Quản lý dân cư theo mã số

Thay vì phải sử dụng rất nhiều loại giấy tờ công dân như hiện nay, từ năm 2016 một người khi sinh ra sẽ được cấp ngay một mã số định danh công dân để tham gia mọi quan hệ hành chính trong suốt cuộc đời. Đây được xem là hướng quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) và giấy tờ công dân.

 

Gánh nặng hành chính


Theo Bộ Tư pháp, giấy tờ công dân là toàn bộ các giấy tờ do cơ quan nhà nước cấp cho công dân để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân trong mối quan hệ với nhà nước, bao gồm: Giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy đăng ký kết hôn, giấy phép lái xe, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, phiếu lý lịch tư pháp, các loại giấy chứng nhận quyền sở hữu, các văn bằng, chứng chỉ, thẻ do cơ quan nhà nước cấp; các quyết định của cơ quan hành chính nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân, phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, giấy chứng tử. Rất nhiều trong số những giấy tờ này được sử dụng thường xuyên, là tài sản pháp lý bất ly thân của hầu hết mọi cá nhân. Các loại giấy tờ này do các bộ, ngành khác nhau cấp nhưng trên các giấy tờ này đều có ba thông tin chính: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính. Ngoài ra, các thông tin khác như: nơi sinh, quê quán, nơi cư trú, quốc tịch, dân tộc... cũng trùng lặp trên rất nhiều loại giấy tờ.

Người dân đến làm hồ sơ, thủ tục tại UBND quận 1 (TP.HCM). Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN


Kết quả thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, trong 5.400 TTHC thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành có khoảng gần 1.300 TTHC liên quan đến việc cung cấp chứng minh thông tin về công dân. Số lượng TTHC này tập trung trong phạm vi quản lý của một số bộ. Cụ thể, Bộ Tư pháp có 159 TTHC, Bộ Giao thông Vận tải 77 TTHC, Bộ Tài nguyên Môi trường 87 TTHC, Bộ NN&PTNT 101 TTHC, Bộ Công an 70 TTHC… Các TTHC này được thực hiện ở 4 cấp chính quyền, gồm: cấp Trung ương thực hiện 520 TTHC, cấp tỉnh 468 TTHC, cấp huyện 226 TTHC, cấp xã 59 TTHC.


Bộ Tư pháp cũng cho biết, trong số gần 1.300 TTHC có đến 356 TTHC yêu cầu chứng minh nhân dân, 70 TTHC yêu cầu giấy khai sinh, 66 TTHC yêu cầu hộ khẩu, 234 mẫu đơn tờ khai yêu cầu điền họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số chứng minh nhân dân/ngày cấp/nơi cấp.


Từ năm 2016 bắt đầu thực hiện việc nhập thông tin cơ bản về công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp mã số định danh cá nhân. Cơ quan công an thực hiện việc nhập thông tin công dân để xác lập số định danh cá nhân đối với trường hợp công dân đăng ký khai sinh trước ngày 1/1/2016. Cơ quan tư pháp phối hợp với cơ quan công an nhập thông tin và cấp số định danh cá nhân cho công dân đăng ký khai sinh từ 1/1/2016.

Với quy mô dân số lên tới gần 90 triệu dân, số lượng giao dịch hành chính công giữa công dân và cơ quan hành chính, sự nghiệp được thực hiện trung bình khoảng 600.000 giao dịch/ngày. Phần lớn TTHC đều được thực hiện thủ công và đòi hỏi công dân phải tự chứng minh về nhân thân của mình thông qua việc xuất trình, nộp bản sao hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ, hồ sơ. Thực tế trên cộng với việc kết quả giải quyết TTHC chưa được chia sẻ, sử dụng chung đã tạo ra gánh nặng chi phí hành chính tới hàng nghìn tỉ đồng/năm cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào các giao dịch hành chính.


Quản lý theo mã số


Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn, số định danh cá nhân sẽ là chìa khóa mở vào kho dữ liệu của công dân, truy nguyên công dân trong các lĩnh vực. Thay cho việc người dân phải chứng minh nhân thân thì các cơ quan nhà nước phải tự tìm hiểu về họ. Đây sẽ là cơ sở để tiến hành cải cách TTHC một cách triệt để, khắc phục tình trạng cắt khúc thông tin, gây phiền hà, tốn kém cho người dân.


Ông Sơn cho biết, trên cơ sở đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư 2013- 2020, Bộ Tư pháp dự kiến, từ năm 2013- 2014, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân, xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Công an làm nhiệm vụ cấp, quản lý và sử dụng số định danh cá nhân.


Từ năm 2015 - 2020 là giai đoạn cải cách thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư. Các bộ, ngành hoàn thành việc ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thể, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân; nghiên cứu ứng dụng thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực hộ tịch, cư trú, trật tự xã hội và các giấy tờ khác có liên quan như giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu… Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ liên quan xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và triển khai cấp mã số định danh cá nhân. Dự kiến đến hết năm 2015, việc xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp mã số định danh cá nhân sẽ hoàn thiện.


Đến hết năm 2020, thông tin cơ bản của mọi công dân sẽ được nhập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân đều có mã số định danh cá nhân. Các cơ quan hành chính nhà nước ở 4 cấp chính quyền sẽ khai thác, sử dụng thông tin trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân… nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước và yêu cầu chính đáng của công dân; để tra cứu thông tin về công dân khi giải quyết TTHC, thay thế cho việc xuất trình hoặc nộp bản sao hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện TTHC có thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 7 (Bộ Công an) Trần Văn Vệ cho biết, mã số định danh công dân chính là số chứng minh thư nhân dân mới (12 số) mà Bộ Công an đang triển khai thí điểm cấp cho công dân tại Công an thành phố Hà Nội. Số định danh cá nhân đã cấp cho công dân này thì không sử dụng để cấp cho công dân khác. Theo tính toán của Bộ Công an, trong khoảng 500 năm nữa, sẽ không có mã số trùng nhau.


Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn, với quy mô dân số gần 90 triệu dân, việc thu thập thông tin của công dân để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc đảm bảo nguồn lực cho xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cũng là một thách thức lớn đối với Chính phủ. Do vậy, việc triển khai đề án cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và tinh thần trách nhiệm của công dân khi khai các thông tin để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Giảm chi phí khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

 

Theo Bộ Tư pháp, khi cơ sở dữ liệu quốc gia được vận hành thì công dân sẽ không phải xuất trình, nộp bản sao, bản sao có chứng thực đối với nhiều loại giấy tờ. Hơn nữa, người dân cũng sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể khi không phải sao chụp, sao chụp có công chứng. Bộ Tư pháp thống kê, riêng với giấy khai sinh, có 32 TTHC yêu cầu nộp bản sao giấy khai sinh với 69.874.123 lượt đối tượng tuân thủ; 11 TTHC yêu cầu nộp bản sao chứng thực giấy khai sinh với 10.353 lượt người tuân thủ.

Như vậy, riêng đối với giấy khai sinh, chi phí cắt giảm ước tính như sau: Để có một bản sao chụp, công dân sẽ mất khoảng một giờ và 500 đồng sao chụp. Căn cứ vào chi phí lương trung bình thì một giờ tương đương với 15.000 đồng. Như vậy, tổng chi phí chụp một giấy khai sinh là 15.500 đồng. Và chi phí cắt giảm khi sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là:

15.500 đ x 69.874.123 lượt người tuân thủ = 1.082.630.406.500 đồng

Còn để có một bản sao chứng thực, công dân mất 2 giờ và 2.000 đồng phí chứng thực, tổng chi phí sẽ là 32.000 đồng. Và chi phí cắt giảm khi sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là: 32.000 đ x 10.353 lượt người tuân thủ = 331.296.000 đồng


Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN