hành án phạt. Trong đợt đặc xá năm 2015, phạm nhân Hoàng Văn Thái có tên trong danh sách đề nghị được đặc xá. Anh chia sẻ: Phân trại 3 đã tạo mọi điều kiện để tôi được thông báo cho gia đình sớm hoàn thành hình phạt bổ sung. Đến nay, tôi đã khắc phục hậu quả những tội lỗi mà mình gây ra với việc đền bù cho Nhà nước gần 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sự quan tâm và tình yêu thương của Ban giám thị và các quản giáo đã giúp tôi vượt qua các rào cản về tâm lý, yên tâm cải tạo tốt.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Nhung, Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ Trại giam Thanh Phong, người đã có nhiều năm gắn bó với nghề trại giam và trực tiếp tham gia giảng dạy tại các lớp học tái hòa nhập cộng đồng cho biết: Việc tổ chức các lớp học tái hòa nhập cộng đồng và tổ chức cấp lại chứng minh thư nhân dân là việc làm có ý nghĩa lớn đối với các phạm nhân, giúp họ giảm bớt tự ti, mặc cảm với cộng đồng, sớm hòa nhập cộng đồng, giúp các phạm nhân nắm kịp thời những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đồng thời nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi trở về với cộng đồng.