Những ngày gần đây, người dân ở xã Cúc Phương, huyện Nho Quan (Ninh Bình) đang bức xúc và liên tiếp đề nghị chính quyền xã làm rõ việc nhiều cây rừng đang bị chặt hạ để lấy gỗ. Đây là một trong những khu rừng lớn đặc dụng và quý hiểm nhất của nước ta hiện nay.
Hàng loạt cây có đường kính lớn như thế này ở rừng Cúc Phương bị chặt hạ. |
Hình ảnh mà phóng viên ghi được tại rừng Quốc gia Cúc Phương là có rất nhiều cây gỗ to đã bị chặt hạ, có cây đường kính 50 - 60 cm. Người dân ở đây phản ánh, từ sau Tết Tân Mão, Ban quản lý rừng Cúc Phương đã công khai bán gỗ cho các đối tượng thu mua. Có nhiều xe ô tô, máy cẩu, máy cưa đã được đưa vào rừng chặt cây và ngang nhiên đi qua trụ sở xã Cúc Phương mà chính quyền sở tại không hề biết gì.
Lý giải việc này, ông Trương Quang Bích, Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết: Do phải cải tạo rừng nên phải chặt bỏ những cây không có mục đích sống xen lẫn để phát triển những cây gỗ quý. Đó là những loại cây như keo, xoan nhà... với đường kính cây lớn, từ 30 - 35 cm.
Tuy nhiên, cả chính quyền và người dân ở đây đang đặt ra nhiều câu hỏi, liệu có gì khuất tất trong việc chặt cây rừng để bán? Và liệu trong số đó có cây gỗ quý hiếm hay không? Vì những chủ trương của Vườn không mấy người được biết, khi bán gỗ người dân ở đây có nhu cầu cũng không được mua; còn lãnh đạo Vườn lý giải: Do người dân ở đây trả với giá thấp. Tuy nhiên, lập luận trên là thiếu thuyết phục vì chủ trương bán gỗ của Ban quản lý không được thông báo rộng rãi để đông đảo người tham gia đấu thầu thì làm gì có sự trả giá cạnh tranh.
Mặt khác, lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương cho rằng bán cho những người có năng lực khai thác thì việc chặt hạ cây to không ảnh hưởng đến rừng. Nhưng điều này cũng chưa hợp lý vì hợp đồng ký kết bán gỗ lại cho một cá nhân tên là Phạm Thế Hiển, ở thành phố Ninh Bình, chứ không phải là một đơn vị chuyên sâu về khai thác rừng. Trong khi người dân tộc Mường bản địa ở đây có thể làm điều này rất tốt và nhiều người trong số họ cũng được người mua gỗ thuê vào chặt cây.
Điều quan trọng nhất, rừng Quốc gia Cúc Phương là rừng đặc dụng quý hiếm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Nhưng, chủ trương chặt cây gỗ để cải tạo rừng lại không có văn bản chỉ đạo và xin phép cấp trên cho làm. Việc chặt cây rừng cũng không được thông báo tới UBND xã Cúc Phương, đơn vị quản lý hành chính trên địa bàn. Trong hợp đồng bán gỗ (không số) ngày 8/3/2011 của Vườn Quốc gia Cúc Phương với ông Hiển có ghi: Cơ sở để hình thành hợp đồng là căn cứ vào đề nghị của công đoàn với Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương và được giám đốc phê duyệt cho tận dụng gỗ củi tạp trong vườn thực vật. Và số tiền này nhằm hoạt động phúc lợi.
Hợp đồng mua bán cũng có những điểm chưa hợp lý. Ngoài việc không đấu thầu công khai, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã bán nhiều cây gỗ to (được ghi là gỗ tạp) với giá 500.000 đồng/m3 và gỗ củi 300.000 đồng/m3 với tổng cộng 150 m3 trị giá 41 triệu đồng. Giá này là rẻ so với giá thị trường. Việc Vườn quốc gia bán gỗ không có người giám sát đã gây ra sự nghi ngờ và bức xúc cho người dân. Họ cho rằng bán gỗ theo kiểu “hư hư, ảo ảo” không biết đâu là gỗ tạp, đâu là gỗ quý; và cũng không biết đâu là gỗ tạp, đâu là gỗ củi để áp giá là việc không bình thường.
Ông Đinh Công Sính, Phó Chủ tịch UBND xã Cúc Phương kiêm Trưởng Ban lâm nghiệp và Ban xóa đói giảm nghèo của xã bức xúc nói: Trách nhiệm của xã là phải phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương để bảo vệ rừng. Thế nhưng không hiểu sao đây là khu vườn được bảo vệ nguyên vẹn sinh thái nhưng thời gian qua đã bị khai thác công khai với quy mô rộng. Cả máy cẩu, ô tô vào khai thác, hàng ngày đi qua trụ sở nhưng xã không thể làm gì vì đấy là gỗ do Vườn bán. Cử tri bức xúc đề nghị nhưng xã không biết gì để giải thích. Dư luận cho rằng nếu cấp trên có cho phép cải tạo rừng thì cũng chỉ làm ở mức độ nào đấy chứ không thể khai thác lớn như thế.
Ông Sính nhấn mạnh thêm: “Vườn (Quốc gia Cúc Phương) nói là bán gỗ tạp nhưng tôi được biết, trong đó có những cây không phải là “tầm thường”, nhiều lần chúng tôi thâm nhập thực địa thấy nhiều cây to, quý cũng bị chặt. Rừng Quốc gia Cúc Phương đang trong tình trạng báo động bởi nạn chặt phá. Thời gian qua “lâm tặc” vẫn ngang nhiên chặt phá gỗ quý như cây sưa... Khi rừng bị chặt phá xong thì lực lượng quản lý rừng mới gọi chính quyền xã vào lập biên bản hiện trường.
Nguyễn Văn Cảnh