Tổng số 18 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” theo quy định tại Điều 203 – Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong đó, 2 bị cáo: Nguyễn Thị Sáng (sinh năm 1953, là tiểu thương tại chợ Trời, phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Nguyễn Duy Phượng (sinh năm 1988, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị xác định là đối tượng chủ mưu, cầm đầu. 16 bị cáo khác giữ vai trò đồng phạm, tham gia giúp sức.
Theo cáo trạng, do bị cáo Sáng là tiểu thương ở chợ Trời, phố Huế, nên Sáng nắm được nhu cầu nhiều cá nhân, tổ chức muốn "thanh toán" khống hóa đơn. Để kiếm tiền, Sáng đã mua hóa đơn giá trị gia tăng của 72 công ty “ma” (thành lập nhưng không hoạt động) với giá 250.000 đồng/quyển. Khi mua, các công ty này đưa kèm theo các quyển séc do ngân hàng phát hành, hồ sơ pháp lý, con dấu để sử dụng khi cần thiết.
Sáng cất giữ con dấu, hóa đơn tại quầy hàng và nhắn tin chào bán cho bạn hàng, người quen. Khi có khách mua, bị cáo tự viết hóa đơn giao cho khách.
Từ năm 2014 đến tháng 8/2018, bị cáo Sáng và các đồng phạm đã thực hiện hơn 5.100 giao dịch chuyển tiền qua tài khoản, trong đó có hơn 4.600 giao dịch chuyển tiền có giá trị tiền hàng trên 20 triệu đồng. Tổng số tiền hàng trước thuế với các giao dịch này là gần 2.000 tỷ đồng. Thuế giá trị gia tăng là gần 186 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Sáng đã thu lời hơn 9,2 tỷ đồng, hiện mới chỉ khắc phục 800 triệu đồng.
Tại phiên tòa cũng làm rõ, ngoài nhóm của bị cáo Sáng, còn có nhóm của bị cáo Duy và đồng phạm cũng thực hiện hành vi mua bán trái phép 416 hóa đơn, hưởng lợi khoảng 41 triệu đồng.
Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Sáng mức án 3 năm tù; bị cáo Phượng lĩnh án 21 tháng tù về cùng tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. 16 bị cáo còn lại nhận các mức án từ 9 tháng tù treo đến 22 tháng tù giam về cùng tội danh này. Ngoài án phạt tù, Tòa còn tuyên buộc các bị cáo phải nộp lại số tiền đã thu lời bất chính để sung công quỹ Nhà nước.