Rừng trắc duy nhất ở Tây Nguyên có nguy cơ bị… xóa sổ

Hiện nay, cả Tây Nguyên chỉ còn lại ở rừng đặc dụng Đắk Uy (Kon Tum) là còn tương đối nhiều cây trắc (nhóm IIa). Tuy nhiên, khi giá của gỗ trắc được tính từng kg (từ 600.000 -700.000 đồng/kg) thì cũng là lúc các cánh rừng nơi đây ngày đêm bị lâm tặc quần thảo. Thậm chí, súng đã nổ, máu của các kiểm lâm địa bàn cũng đã đổ, nhưng cây trắc vẫn bị triệt hạ không thương tiếc.

Bị động trong giữ rừng

Rừng đặc dụng Đắk Uy nằm lọt giữa 2 xã Đắk Mar và Đắk H’ring huyện Đắk Hà. Là khu vực bằng phẳng mà bất kỳ ai cũng có thể vào được từ mọi hướng. Xung quanh rừng không có vùng đệm, chỉ có dân ở và canh tác quanh khu rừng. Với địa hình, vị trí như vậy cùng diện tích rộng (gần 700 ha) nhưng toàn bộ những người tham gia công tác bảo vệ, quản lý cũng chỉ dừng lại ở con số 17 người (cả lãnh đạo và nhân viên hợp đồng). Chính vì vậy, công tác quản lý bảo vệ rừng nơi đây rất khó.

Lực lượng kiểm lâm tịch thu những khúc gỗ trắc bị lâm tặc khai thác trái phép. Ảnh:Hoàng Cao Nguyên

Trong khi đó, các hành vi của lâm tặc ngày một tinh vi. Trước đây, chúng thường chờ đêm xuống mò vào rừng để hạ cây nên rất dễ phát hiện vì tiếng ồn khi cây đổ nhưng giờ “chúng không cắt hết mà chỉ cưa hạ 2/3 cây để chờ khi mưa bão, cây tự đổ, lúc đó mình khó phát hiện. Ngoài ra, chúng còn dùng dây cáp mềm cột chặt vào cây bị cắt, dùng ba lăn (tựa ròng rọc) để hạ cây từ từ, nhằm không gây tiếng ồn”, ông Lê Văn Dũng- Trưởng Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy cho biết.

Bên cạnh đó, lâm tặc ngày một hung hãn. Mỗi khi vào rừng, lâm tặc còn mang theo hung khí như dao, mã tấu dài cả mét. Trong khi đó các phương tiện, công cụ hỗ trợ của kiểm lâm chủ yếu là gậy cao su, cây rừng. Lực lượng mỏng, bảo vệ đêm vì vậy mà đầu năm đến nay đã có 3 vụ kiểm lâm nơi đây bị lâm tặc tấn công. Tất cả sự chống trả của họ chỉ là cầm cự để chờ tiếp viện hoặc tìm đường lui là chính. Gần đây nhất là ngày 11/7, lúc 4 giờ 30 phút, trong khi trực tại lán, các anh Nguyễn Anh Quyết, Nguyễn Xuân Quang nghe tiếng cây đổ, nhận định hướng của lâm tặc phối hợp với 2 đồng đội chia thành 2 nhóm để đón lõng chúng. Ngay khi phát hiện, có khoảng 10 tên lâm tặc không những không bỏ chạy, mà còn xông vào tấn công các anh. Chỉ với những phương tiện hỗ trợ thô sơ với cây rừng làm vũ khí cùng lực lượng mỏng nên tất cả chỉ vừa chống trả vừa tìm đường lui chờ đồng đội ứng cứu. Hậu quả khiến Quyết bị đánh bầm mắt trái, phải nhập viện, Quang bị bong gân. Trước đó, khoảng 1 giờ ngày 16/3, lâm tặc tấn công tổ tuần tra tại khoảnh 3. Chỉ khi kiểm lâm nổ súng cảnh cáo chúng mới tháo chạy. Nhưng đến ngày 18/3, chúng còn hung hăng hơn khi ngang nhiên tấn công vào cả trụ sở ban quản lý...

Theo số liệu của Ban Quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng Đắk Uy, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 70 vụ vi phạm lâm luật (có 52 vụ vô chủ), trong đó riêng 10 ngày đầu tháng 7 đã có 8 vụ.

Âu lo vẫn… còn dài

Theo ông Lê Văn Dũng, hiện tại chế tài mang tính răn đe đối với hành vi phá rừng không đủ răn đe để ngăn cản những dòng người đổ vào rừng hạ cây trắc. Theo đó, sự việc chỉ khởi tố khi lâm tặc đốn từ 5 mét khối trở lên - chuyện bất khả thi vì cây có đường kính lớn gần như đã bị triệt hạ, từ 2 đến dưới 5 mét khối thì phạt từ 100 - 200 triệu đồng. Trong khi với giá 500-700 triệu đồng/mét khối gỗ thì lâm tặc chỉ cần 1 đêm trót lọt cũng bằng thu nhập cả năm lao động quần quật. Ngoài ra, ông Dũng cũng đề nghị cần tăng cường lực lượng, có phương án chủ động tấn công hay trang bị thiết bị nghe nhìn trong rừng; xây tường rào bảo vệ… đó cũng chỉ là mong muốn. “Chúng tôi tâm có nhưng lực thì không”.

Tuy nhiên có một thực tế hiện tại dư luận cũng đang đặt dấu hỏi đối với những người làm công tác bảo vệ rừng nơi này khi có một số vụ lâm tặc triệt hạ cây trắc tại dưới chân của các lán trại bảo vệ, nhưng không một ai phát hiện, dù nơi đây các anh túc trực 24/24 giờ. Không những vậy, trong cuộc chiến quyết liệt trên, cũng đã xuất hiện một số “con sâu” trong bộ máy chính quyền cơ sở. Đã có 1 trưởng công an xã tên N.H.Q đã bị cách chức vì “nương tay” với lâm tặc (năm 2010). Trước đó, khi cánh rừng này giao cho doanh nghiệp kinh doanh làm du lịch thì lại trộm gỗ trắc, làm chỉ điểm cho lâm tặc… “Tôi biết một số vị trí cây trắc có đường kính cả mét nhưng vừa qua đi kiểm tra thực tế thì tôi lại chẳng thấy đâu”, một lãnh đạo huyện Đắk Hà khẳng định.

Ngoài ra, tuy gọi là rừng đặc dụng nhưng thực tế rừng nơi đây chỉ gần 700 ha, thấp hơn nhiều so với quy định của Nghị định 117 là trên 1.500 ha. Chính vì vậy mà thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã nhiều lần tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm tìm ra hướng giải quyết trong đó có chú ý đến việc giao cho địa phương hoặc doanh nghiệp quản lý để cho thuê kinh doanh, trong đó sẽ xác định lại chính xác lượng cây trắc còn lại để bắt buộc quản lý, bảo vệ nhưng chưa được vì đây là rừng đặc dụng. Theo ông Dũng thì đây nên gọi là khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh thì đúng hơn. Ở đây có 1 số loài đặc hữu như trắc, sao đen, hương. Động vật có khỉ mặt chó, vượn đen đông bắc, chim trĩ, mang, nai… “Nếu là khu bảo tồn, khi cho thuê có chủ thể rõ ràng thì lúc đó các hành vi phá rừng trên sẽ bị quy vào tội trộm cắp tài sản, có chế tài mạnh hơn so với quy định phải trên 5 mét khối mới khởi tố vụ án như hiện nay”, ông Dũng khẳng định.

Hoàng Cao Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN