“Hàng hóa nhập lậu thường được các đối tượng buôn lậu vận chuyển vào chiều tối, nửa đêm, sáng sớm, bằng cách chia nhỏ hàng hóa; thuê người canh dò đường; theo dõi di chuyển của các lực lượng chức năng 24/24 giờ. Các đối tượng có sự cấu kết, thỏa thuận, tổ chức chặt chẽ, từ đối tượng đầu nậu, canh đường, theo dõi đến người tham gia vận chuyển, tạo thành đường dây xuyên suốt, có tổ chức... để đối phó với lực lượng chức năng và sẵn sàng chống trả khi bị bắt giữ”, ông Vũ Hùng Sơn nhận định.
Theo Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia, phần lớn hàng hóa buôn lậu là: Thuốc lá ngoại, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, đường cát, ma túy, xăng, dầu, rượu, bia, nước ngọt, phân bón, mỹ phầm, thực phẩm chức năng… Đặc biệt, các mặt hàng về trang thiết bị y tế như: Khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ và mặt hàng lợn thịt, lợn giống có chiều hướng gia tăng phức tạp, với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, khó kiểm soát.
Thực hiện Kế hoạch số 27/KH-VPTT ngày 14/6/2019 của Văn phòng Thường trực, BCĐ 389 các địa phương, lực lượng chức năng đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt và triển khai đến cán bộ, chiến sĩ, công chức trực tiếp làm công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xây dựng và thực hiện nhiều phương án, kế hoạch, chuyên đề để phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật đến người dân, đặc biệt là quần chúng nhân dân vùng biên giới các địa bàn trọng điểm.
Lực lượng chức năng từ Trung ương tới địa phương đã tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp xây dựng các kế hoạch, chuyên án nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các đường dây, tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên các tuyến, địa bàn trọng điểm nên hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới đã giảm mạnh, không còn rầm rộ, công khai như trước, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Tại Hội nghị tổng kết Kế hoạch 27/KH-VPTT được Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, nhờ có phối hợp tốt giữa các lực lượng, mà tình hình buôn lậu giảm. Tuy nhiên, phương thức, thủ đoạn buôn lậu trong giai đoạn mới có nhiều thay đổi, trong đó nhức nhối nhất vẫn là hiện tượng các đối tượng buôn lậu chống người thi hành công vụ. Tình hình buôn lậu có tổ chức diễn biến phức tạp… Vì vậy, vai trò của Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia rất quan trọng trong công tác điều phối các lực lượng.
Đánh giá cao việc thực hiện Kế hoạch 27 của các lực lượng chức năng và địa phương tại khu vực biên giới Tây Nam, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn Phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia cho rằng: Việc thực hiện tốt công tác phối hợp lực lượng trong thực hiện Kế hoạch 27 đã giúp cho các tỉnh biên giới Tây Nam không còn vùng cấm trong công tác chống buôn lậu dù có đường biên giới với Campuchia dài. Kế hoạch 27 cũng mang lại hiệu quả cao, nhận diện ra được phương thức, thủ đoạn, mặt hàng trọng điểm… Tình hình buôn lậu hàng hoá qua biên giới còn lớn, hàng hoá nhập khẩu vào TP Hồ Chí Minh để tái xuất, trung chuyển qua Campuchia lớn, tiềm ẩn nguy cơ quay đầu.
Do vậy, công tác kiểm soát ở thị trường nội địa có vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, phải tập trung ngăn chặn tình trạng buôn lậu, quyết liệt chống buôn lậu, vận chyển trai phép vật tư y tế phòng dịch COVID -19 và tập trung xử lý các mặt hàng, địa bàn trọng điểm thực hiện kế hoạch chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Theo kết quả báo cáo của các địa phương và lực lượng chức năng, sau 1 năm thực hiện Kế hoạch số 27/KH-VPTT, tổng số vụ kiểm tra, xử lý là 8.060 vụ (tăng 20,79% so với cùng kì năm ngoái); số vụ đã xử lý hình sự: 220 vụ/356 đối tượng; số vụ đã xử lý hành chính là 6.932 vụ; số tiền thu nộp ngân sách hơn 113,148 tỷ đồng.