Quyết liệt giữ rừng Tây Nguyên

Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) là khu vực có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất cả nước (chiếm 25,38%), có vai trò quan trọng về phát triển kinh tế, phòng hộ môi trường, an ninh quốc phòng… Trong những năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng cũng đã được các tỉnh Tây Nguyên tích cực triển khai thực hiện nhưng vẫn chưa thực sự có chuyển biến tích cực.

 

Diện tích rừng giảm mạnh


Theo số liệu mới nhất, tổng diện tích rừng khu vực Tây Nguyên là 2.848.000 ha, đạt độ che phủ toàn khu vực là 51,3%, trong đó rừng có trữ lượng gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng thì độ che phủ chỉ đạt 32,4%.


Khu rừng thông Lạc Dương (Lâm Đồng) bị tàn phá.

 

Trong những năm gần đây, tình trạng suy giảm diện tích rừng ở Tây Nguyên được đánh giá là ở mức độ cao với mức bình quân giảm là 25.737 ha/năm. Trong vòng 5 năm (2007 - 2011), diện tích rừng của các tỉnh Tây Nguyên đã mất 129.686 ha, trong đó rừng tự nhiên giảm 107.425 ha, rừng trồng giảm 22.261 ha. Bao gồm chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Nhà nước 101.696 ha, chiếm 78%; khai thác trắng rừng theo kế hoạch là 4.609 ha, chiếm 4%; rừng bị khai thác, chặt phá trái pháp luật là 7.391 ha, chiếm 6%; cháy rừng làm mất 802 ha, chiếm 1% và nguyên nhân khác mất 14.818 ha, chiếm 11%.


Song song với sự suy giảm về diện tích rừng, chất lượng rừng (đặc biệt là rừng tự nhiên) cũng bị suy thoái nghiêm trọng, những khu rừng có chất lượng cao, trữ lượng lớn còn ít và chủ yếu tập trung ở khu rừng đặc dụng. Rừng mới phục hồi do khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên chủ yếu là rừng non, giá trị về đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản và tác dụng phòng hộ và bảo vệ môi trường thấp.


Ông Y Rit Buôn Yă, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết: Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm diện tích rừng ở Đắk Lắk bị giảm 1.706,7 ha. Trong đó mất rừng do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác như làm các công trình giao thông, thủy điện, thủy lợi, tái định cư, Chương trình 132, 134, Chương trình cao su… là 8.093 ha, chiếm 94,8%.


Diện tích rừng bị mất do khai thác chặt phá trái pháp luật, cháy rừng là 440,7 ha dù chiếm tỷ trọng không lớn, nhưng tình hình vi phạm quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng lại khá gay gắt, gây thiệt hại nghiêm trọng và làm mất tài nguyên rừng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.


Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, theo thống kê chưa đầy đủ, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho 700 dự án (trồng rừng, cải tạo, trồng cao su …) trên đất lâm nghiệp với diện tích là 215.721 ha. Nhưng do chưa làm tốt công tác tuyên truyền dẫn đến tâm lý người dân sợ hết đất sản xuất nên tổ chức đông người chiếm rừng, chiếm đất, phá rừng trái phép trong khu vực dự án để lấy đất hoặc để đòi chủ dự án bồi thường, tạo áp lực lớn đến công tác bảo vệ rừng.


Nhiều chủ dự án thiếu năng lực tài chính thực hiện dự án được duyệt, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ rừng được giao để rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật nhưng không có biện pháp ngăn chặn.


Hầu hết các chủ rừng, nhất là các lâm trường quốc doanh, ban quản lý rừng phòng hộ không đủ năng lực bảo vệ rừng được giao, thiếu kinh phí cho hoạt động bảo vệ rừng. Cơ chế trách nhiệm, chính sách quản lý bảo vệ rừng chưa rõ ràng, chậm đổi mới, lại thiếu sự kiểm tra thực hiện, thiếu nguồn lực cân đối đảm bảo thực thi chính sách, nên nhiều chủ rừng có biểu hiện buông xuôi, thiếu trách nhiệm, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời và hiệu quả, thậm chí có cán bộ tiếp tay cho hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật.

 

Những giải pháp quyết liệt giữ rừng


Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 3406 về việc triển khai kết quả Hội nghị bảo vệ và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên, đề nghị UBND các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng tổ chức triển khai thực hiện một số giải pháp quyết liệt hơn nữa để giữ rừng Tây Nguyên.


Theo đó, các tỉnh trong khu vực cần tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; thường xuyên giám sát, có biện pháp xử lý dứt điểm như đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động đối với các xưởng chế biến gỗ, lâm sản có hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi gian lận sử dụng gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp; sắp xếp để các xưởng chế biến gỗ chấp hành tốt pháp luật có điều kiện tổ chức hoạt động và phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh.


Đối với các công ty lâm nghiệp, cùng với việc chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 28/NQ-TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, tiếp tục rà soát, có phương án sắp xếp lại theo Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; thống kê cụ thể diện tích rừng, đất lâm nghiệp đã bị lấn chiếm không có khả năng thu hồi và những diện tích đất đã khoán ổn định lâu dài cho các hộ gia đình để có phương án quản lý phù hợp, đúng pháp luật; chủ động đánh giá thực trạng, giải quyết tình trạng các công ty đang gặp khó khăn, làm ăn không hiệu quả hiện nay; trường hợp không giải quyết được, các địa phương tổng hợp báo cáo các bộ, ngành trung ương xem xét, phối hợp giải quyết.


Các tỉnh tiến hành rà soát, thống kê đồng bào dân tộc đang thiếu đất trên địa bàn Tây Nguyên và đưa ra các phương án giải quyết có tính ổn định lâu dài, đồng thời phải có phương án quản lý, sử dụng tốt diện tích đất đã giao; tiếp tục chỉ đạo tăng cường quản lý chặt chẽ hơn 700 dự án chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác theo quy định hiện hành.



Thanh Tuấn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN