Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường làm đẹp càng sôi động hơn khi có hàng trăm, hàng ngàn cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ và thẩm mỹ viện đang hoạt động. Tuy nhiên vì chạy đua theo lợi nhuận, nhiều cơ sở đã sử dụng bác sỹ phẫu thuật chưa được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc thực hiện các thủ thuật, kỹ thuật vượt quá chuyên môn cho phép gây ra những hậu quả nặng nề.
"Tiền mất tật mang" vì bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ "dỏm"
Mới đây, nhiều nạn nhân là những cô gái trẻ đã tố cáo Thẩm mỹ viện Natural (quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh). Theo các nạn nhân, họ biết và tìm đến thẩm mỹ viện Natural để thực hiện nâng mũi do những quảng cáo mà thẩm mỹ viện này đăng tải trên mạng xã hội quá đẹp. Dù số tiền mỗi cô gái bỏ ra không nhỏ (từ 40-45 triệu đồng) để nâng mũi nhưng kết quả là mũi không những đẹp lên mà còn bị viêm, lệch, chảy mủ, biến dạng. Các nạn nhân khẳng định, người thực hiện nâng mũi là bác sỹ Hồ Phi Nhạn và Nguyễn Ánh Dương của Thẩm mỹ viện Natural. Đây là những bác sỹ không có tên trong danh sách được hành nghề tạo hình thẩm mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh tính đến thời điểm tháng 11/2020.
Trên mạng xã hội, bác sỹ Hồ Phi Nhạn thường xuyên giới thiệu mình từng tham gia thực hiện nhiều ca nâng mũi, sửa mũi tại Bệnh viện Trưng Vương. Tuy nhiên, ngày 17/11, bác sỹ Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương xác nhận, bác sỹ Hồ Phi Nhạn chỉ là bác sỹ thực hành 18 tháng về chuyên khoa Ngoại tại bệnh viện này, hoàn toàn chưa đủ điều kiện và trình độ để được xét cấp chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ.
Về trường hợp này, đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã nhận được phản ánh của người dân về việc Thẩm mỹ viện Natural sử dụng bác sỹ không có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Hiện Thanh tra Sở Y tế đang vào cuộc xác minh, tìm hiểu vụ việc.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên người hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ bị phát hiện chưa có chứng chỉ hành nghề. Thực tế, hành vi không có chứng chỉ nhưng vẫn hành nghề hoặc thuê mướn chứng chỉ hành nghề xuất hiện khá phổ biến từ rất lâu. Thời gian qua, thông qua hoạt động thanh kiểm tra, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã liên tục xử phạt nhiều trường hợp thuê - mướn chứng chỉ hành nghề hoặc hành nghề nhưng không có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ.
Cụ thể, tháng 9/2020, Thanh tra Sở Y tế xử phạt Phòng khám đa khoa Âu - Á do có hành vi thuê chứng chỉ hành nghề. Người cho thuê là bác sỹ Trần Đức Quang bị xử phạt 40 triệu đồng và tước chứng chỉ hành nghề 6 tháng. Tháng 11/2020, nhân viên của Viện thẩm mỹ Emylia bị phạt 35 triệu đồng vì không có chứng chỉ hành nghề. Mới đây nhất, một cơ sở thẩm mỹ do bà Nguyễn Thị Hồng Vân làm chủ ở số 21 rạch Bùng Binh (phường 10, quận 3) bị UBND Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định xử phạt 95 triệu đồng và đình chỉ hoạt động trong 9 tháng do không có giấy phép hoạt động và bác sỹ không có chứng chỉ hành nghề.
Trước đó, tháng 10/2019, vụ việc một trường hợp tử vong sau khi thực hiện phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS khiến dư luận chấn động. Đáng chú ý, sau khi sự cố xảy ra, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện bác sỹ Đinh Viết Hưng - người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật này chưa được cấp chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Bác sỹ này đã sử dụng chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cấp, tuy nhiên Sở Y tế Đồng Nai xác nhận đó là chứng chỉ giả mạo.
Vẫn "loay hoay" tìm cách quản lý
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, không như một số chuyên khoa khác, để trở thành một bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ đủ điều kiện hành nghề phải tuân thủ các quy định khá khắt khe. Trước hết, đó là bác sỹ có bằng chuyên khoa 1 về ngoại khoa, sau đó phải trải qua 54 tháng học chuyên khoa về phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng bác sỹ không có chứng chỉ hành nghề vẫn trực tiếp đứng phẫu thuật thẩm mỹ diễn ra khá nhiều.
Đặc biệt, có sự tiếp tay của nhiều bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ khi cho các cơ sở thẩm mỹ thuê mướn chứng chỉ hành nghề, trong khi mình lại công tác ở một đơn vị khác. Toàn bộ việc thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho bệnh nhân ở cơ sở thuê - mướn chứng chỉ đều do người không được cấp chứng chỉ, không có chuyên môn thực hiện. Sự an toàn tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân đều phó mặc cho may rủi.
Bác sỹ Đỗ Quang Hùng ước tính, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 200 bệnh viện, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và khoảng 4.000 spa chăm sóc da... Việc các đơn vị chăm sóc da thường xuyên "xé rào" thực hiện các thủ thuật, kỹ thuật vượt quá danh mục cho phép như nâng mũi, cắt mí mắt, độn cằm, tiêm chất làm đầy... sau đó thuê mướn những "bác sỹ không phép" để thực hiện khiến nhiều người dân "sập bẫy".
Theo bác sỹ Hùng, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên tiếp nhận các trường hợp người bệnh bị biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ như hoại tử mũi, cằm, hỏng ngực, mù mắt... do các cơ sở thẩm mỹ và bác sỹ không phép thực hiện. Trong 10 tháng qua, đơn vị này đã tiếp nhận gần 100 trường hợp có nguy cơ bị mù mắt do tiêm chất làm đầy tại các spa không phép. "Việc phẫu thuật thẩm mỹ ở những nơi không đủ điều kiện, bác sỹ không có tay nghề, không có chứng chỉ hành nghề để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh nhưng hiện chúng ta vẫn chưa quản lý được", bác sỹ Đỗ Quang Hùng nhìn nhận.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận, thông qua việc thanh kiểm tra, Sở Y tế đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ như: hành nghề không phép, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn, quảng cáo không đúng với đăng ký... Trong 9 tháng năm 2020, đơn vị này đã kiểm tra và phát hiện hơn 50 cơ sở thực hiện phẫu thuật thẫm mỹ không phép hoặc thực hiện kỹ thuật, thủ thuật vượt quá phạm vi đăng ký với tổng số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng. Trước đó, đơn vị này cũng nhiều lần phát hiện các trường hợp thuê chứng chỉ hành nghề, sử dụng chứng chỉ hành nghề giả trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ.
Để siết chặt công tác quản lý các cơ sở hành nghề và người hành nghề y tế, trong đó có lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng phần mềm quản lý người hành nghề y trên địa bàn. Tại đây, các cơ sở có sử dụng bác sỹ hành nghề phải đăng ký thông tin đầy đủ qua phần mềm, cán bộ quản lý sẽ kiểm tra thời gian đăng ký hoạt động của từng bác sỹ ở mỗi cơ sở, từ đó phát hiện cơ sở nào thuê mướn văn bằng, cơ sở nào sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề. "Năm 2020, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã nâng cấp phần mềm quản lý này và cũng đã bước đầu phát huy tác dụng khi phát hiện được một số vụ việc cho thuê chứng chỉ hành nghề. Đây là hành vi bị cấm trong Luật Khám chữa bệnh", bà Mai cho hay.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ về các cơ sở thẩm mỹ trước khi quyết định "chọn mặt gửi vàng". Đồng thời, mong mỏi người sử dụng dịch vụ y tế gửi thông tin phản ánh trực tuyến trên phần mềm y tế trực tuyến đối với các trường hợp nghi ngờ thuê - mướn chứng chỉ hành nghề hoặc sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề, cơ quan thanh tra Sở Y tế sẽ tiếp nhận và xử lý.